Diễn biến phức tạp, xảy ra trên nhiều địa bàn
Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trong những tháng đầu năm 2023, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Công chức hải quan kiểm tra hàng hóa |
Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên nhiều địa bàn, với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.
Tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, từ đó tác động trực tiếp đến công tác thu nộp ngân sách nhà nước của ngành Hải quan nói chung và Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Số thu ngân sách nhà nước đến hết tháng 7/2023 đạt 7.395,5 tỷ đồng; lũy kế số thu NSNN từ đầu năm đến ngày 25/7/2023 đạt 71.025,1 tỷ đồng, bằng 48,71% chỉ tiêu Pháp lệnh (145.800 tỷ đồng); giảm 10,08% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương giảm tuyệt đối 7.959,8 tỷ đồng.
Nhằm thực hiện tốt công tác thu ngân sách năm 2023, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với các mặt hàng có thuế suất xuất khẩu, nhập khẩu cao và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có trị giá cao trong những tháng cuối năm 2023.
Kế hoạch xác định địa bàn trọng điểm gồm: Các Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, 3, 4; Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước; Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; Chi cục Hải quan hàng đầu tư; Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh.
Về mặt hàng trọng điểm, ngoài những mặt hàng thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tạm ngưng nhập khẩu và hàng hóa xuất nhập khẩu có điều kiện, quản lý chuyên ngành.
Trong đó, đặc biệt lưu ý nhóm mặt hàng: Rượu, bia; thiết bị điện gia dụng thuộc mã 8418, 8450, 8516, 8415, 8414, 8509, 8422; hoa quả, trái cây các loại, bánh kẹo, dầu ăn; cá tươi, cá đông lạnh, ướp lạnh; thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá; bài lá; xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh; ô tô.
Đồng thời, các mặt hàng: Sắt thép, vật liệu xây dựng (kính xây dựng, thiết bị vệ sinh), ống thép carbon; xăng dầu; quặng, khoáng sản (than, titan, đất hiếm, đồng, nhôm và phế liệu đồng, nhôm...), máy móc công trình, thiết bị y tế (bao gồm cũ và mới) và hàng hóa xuất nhập khẩu khác khi có chênh lệch lợi nhuận. Mỹ phẩm, quần áo, trang sức mang thương hiệu thời trang nổi tiếng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật, châu Âu.
Cảnh báo phương thức, thủ đoạn buôn lậu
Tại kế hoạch cũng cảnh báo phương thức, thủ đoạn: Người nhập khẩu thay thế C/O khi làm thủ tục hải quan (giả mạo C/O). Lợi dụng hệ thống tự động phân luồng: Cố tình không khai báo hoặc khai báo sai tên hàng, số lượng, trọng lượng, mã số thuế, xuất xứ hàng hóa; khai báo hàng hóa thuộc diện khuyến khích xuất khẩu, nhập khẩu nhằm mục đích hệ thống phân luồng xanh (miễn kiểm tra thực tế hàng hóa) nhưng thực chất là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có trị giá, thuế suất cao.
Bên cạnh đó, lợi dụng khả năng xử lý, phân luồng 24/24 của Hệ thống để thực hiện thông quan hàng hóa vào thời gian nhạy cảm (ngày lễ, nghỉ Tết...) nhằm trốn tránh sự giám sát, kiểm soát hải quan. Khai báo không đúng tên hàng, đơn vị tính, chất lượng hàng hóa đối với các mặt hàng thuộc danh mục quản lý rủi ro hàng nhập khẩu của cơ quan Hải quan, nhằm mục đích không bị đưa vào diện quản lý để được áp mức giá thấp, làm giảm số thuế phải nộp.
Khai báo tên hàng không đầy đủ các yếu tố, ảnh hưởng trực tiếp đến trị giá của hàng hóa như: nhãn hiệu, kích cỡ, chủng loại, chất lượng, công dụng...dẫn đến việc xác định dấu hiệu nghi vấn và xác định trị giá tính thuế không chính xác.
Ngoài ra, vận đơn thể hiện nội dung tên hàng chung chung hoặc tên hàng có giá trị thấp nhưng thực tế hàng hóa có giá trị cao hoặc danh mục cấm nhập. Làm giả hồ sơ, chứng từ để khai thấp trị giá hàng hóa, ưu đãi quan... nhằm gian lận thuế; hoặc gian lận trong định mức đầu tư, gia công.
Khai báo giá thấp đối với hàng xuất khẩu có thuế suất cao nhằm giảm số thuế phải nộp. Mặt hàng chủ yếu là than củi xuất khẩu, phế liệu... Đối với hàng xuất khẩu khi doanh nghiệp nhận được thông tin phân luồng (miễn kiểm tra thực tế hàng hoá) có thể đưa những container hàng hoá không đúng với khai báo để xuất khẩu.
Về phương án đấu tranh, kế hoạch nêu rõ: Cán bộ công chức phải thực hiện nghiêm túc quy trình nghiệp vụ và các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cán bộ công chức trực để khai thác dữ liệu, giám sát thường xuyên trên hệ thống để theo dõi thông tin trực tuyến các tờ khai luồng xanh - vàng - đỏ mở tại Chi cục cũng như các tờ khai có địa điểm thông quan lô hàng.
Đồng thời, lưu ý việc kiểm tra thông tin tờ khai, đối chiếu vận đơn, manifest, hồ sơ rủi ro, cảnh báo nghi vấn liên quan mã, giá, số lượng, chủng loại, xuất xứ… để phát hiện tờ khai hàng nhập khẩu luồng xanh không thuế có thông tin trùng thời gian đăng ký hoặc lợi dụng để xuất khống, hoàn thuế, xuất hàng không đúng khai báo...
Quỳnh Nga
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|