F&N Dairy Investments và Platinum Victory tiếp tục đăng ký mua vào 20,9 triệu cổ phiếu VNM của Vinamilk |
Mới đây, ngày 21/7/2023, F&N Dairy Investments và Platinum Victory thông báo đăng ký mua vào 20.899.554 cổ phiếu VNM của Vinamilk trong thời gian từ ngày 26/7 đến 24/8.
Trong đó, F&N Dairy Investments đăng ký phương thức giao dịch là thoả thuận hoặc khớp lệnh qua sàn. Được biết, đây là công ty con của tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore Fraser and Neave, Ltd. do ông Lee Meng Tat làm đại diện. Hiện tại, F&N Dairy Investments đang là cổ đông lớn thứ hai của Vinamilk khi nắm giữ gần 370 triệu cổ phiếu VNM, tương đương 17,69% vốn điều lệ. Nếu giao dịch thành công, đơn vị này sẽ nâng số cổ phiếu VNM nắm giữ lên hơn 390 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 18,69%.
Về phía Platinum Victory, quỹ ngoại này đăng ký mua vào cổ phiếu VNM theo phương thức giao dịch thoả thuận hoặc giao dịch khớp lệnh qua sàn hoặc giao dịch thông qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Theo tìm hiểu, đây là quỹ đầu tư thuộc sở hữu 100% của Jardine Cycle & Carriage, là đơn vị thành viên của Tập đoàn Jardine Matheson có đặt trụ sở tại Hongkong. Platinum Victory hiện đang nắm giữ gần 222 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 10,62%, là cổ đông lớn thứ ba tại Vinamilk. Nếu giao dịch thành công, quỹ này sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 243 triệu cổ phiếu, tương ứng 11,62% vốn điều lệ.
Cơ cấu cổ đông của Vinamilk hiện tại |
Đáng chú ý, từ năm 2022 đến nay, F&N Dairy Investments và Platinum Victory đã thực hiện gần 20 lần đăng ký mua vào cổ phiếu VNM với cùng số lượng 20,9 triệu. Tuy nhiên, các đợt giao dịch đều không thành công do điều kiện thị trường không phù hợp.
Động thái này của hai đơn vị nói trên được các chuyên gia nhận định là chiến lược “đón lõng”, chủ động mua cổ phiếu VNM ngay khi thị trường có biến động xấu, giá cổ phiếu giảm về mức phù hợp. Chiến lược này giúp các cổ đông lớn nắm bắt cơ hội mà không vi phạm quy định hiện hành của Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, giá cổ phiếu VNM thực tế không giảm nhiều trong suốt thời gian F&N Dairy Investments và Platinum Victory chờ đợi, dẫn đến việc hai doanh nghiệp này nhiều lần “mua hụt”.
Năm 2022, trong bối cảnh thị trường giảm sâu, cổ phiếu VNM từng lao dốc mạnh trong nửa đầu nhưng sau đó đã nhanh chóng phục hồi. Tính chung cả năm, thị giá VNM giảm chưa tới 6% và được ghi nhận là mã VN30 thiệt hại ít nhất trong số 25 mã giảm giá. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, thị giá VNM dừng ở mức 73.500 đồng/cp, giảm 3,92% từ đầu năm đến nay.
Về Vinamilk, ngày 6/7, “người khổng lồ” của ngành sữa Việt Nam đã công bố nhận diện thương hiệu mới sau 47 năm thành lập, nhằm nâng tầm với chiến lược và định vị mới. Theo Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên, đây là nỗ lực tái định vị đầu tiên của doanh nghiệp trên chặng đường hiện đại hóa trải nghiệm và tạo đà bứt tốc trong tương lai.
Cùng ngày, Vinamilk cũng “hé lộ” kết quả kinh doanh sơ bộ giai đoạn quý II/2023. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất quý II/2023 của Vinamilk đạt 15.200 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ và tăng 8,9% so với quý I/2023. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 2.220 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ và tăng 16,5% so với quý I/2023. Theo thông tin từ phía doanh nghiệp, báo cáo tài chính giữa niên độ cho giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 sẽ được công bố vào ngày 28/7 tới.
Kết quả kinh doanh sơ bộ quý II/2023 của Vinamilk |
Trong ĐHĐCĐ thường niên 2023, Vinamilk đã kế hoạch kinh doanh năm với mục tiêu đạt 63.380 tỷ đồng doanh thu và kỳ vọng lợi nhuận sau thuế đạt 8.622 tỷ đồng. Ước tính, doanh nghiệp này đã thực hiện khoảng 46% kế hoạch doanh thu và 48% kế hoạch lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2023.
Cũng tại đại hội, Vinamilk cũng thông báo ngày 4/8 tới là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách nhận cổ tức bằng tiền cho đợt cuối năm 2022 và đợt 1 năm 2023, với tỉ lệ 24,5% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VNM được nhận 2.450 đồng). Ngày thanh toán dự kiến là ngày 5/10/2023.
Thái Hà
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|