Hai con đường, một ước mơ từ đài tưởng niệm chiến tranh xứ chuột túi

(Banker.vn) Bên lề chuyến công tác của Bộ Công Thương tháp tùng Thủ tướng thăm Australia tôi đã có dịp ghé thăm Đài tưởng niệm chiến tranh nằm ở thủ đô Canberra, Australia.
Ngày này năm xưa 13/11: Ngày thành lập Hội đồng Thi đua khen thưởng Bộ Công Thương Tổng thống Putin đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ

Cách đây ít lâu, tôi may mắn tham gia đoàn công tác của Bộ Công Thương tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Australia và nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vào 7/3/2024.

Đại lộ chiến tranh

Bên lề chuyến công tác ấy, tôi đã có dịp ghé thăm Đài tưởng niệm chiến tranh nằm ở ngoại ô Campbell của thủ đô Canberra, Australia.

Hai con đường, một ước mơ từ đài tưởng niệm chiến tranh xứ chuột túi
"Để tưởng nhớ những người đã cống hiến, chịu gian khổ và hi sinh Việt Nam 1962-1975"

Trước chuyến đi, Đại tá Nguyễn Ngọc Hưng, Phó trưởng phòng Thời sự Quốc tế Báo Quân đội nhân dân, người từng nhiều năm học tập quốc phòng ở Australia nhắn tin cho tôi qua Facebook: “Rất ấn tượng với thông điệp “6 hơn” của Thủ tướng và phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về những khai mở hợp tác phát triển kinh tế mạnh mẽ, thực chất, nhất là về năng lượng và khoáng sản. Hai nước đang thực hiện phương châm Kangaroo, loài thú chỉ tiến về phía trước, gác lại quá khứ và cùng hướng tới tương lai bằng những việc làm thiết thực”.

Hai con đường, một ước mơ từ đài tưởng niệm chiến tranh xứ chuột túi
Tác giả trước “đại lộ chiến tranh” dẫn vào đài tưởng niệm chiến tranh.

Nhắc tôi từng là người lính có 28 năm quân ngũ, anh Hưng khuyên nên một lần đến bảo tàng - đại lộ chiến tranh ở thủ đô nước bạn. Thế là một sáng đầu tháng Ba, khi ánh nắng mùa xuân trải vàng rực đại lộ Anzac Parade, tuyến đường nghi lễ quốc gia của Australia, tôi dạo bước qua những trầm tích quá khứ mang hình bóng chiến tranh.

Tôi từng đến Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều bảo tàng khác nhưng chưa bao giờ đến một bảo tàng chiến tranh ở đất nước của những người có lúc từng tham chiến trong cuộc chiến tranh phi nghĩa xâm lược Việt Nam.

Sự ra đời của bảo tàng cho thấy dân tộc nào, ý thức hệ nào thì quá khứ vẫn luôn là di sản, là hành trang cần gìn giữ.

Hai con đường, một ước mơ từ đài tưởng niệm chiến tranh xứ chuột túi

Đại lộ chiến tranh trước đài kỷ niệm có nhiều khu vực ghi dấu các cuộc chiến tranh mà nước Australia đã trải qua

Người ta đã đặt bảo tàng ở vị trí trang trọng, trên trục đường chạy từ đỉnh Đồi Ainslie ở phía đông bắc tới Capital Hill, nơi có Tòa nhà Quốc hội ở phía tây nam. Được biết, năm 1927, Quốc hội Australia đã phát động một cuộc thi để tìm ra thiết kế tốt nhất cho đài tưởng niệm chiến tranh.

Hai con đường, một ước mơ từ đài tưởng niệm chiến tranh xứ chuột túi

Cuộc thi thu hút sự tham gia đông đảo của các kiến trúc sư và tìm ra được nhiều tác phẩm ưng ý song hai tác phẩm tiêu biểu nhất là của hai kiến trúc sư Emile Sodersten và John Crust. Ban tổ chức cho hai kiến trúc sư cùng nhau thảo luận và đưa ra phương án hoàn chỉnh nhất cho phiên bản cuối.

Hai con đường, một ước mơ từ đài tưởng niệm chiến tranh xứ chuột túi

Khu vực nói về cuộc chiến tranh ở Việt Nam mà nước Australia tham gia ngày nay thu hút nhiều người đến viếng thăm

Năm 1941, Đài tưởng niệm Chiến tranh Canberra trong Thế chiến II được hoàn thành nhưng đến năm 1993, để kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất và sau này gần đây nữa, các hạng mục cho đài tưởng niệm vẫn cứ được bổ sung, hoàn thiện. Dọc đại lộ là những mốc lịch sử chiến tranh nước Australia tham chiến, có cả những đoạn khá dài trưng bày hình ảnh cuộc chiến tranh ở Việt Nam thời đất nước ta kháng chiến chống Mỹ…

Hai con đường, một ước mơ từ đài tưởng niệm chiến tranh xứ chuột túi

Đài tưởng niệm có 5 khu vực: Khu nhà tưởng niệm Hall of Memory - một nhà nguyện cao với một tòa nhà nhỏ hình bát giác; Vườn điêu khắc với các bức tường phía đông, tây nam và nam được thiết kế bằng kính màu trưng bày hình ảnh khảm của Sailor, Servicewoman, Soldier và Airman; Khu mộ của người lính Australia là các bức tường lưu danh" của những người lính từng tham gia chiến trường, tên của họ được khắc trên tấm thẻ bài bằng đồng. Có rất nhiều hoa hồng, hoa anh túc cắm vào lỗ trên tường. Trên đại lộ, còn có một tảng đá nằm trong công viên Remembrance ở phía sau đài tưởng niệm. Khu này không có hình ảnh binh sĩ mà dành cho những người dân Australia đã hy sinh để bảo vệ đất nước của họ. Tiếp đến là phòng hồi ức, nơi có ngôi mộ của các người lính vô danh.

Hai con đường, một ước mơ từ đài tưởng niệm chiến tranh xứ chuột túi

Những hình ảnh trong phòng trưng bày tái hiện ký ức về việc quân đội Australia tham gia cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam

Điểm dừng chân cuối cùng là phòng trưng bày với hầu hết những trang thiết bị quân sự, những kỷ vật chiến tranh và mô phỏng các trận đánh…

Trong những thử thách, có lẽ chiến tranh là sự thử thách khốc liệt nhất đối với con người. Đi trên những con đường, những cánh rừng xanh mướt nơi thủ đô nước bạn, tôi có lẽ cũng như bao người đều băn khoăn tự hỏi: Giá như không có chiến tranh, trời sẽ xanh hơn, rừng sẽ đẹp hơn và không có những đại lộ đầy hình ảnh khổ đau, máu và nước mắt thế này…

Ước mơ của mọi người lính và người dân: Về nhà

Một người bạn đồng hành cùng tôi, TS.Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - kéo tôi vào chụp ảnh và dừng chân khá lâu ở khu vực mang dòng chữ Việt Nam - ở cả ngoài đại lộ và bên trong phòng trưng bày. Gia đình anh có nhiều liệt sĩ, thương binh trong dòng họ đã hi sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhưng các con anh lại học tập và trưởng thành từ Đại học RMIT ở Australia. Với anh ký ức chiến tranh và khát vọng hoà bình luôn song hành cùng thực tế cuộc sống anh đã trải nghiệm từ những câu chuyện ở gia đình, quê hương.

Hai con đường, một ước mơ từ đài tưởng niệm chiến tranh xứ chuột túi

Với anh là vậy còn với những người Australia thì sao? Có lẽ Chiến tranh ở Việt Nam trong ký ức người Australia là những năm tháng khá dài và có lẽ cũng là những chương nhiều tổn thất về người và của nhất.

Lịch sử còn ghi, kể từ các năm 1961, 1962, Đội Hướng dẫn Quân sự Australia, gồm 30 người là chuyên viên kỹ thuật, cố vấn quân sự… chuyên trách về tác chiến rừng rậm, đến Việt Nam, Australia đã nhiều lần gửi thêm quân tham gia cuộc chiến của Mỹ xâm lược Việt Nam. Tháng 10/1967, Úc gửi thêm 1.978 quân. Số lượng lính Australia đông nhất tại miền Nam được ghi nhận vào năm 1969 là 7.672 người. Ngày 11/1/1973, Toàn quyền Paul Hasluck tuyên bố chấm dứt sự tham chiến của quân Australia tại Việt Nam. Theo một số tài liệu, phía Australia đã có khoảng 500 binh sĩ chết và hơn 3.000 người bị thương trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Hai con đường, một ước mơ từ đài tưởng niệm chiến tranh xứ chuột túi
Bia tưởng niệm liệt sĩ Australia hi sinh ở Việt Nam. Dòng chữ cuối cùng: “Home at last” - Cuối cùng họ cũng được trở về quê hương, về nhà”.

Ngày nay, trên đại lộ vào bảo tàng chiến tranh, người Australia đã ghi những thông điệp đáng để suy nghĩ: “Bia tưởng niệm liệt sĩ Australia hy sinh ở Việt Nam. Dòng chữ cuối cùng: “Home at last” - Cuối cùng họ cũng được trở về quê hương, về nhà”.

Vâng, về nhà - khát vọng thiêng liêng của mọi người lính, nhưng có lẽ không phải là về với hài cốt nằm nơi đại lộ này!

Trên lối đi vào khu trưng bày, một pano viết: “Nước Australia đã cống hiến một cách không tiếc nuối những gì tốt nhất và những người dũng cảm nhất... Và để vinh danh họ, đài tưởng niệm này đã được dựng lên….”

Tổng quản lý Gowrie tại lễ khai trương đài tưởng niệm năm 1941 đã phát biểu như vậy nhưng hẳn những người trong cuộc, trong đó có những người ngồi lâu bất động trên bức tường liệt sĩ vô danh sau khi cắm hoa hồng sẽ hẳn rất nhiều hối tiếc. Giá như không có chiến tranh thì người thân của họ đã về nhà, không phải vùi thân nơi sa trường đất khách quê người nay vẫn chưa tìm thấy.

Lịch sử ghi lại lòng dân

Thực tế, một cựu binh ở thế hệ sau đã viết: “Nhiều sinh mạng đã ra đi, nhiều thành viên trong gia đình đã hi sinh... Dòng thời gian vẫn sẽ trôi, và việc những sử sách này được kể lại là rất quan trọng. (Trung sĩ Adam Bryan, Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia, Trung Đông).

Hai con đường, một ước mơ từ đài tưởng niệm chiến tranh xứ chuột túi

Nhiều kỷ vật như lá cờ nửa đỏ nửa xanh, quân tư trang của bộ đội quân giải phóng miền Nam Việt Nam cũng được trưng bày tại phòng trưng bày

Trong khu trưng bày, hình ảnh, tư liệu về cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã được thể hiện khá phong phú. Có lúc là những con số thuyết minh: “RAAF: Royal Australian Air Force (Không quân Hoàng gia Australia). Khi 4 máy bay vận tải quân sự hạ cánh ở Việt Nam vào 1964, Australia là quốc gia đầu tiên (bên cạnh Mỹ) cho vận tải phi cơ vào Việt Nam.Hơn 4.500 nhân lực của RAAF được điều động trong cuộc kháng chiến tại Việt Nam, trong đó có 14 thiệt mạng và hơn 80 người bị thương”…

Nhưng cũng có lúc là sự thừa nhận khó khăn, thất bại khi một bản thuyết minh viết: “Tìm-Và-Diệt”

Hai con đường, một ước mơ từ đài tưởng niệm chiến tranh xứ chuột túi

Quân đội Australia và Mĩ cùng nhau thực hiện “chiến dịch Crimp” (Trận rừng Hố Bò) vào tháng 1 năm 1966. Mục đích của chiến dịch nhằm phát hiện đường hầm của Việt Cộng trong rừng Hố Bò, khu vực Củ Chi để tìm và tiêu diệt sở chỉ huy chủ chốt của Việt Cộng tại khu vực này. Lực lượng đặc công và lính bộ binh Úc đã thể hiện lòng dũng cảm và sự tháo vát trong hành trình càn quét những đường hầm. Họ được huấn luyện song luôn ở trong trạng thái nguy hiểm cận kề từ nguy cơ sập đường hầm, thiếu oxi và kẻ địch (ám chỉ Việt Cộng) ẩn bên trong. Lực lượng đã thu giữ được số lượng lớn tài liệu và vũ khí. Tuy nhiên, hệ thống đường hầm rừng Hố Bò quá phức tạp, tới mức những đoàn binh không thể nào phá huỷ toàn bộ đường hầm”…

Và cuối cùng, đài tưởng niệm cũng có những dòng khá chân thực nói về lòng dân mong muốn chấm dứt chiến tranh, khát vọng hoà bình:

“Phản đối chiến tranh tại Việt Nam

Hai con đường, một ước mơ từ đài tưởng niệm chiến tranh xứ chuột túi

Mặc dù ban đầu nhận được sự ủng hộ của công chúng và là chủ đề của ba chiến dịch bầu cử của liên bang, sự can dự của Australia vào Việt Nam ngày càng trở thành một vấn đề gây chia rẽ vào cuối những năm 1960. Các cuộc biểu tình ban đầu, từ năm 1965 trở đi, đã bị kiềm chế và tập trung vào lí do Australia ủng hộ chiến tranh và việc gửi lính nghĩa vụ đến Việt Nam.

Từ giữa năm 1969, các cuộc khảo sát ý kiến dư luận cho thấy đa số người Australia muốn chấm dứt sự can dự quân sự. Các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh và chống chế độ tòng quân trong thời kì này là cuộc biểu tình lớn nhất mà đất nước từng chứng kiến, đỉnh điểm là cuộc tuần hành năm 1970 và 1971…”.

Hai con đường, một ước mơ từ đài tưởng niệm chiến tranh xứ chuột túi
Những pano chứa đựng thông điệp, đúc kết đáng suy ngẫm về ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình

Hai con đường, một ước mơ hôm nay

Cuộc chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm. Quan hệ hai nước giờ đây đã đi tới những chặng đường tươi sáng. Hai nước tăng cường hiểu biết, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về hợp tác an ninh quốc phòng. Gặp lại tôi ở sân bay hôm về Việt Nam, Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục gìn giữ Hoà bình Việt Nam cho biết: Hai nước ngày càng tăng cường hợp tác về quốc phòng, hai bên nhất trí triển khai hiệu quả Thỏa thuận Đối tác Gìn giữ hòa bình; tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực đào tạo, huấnluyện, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm giữa các quân, binh chủng, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng dữ liệu quốc gia…

Còn về hợp tác kinh tế, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Australia Anthony Albanese phát biểu cho hay, ông tự hào về quan hệ đối tác mới của hai nước Việt Nam - Australia, trong đó có những trụ cột cụ thể, đặc biệt là hợp tác về năng lượng.

Là nhà nghiên cứu am hiểu Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales đã nhìn chặng đường hợp tác hôm nay từ ký ức chiến tranh: Chỉ một tháng sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, tháng 2/1973, Australia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Theo ông, quan hệ Australia - Việt Nam đã hình thành như thế và điều đó thể hiện cho tầm nhìn dài hạn của Chính phủ Australia, tạo nền móng cho hợp tác kinh tế, thương mại không ngừng phát triển.

Trong lĩnh vực kinh tế công nghiệp và thương mại, Việt Nam và Australia có những kỷ niệm sâu sắc về hợp tác năng lượng từ lâu. Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp đổi mới, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, các chuyên gia ngành điện Việt Nam đã được hỗ trợ quan trọng từ các chuyên gia Australia hỗ trợ tư vấn giám sát, đào tạo quản lý vận hành, an toàn đường dây 500 kV mạch 1- con đường Trường Sơn năng lượng của thời kỳ đổi mới đất nước.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai xây dựng đường dây 500kV mạch 3 với hành trình ngược lại “đưa điện từ miền Nam ra miền Bắc” để giải bài toán thiếu điện cũng đang rất cần hợp tác quốc tế với những quốc gia có nhiều kinh nghiệm, tiềm năng phát triển năng lượng như Australia.

Tạm biệt Canberra, thủ đô yên bình và tĩnh lặng như một làng quê, nơi có nhiều tiếng chim trước cửa khách sạn tôi nghỉ mỗi sáng, tôi chợt nhớ đến chi tiết Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến trong một bài phát biểu ở Australia. Nhắc lại tiểu thuyết nổi tiếng "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" của nữ nhà văn người Australia Colleen McCullough, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tình cảm từ trái tim đến trái tim, như mối quan hệ Việt Nam - Australia, không gì có thể ngăn cản được. Và như một nhà thơ từng nói khi đại bác thôi gầm thì cũng là lúc hoạ mi cất tiếng hót. Đi qua những con đường chiến tranh, những đau thương quá khứ chính là trải nghiệm sâu sắc để vun đắp nên lòng tin chiến lược cho hợp tác và phát triển, xây nền thái bình muôn thuở, tắt muôn đời chiến tranh, cho hoạ mi hót mãi…

Hai con đường, một ước mơ từ đài tưởng niệm chiến tranh xứ chuột túi
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và ông Tim Ayres, Bộ trưởng phụ trách Thương mại, sản xuất Australia ký Bản thỏa thuận thiết lập cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng về năng lượng và khoáng sản vào ngày 5/3/2024

Trong lĩnh vực kinh tế công nghiệp và thương mại, Việt Nam và Australia có những kỷ niệm sâu sắc về hợp tác năng lượng từ lâu. Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp đổi mới, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, các chuyên gia ngành điện Việt Nam đã được hỗ trợ quan trọng từ các chuyên gia Australia hỗ trợ tư vấn giám sát, đào tạo quản lý vận hành, an toàn đường dây 500 kV mạch 1 - con đường Trường Sơn năng lượng của thời kỳ đổi mới đất nước. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 với hành trình ngược lại “đưa điện từ miền Nam ra miền Bắc” để giải bài toán thiếu điện cũng đang rất cần hợp tác quốc tế với những quốc gia có nhiều kinh nghiệm, tiềm năng phát triển năng lượng như Australia .

Ghi chép của Nguyên Minh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục