Hai dự án tại Thái Nguyên của Saigontel sẽ được "bơm" thêm 300 tỷ đồng |
Cụ thể, Saigontel sẽ rót thêm 300 tỷ vào 2 dự án khu công nghiệp tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, tổng vốn đầu tư dự án Cụm công nghiệp Tân Phú 1 sẽ tăng 151,6 tỷ đồng, từ mức 496 tỷ đồng lên mức 647,6 tỷ đồng. Đối với dự án Cụm công nghiệp Tân Phú 2, tổng vốn đầu tư sẽ được tăng 160 tỷ, từ mức 403,4 tỷ đồng lên mức 563,4 tỷ đồng.
Đồng thời, Saigontel cũng kéo dài thời gian triển khai cả 2 dự án tới năm 2025, tức trễ 2 năm so với kế hoạch ban đầu.
Được biết, nguyên nhân hai dự án này bị đội vốn và kéo dài so với dự kiến là do thời điểm điều chỉnh, giá chi phí nguyên vật liệu, san lấp cũng như các chi phí liên quan khác có sự biến động tăng.
Theo tìm hiểu, Cụm công nghiệp Tân Phú 1 và Tân Phú 2 có tổng mức đầu tư ban đầu là 800 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương – Chi nhánh Bắc Ninh cấp hạn mức tín dụng 720 tỷ đồng để triển khai. Hai dự án toạ lạc tại xã Đông Cao và xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Đây là vị trí rất thuận lợi về giao thông cho việc vận chuyển hàng hóa cũng như tạo mối liên kết với các tỉnh lân cận.
Tính tới cuối năm 2022, hai dự án này đã giải phóng được 80 ha trên tổng diện tích 131 ha mặt bằng. Theo kế hoạch năm 2023, Saigontel sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng thêm 28 ha còn lại của Tân Phú 1 và đạt 80% diện tích giải phóng mặt bằng dự án Tân Phú 2, tương đương 45,2 ha.
Tại Thái Nguyên, ngoài hai cụm công nghiệp trên, doanh nghiệp của đại gia Đặng Thành Tâm còn đang triển khai cụm công nghiệp Lương Sơn tại thành phố Sông Công. Ba cụm công nghiệp này đều nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc: Hà Nội – Hải Dương – Hưng Yên – Bắc Ninh – Vĩnh Phúc. Theo thông tin từ phía doanh nghiệp, ba siêu dự án này sẽ được quy hoạch phát triển thành các cụm logistics thông minh và khu vực hóa chuỗi cung ứng, đồng thời phát triển logistics xanh, nhằm thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao…
Năm 2023, Saigontel đặt kế hoạch doanh thu đạt 2.750 tỷ đồng, tăng 89% và lợi nhuận trước thuế đạt 412 tỷ đồng, gấp 4 lần so với thực hiện năm 2022.
Đây được đánh giá là một kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng khi mà trước đó, năm 2022, Saigontel đã không thể hoàn thành mục tiêu đề ra. Cụ thể, doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc Đặng Thành Tâm chỉ đạt 1.453,97 tỷ đồng doanh thu, tương đương 58,16% kế hoạch năm. Trong khi đó, lợi nhuận ghi nhận 107,65 tỷ đồng, chỉ hoàn thành được 35,88% kế hoạch năm.
Đáng nói, khởi động năm 2023, kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp này lại khá “kém sắc” khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế đồng loạt sụt giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu chỉ đạt 93,38 tỷ đồng, giảm 77,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 5,56 tỷ đồng, giảm 97,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 58,4% về còn 44,9%.
Kết quả kinh doanh quý I/2023 của Saigontel sụt giảm mạnh |
Phía doanh nghiệp cho biết, sự sụt giảm này là do doanh thu hoạt động thương mại – dịch vụ; và hoạt động cho thuê đất, văn phòng & nhà xưởng đều suy giảm mạnh.
Nếu xét riêng hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2023, Saigontel lỗ 0,65 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 204,39 tỷ đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận gộp quý đầu năm 2023 của Saigontel tạo ra không đủ để bù đắp trả chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
Không chỉ kết quả kinh doanh lao dốc, dòng tiền kinh doanh chính của Saigontel trong quý I/2023 cũng không mấy khả quan khi ghi nhận âm 97,6 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/3/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp đã tăng 14,5% so với đầu năm, lên mức 2.181 tỷ đồng, tương đương 37,6% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn lên tới 1.705,3 tỷ đồng và nợ vay dài hạn ghi nhận 475,7 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, để đáp ứng nhu cầu vốn triển khai đồng bộ một loạt dự án bất động sản, Saigontel cho biết, trong năm 2023, doanh nghiệp này sẽ thu xếp nguồn vốn khoảng từ 3.500 tỷ đồng đến 4.000 tỷ đồng thông qua việc tăng vốn cũng như huy động vốn từ các đối tác chiến lược, vay ngân hàng, các định chế tài chính hoặc hợp tác đầu tư để tiến hành triển khai các dự án và bổ sung vốn kinh doanh.
Theo đó, Saigontel dự kiến chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương ứng 67,6% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành), ủy quyền cho HĐQT quyết định giá chào bán và dự kiến triển khai trong năm 2023.
Cổ phiếu SGT bị đưa vào diện cảnh báo, Saigontel giải trình ra sao? Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/11, cổ phiếu SGT giảm 0,99% về mức 10.050 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao ... |
Chủ tịch HĐQT Saigontel (SGT) Đặng Thành Tâm kỳ vọng 2023 sẽ là năm đột phá Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch HĐQT Saigontel là ông Đặng Thành Tâm kỳ vọng 2023 sẽ là năm đột phá. SGT ... |
Vừa ra khỏi diện cảnh báo, cổ phiếu SGT được cấp margin trở lại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa Quyết định đưa cổ phiếu SGT của Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn ... |
Thái Hà
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|