Hai cá nhân mạnh tay cho Danapha vay hơn 250 tỷ đồng triển khai đại dự án tại Đà Nẵng

(Banker.vn) Công ty CP Dược Danapha (DAN) vừa ‘chốt’ kế hoạch vay từ cổ đông hàng trăm tỷ đồng nhằm thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm và Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao ở Đà Nẵng.

HĐQT Danapha vừa thống nhất thông qua hợp đồng vay vốn cổ đông để thực hiện dự án. Theo đó, cổ đông Phạm Hương Giang sẽ cho Công ty vay 135 tỷ đồng; cổ đông Nguyễn Phương Vy cho Danapha vay 120 tỷ đồng.

Các khoản vay này sẽ áp dụng lãi suất 6,3%/năm cho năm đầu tiên. Mức lãi suất trong các năm sau sẽ được hai bên thỏa thuận lại theo từng năm, nhưng luôn đảm bảo mức cạnh tranh hơn mức lãi suất trung bình gửi tiết kiệm 12 tháng của bộ tứ ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank + biên độ 2,2%.

Thời gian vay dự kiến không quá 10 năm. Thời hạn thanh toán nợ gốc sau 5 năm kể từ thời điểm vay, hoặc thanh toán nhiều lần trong thời hạn cho vay theo thỏa thuận của hai bên.

Mục đích vay được ông lớn ngành dược ở Đà Nẵng mô tả là để thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm và Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao. Những khoản vay này đều không có thế chấp.

Tình hình nợ vay của Danapha
Tình hình nợ vay của Danapha

Theo BCTC giữa niên độ 2024, gánh nợ của Danapha đã tăng từ 584,3 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 687,4 tỷ đồng. Nợ vay ngắn hạn, dài hạn lần lượt là 166,7 tỷ đồng và 209,7 tỷ đồng.

Về tình kinh doanh, doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 của DAN đạt 284,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy vậy, giá vốn cao và các chi phí đều tăng nên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 37,8 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ 2023.

Điều chỉnh đầu tư dự án 1.500 tỷ

Trước đó, trong cuộc họp bất thường tháng 7/2024, HĐQT Danapha đã thông qua nghị quyết điều chỉnh các hạng mục đầu tư tại Phân kỳ 3 của dự án.

Cụ thể, HĐQT Danapha đã quyết định điều chỉnh mục tiêu từ việc xây dựng "Nhà máy sản xuất thuốc mỡ, nang mềm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe" sang "Nhà máy sản xuất viên nang mềm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe". Đồng thời, công suất thiết kế của nhà máy được tăng từ 300 triệu đơn vị/năm lên 500 triệu đơn vị/năm.

Nhà xưởng của Danapha sẽ được nâng cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt của GMP châu Âu (EU-GMP), một trong những tiêu chuẩn cao nhất trong ngành dược phẩm toàn cầu.

Để đáp ứng quy mô sản xuất mới, tổng diện tích sàn xây dựng của nhà xưởng sẽ được mở rộng từ 4.988,3 m² lên thành 6.942 m². Ngoài ra, Danapha sẽ đầu tư thêm khu vực xuất nhập hàng với diện tích 335 m² nhằm tối ưu hóa quá trình vận chuyển và giao nhận hàng hóa.

Dự án xây dựng trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng
Dự án xây dựng trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng

Sự điều chỉnh này cũng dẫn đến việc thay đổi tổng mức đầu tư của dự án. Cụ thể, chi phí xây lắp và thiết bị xây lắp tăng từ 648,811 tỷ đồng lên 669,251 tỷ đồng, chi phí chung tăng thêm 0,8 tỷ đồng do kéo dài thời gian thực hiện dự án. Mặc dù vậy, chi phí thiết bị sản xuất dự kiến sẽ giảm 32,78 tỷ đồng, xuống còn 699,855 tỷ đồng nhờ việc dừng đầu tư vào hai hệ thống máy sản xuất thuốc mỡ, thay vào đó là đầu tư thêm thiết bị nghiên cứu.

Như vậy, sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án là 1.495,734 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kế hoạch ban đầu đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua vào đầu năm 2024.

Tại ĐHCĐ thường niên đầu năm 2024, Danapha cũng đã thông qua việc điều chỉnh Dự án Nhà máy sản xuất Dược phẩm và Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng; trong đó chi phí xây lắp chiếm 648,8 tỷ đồng, chi phí thiết bị 732,6 tỷ đồng. Trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư được Danapha liệt kê, có nguồn vốn vay Quỹ đầu tư phát triển TP Đà Nẵng, dự kiến khoảng 140 tỷ đồng.

Ngoài ra, nguồn tiền đầu tư còn gồm vốn huy động từ đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi 2017 (150 tỷ đồng); Lợi nhuận để lại tái đầu tư (quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp, 209,2 tỷ đồng); Vốn vay cổ đông (604,5 tỷ đồng); Vốn vay nước ngoài (dài hạn, 392 tỷ đồng).

Kiều Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán