Hải Phòng: Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư bất động sản

(Banker.vn) Với việc tạo lập môi trường kinh doanh tốt và không ngừng hoàn thiện về hạ tầng, Hải Phòng là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư bất động sản trong, ngoài nước.
Bất động sản Hải Phòng: “Mỏ vàng” chờ khai thác “Thị trường bất động sản Hải Phòng – Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư”

Thị trường bất động sản Hải Phòng khởi sắc

Là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương, những năm qua, Hải Phòng đang đón đầu làn sóng đầu tư tại nhiều lĩnh vực, nhờ sở hữu nhiều thế mạnh về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển. Đặc biệt, Hải Phòng luôn là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước.

Thống kê trong nửa đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hải Phòng tăng 9,9% theo năm, cao hơn 6,2% so với trung bình cả nước. Với chỉ số này, Hải Phòng đứng thứ 3 toàn quốc và đứng đầu trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2025, Hải Phòng dự kiến sẽ chiếm 6,4% tỷ trọng GDP cả nước, tăng từ mức 3,9% trong năm 2022.

Tương tự, Hải Phòng cũng duy trì điểm số cao về môi trường kinh doanh thuận lợi và tiềm năng đầu tư trong tương lai khi đứng thứ 3 toàn quốc trong xếp hạng PCI 2022, chỉ sau Quảng Ninh và Bắc Giang. PCI thành phố đạt 70,7 điểm.

Hải Phòng: Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư bất động sản
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đầu tư tại "mảnh đất vàng" Hải Phòng, như dự án phức hợp cao 45 tầng Diamond Crown Hải Phòng của Doji Land.

Về lợi thế phát triển bất động sản, dữ liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, từ đầu quý 2/2023, bất động sản Hải Phòng đã có nhiều tín hiệu khởi sắc rõ nét với lượng giao dịch ghi nhận thành công ngày càng nhiều. Địa phương này có 11 dự án nhà ở đang mở bán, đưa ra thị trường khoảng 1.000 sản phẩm.

Trong đó, 70% nguồn cung là căn hộ cao cấp đến từ các dự án chung cư thuộc quận Lê Chân, mức giá sơ cấp trung bình khoảng 48 triệu đồng/m2, tăng 4,3% theo quý, bằng với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 8% mức giá trung bình căn hộ sơ cấp tại Hà Nội.

Về tình hình giao dịch bất động sản quý 2, dữ liệu của VARS cũng cho thấy, thị trường ghi nhận 236 giao dịch, tỷ lệ hấp thụ đạt 24%, tăng 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Phân khúc căn hộ chung cư dẫn đầu lượng giao dịch với các dự án chung cư mở bán đều ghi nhận lượng giao dịch tốt, đều đặn. Một số dự án đã gần như bán hết.

Tâm điểm đầu tư lớn với nhu cầu nhà ở tăng lên

Có thể thấy, hạ tầng đô thị là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển của thị trường nhà đất. Nhìn lại sự phát triển của nhiều địa phương, việc đầu tư cơ sở hạ tầng là “cánh cửa” để mở rộng mọi mặt về kinh tế. Kèm theo đó các khu đô thị hình thành tại điểm nối là nền tảng quan trọng giúp nâng cao giá trị bất động sản của địa phương.

Với tốc độ phát triển mạnh của hạ tầng trong những năm gần đây, khoảng cách giữa Hải Phòng, Hà Nội và các tỉnh lân cận được rút ngắn nhờ giao thông thuận tiện. Đây cũng là nguyên do chính giúp thị trường bất động sản Hải Phòng thu hút được nhiều tập đoàn trong nước và ngoài nước đến tìm cơ hội phát triển.

Hải Phòng: Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư bất động sản
Tại Hải Phòng, phân khúc bất động sản công nghiệp đã và sẽ còn sôi động hơn nữa, với sự xuất hiện của những tên tuổi lớn.

Các chuyên gia bất động sản nhận định, thời gian tới với những lợi thế sẵn có về hạ tầng giao thông, nỗ lực của thành phố trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… sẽ tạo động lực để thị trường bất động sản Hải Phòng phát triển nhanh tại nhiều phân khúc. Đặc biệt, phân khúc bất động sản công nghiệp đã và sẽ còn sôi động hơn nữa, với sự xuất hiện của những tên tuổi lớn.

Quan trọng hơn khi mới đây Hải Phòng đã có đề xuất phát triển Khu kinh tế mới phía Nam với diện tích dự kiến là 20.000ha, bao trùm quận Đồ Sơn, huyện An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo. Việc thành lập khu kinh tế mới nhằm khai thác hiệu quả định hướng phát triển tuyến đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và khu vực sân bay Tiên Lãng và kết nối với các khu kinh tế lân cận (Thái Bình, Quảng Yên, Vân Đồn).

Đặc biệt, Hải Phòng cũng được dự đoán trở thành tâm điểm đầu tư lớn với nhu cầu nhà ở tăng lên đáng kể, khi Thủy Nguyên lên thành phố vào năm 2025, trở thành trung tâm hành chính và chính trị mới của thành phố, giống như TP. Thủ Đức trực thuộc TP.HCM. Cùng với đó là thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương và điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng quận Hồng Bàng.

Ngọc Tiến

Theo: Báo Công Thương