Ngành nhôm tránh bị động, bất ngờ trước các vụ kiện lẩn tránh phòng vệ thương mại Doanh nghiệp Việt cần làm gì trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài? |
Doanh nghiệp đối diện với nhiều nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các cam kết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại…
Việc thực thi hiệp định trong hơn 5 năm qua đã giúp mở rộng thị trường, thu hút đầu tư và mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, nhưng cũng khiến cho doanh nghiệp của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thực tế cho thấy, xu hướng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại đang gia tăng tại các nước thành viên CPTPP. Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại không chỉ nhiều hơn về số lượng, mà còn phức tạp hơn về quy mô và đa dạng hơn về mặt hàng.
Toạ đàm Hạn chế rủi ro phòng vệ thương mại khi gia tăng xuất khẩu sang thị trường CPTPP |
Tại Toạ đàm Hạn chế rủi ro phòng vệ thương mại khi gia tăng xuất khẩu sang thị trường CPTPP do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 27/11, ông Bùi Tuấn Hoàn - Trưởng Phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương chia sẻ, có 4 quốc gia châu Mỹ tham gia CPTPP là Canada, Mexico, Peru và Chile. Trong đó, ngoài Chile đã có FTA song phương với Việt Nam; Canada, Mexico và Peru là 3 thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam, do đó những ưu đãi thuế quan trong CPTPP có tác động rất tích cực tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này.
“Có thể nói, kể từ khi Hiệp định CPTPP đi vào hiệu lực đối với Việt Nam từ tháng 1/2019, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ” – ông Bùi Tuấn Hoàn thông tin.
Điều này thể hiện ở chỗ năm 2021, xuất khẩu sang 4 nước CPTPP khu vực châu Mỹ đạt hơn 12 tỷ USD, đặc biệt Việt Nam xuất siêu tới 10,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Canada đạt 5,3 tỷ USD và tăng 75% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực.
Hay như đối với Mexico, xuất khẩu sang thị trường này đạt 4,6 tỷ USD, và tăng trên 105% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực.
Xuất khẩu sang Peru cũng tương tự, tuy mới phê chuẩn Hiệp định vào năm 2021 cũng đạt 560 triệu USD, tăng trưởng 85%. Chile, tuy chưa phê chuẩn Hiệp định, cũng đạt 1,7 tỷ USD, tăng 63%. Như vậy, đây là những con số rất ấn tượng.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 8,76 tỷ USD, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch giảm chủ yếu ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ nội thất…
Nhập khẩu từ các thị trường CPTPP khu vực Châu Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2023 cũng có mức giảm tương tự 15%, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng máy móc, phân bón, sắt, thép, nguyên phụ liệu.
Ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài - Cục Phòng vệ thương mại cho biết, đối với những nước có FTA nói chung và CPTPP nói riêng, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại tăng một cách nhanh chóng. Lý do là khi doanh nghiệp có được lợi thế, có động lực tăng trưởng từ CPTPP nói riêng và FTA nói chung thì sẽ nâng cao giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang rất nhiều thị trường mới.
Do hàng hóa của chúng ta được ưa chuộng và có tính cạnh tranh cao nên tạo nên sức ép đối với ngành sản xuất nội địa của những nước nhập khẩu. Từ đó, ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu mong muốn rằng Chính phủ của nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại, phổ biến nhất là các biện pháp về phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
“Ngoài những nước lần đầu tiên của FTA với Việt Nam như Canada hay Chile và Peru thì đã có rất nhiều thành viên CPTPP điều tra biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, có thể kể đến như Australia hay Malaysia” - ông Phùng Gia Đức chia sẻ.
Đó là Australia đã điều tra tới 18 vụ việc phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, tương đương với Canada, Malaysia cũng đã trên 10 vụ việc; Mexico có 03 vụ việc mới và đều phát sinh sau khi kí CPTPP.
Như vậy, xu hướng này là tất yếu và không thể tránh khỏi. Khi xuất khẩu, doanh nghiệp đã tham gia cuộc chơi toàn cầu và phải chấp nhận rằng sẽ phải đối mặt với những rào cản phòng vệ thương mại trong tương lai.
Về mặt hàng, những mặt hàng dễ dàng bị tổn thương nhất, dễ bị điều tra nhất chính là những mặt hàng tăng trưởng nhanh, mạnh. Theo thống kê của Bộ Công Thương, những mặt hàng như thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thép, nhôm, dệt may, hóa chất... sẽ là những sản phẩm truyền thống và có nguy cơ tiếp tục bị kiện phòng vệ thương mại trong tương lai, ngay cả trong CPTPP và các FTA khác nói chung.
Những mặt hàng như thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thép, nhôm, dệt may, hóa chất... sẽ có nguy cơ tiếp tục bị kiện phòng vệ thương mại trong tương lai (Ảnh minh hoạ) |
Đối với các doanh nghiệp, ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam chia sẻ, ngành nhôm đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây và các doanh nghiệp ngành nhôm cũng tận dụng tối đa các lợi thế của các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định thương mại CPTPP với các thị trường như Canada, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng như châu Mỹ hoặc châu Úc, Nam Mỹ... Tuy nhiên, doanh nghiệp trong ngành cũng phải đối diện với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp
Để ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại đang ngày càng trở nên phổ biến, ông Vũ Văn Phụ, thứ nhất, về phía các hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội Nhôm Việt Nam liên tục khuyến cáo các doanh nghiệp cần phải chủ động khi bị điều tra, đặc biệt là chuẩn bị kỹ càng hồ sơ dữ liệu doanh nghiệp.
Còn về phía các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội mong muốn phía Bộ Công Thương, đặc biệt là Cục Phòng vệ thương mại duy trì tốt Trung tâm cảnh báo sớm để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp. Thông tin đến sớm là thông tin rất có giá trị và quý báu với doanh doanh nghiệp khi bị điều tra về phòng vệ thương mại.
Thêm nữa, Hiệp hội rất cần hỗ trợ từ các Vụ thị trường Châu Mỹ - Châu Âu, các tham tán thương mại tại các thị trường CPTPP để kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp và chia sẻ thông tin cho các doanh nghiệp, ngành hàng để doanh nghiệp có thêm cơ hội mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường nào đó khi bị điều tra về phòng vệ thương mại.
Về phía Bộ Công Thương, ông Phùng Gia Đức nhấn mạnh, nhận thức được vấn đề thay đổi về thương mại quốc tế và sự tăng trưởng càng ngày càng nhanh của thương mại Việt Nam khi doanh nghiệp càng ngày càng xuất khẩu nhiều ra nước ngoài, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với phòng vệ thương mại.
Cụ thể, với các thị trường mới, Bộ Công Thương đã có những đề án chuyên sâu về phòng vệ thương mại, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để thành lập những đề án trong rất nhiều năm với cái nhìn dài hạn nhằm phổ cập những kiến thức chung về phòng vệ thương mại. Những năm tới, Bộ Công Thương sẽ giới hạn các nhóm đối tượng và sẽ thực hiện những buổi đào tạo nâng cao nhận thức một cách chuyên sâu hơn để các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp không có đủ nguồn lực tự nghiên cứu sẽ có cơ hội tham gia.
Thứ hai, trong các đề án đó, Bộ Công Thương cũng đề cao việc thường xuyên cập nhật các quy định pháp luật hiện nay. Trong đó có một xu hướng trong hai năm trở lại đây đã nổi lên, đó là xu hướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là một biện pháp mở rộng để đảm bảo rằng hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại gốc được duy trì và ổn định và Việt Nam cũng là một trong các đối tượng, một trong những nước bị kiện rất nhiều.
“Các vụ kiện trong tương lai sẽ còn tăng nữa, và tăng rất nhanh. Vì thế, doanh nghiệp cần phải thường xuyên cập nhật các vấn đề liên quan đến thay đổi pháp luật của thị trường nước ngoài. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các đối thoại về phòng vệ thương mại đối với cơ quan điều tra nước ngoài để hiểu rằng họ đang điều tra cái gì và cách thức họ làm như thế nào. Khi có sự thông cảm lẫn nhau, đối thoại lẫn nhau thì mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn và doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều” – ông Phùng Gia Đức nhấn mạnh.
Tiếp theo nữa, Chính phủ Việt Nam sẽ bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng kiên quyết phòng trừ đối với các doanh nghiệp lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại thông qua việc nhập khẩu hoặc lẩn tránh xuất xứ bất hợp pháp, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam xuất khẩu.
Bảo Ngọc
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|