HAH, VOS, GMD... "nóng hổi" ngày Gemadept đại hội, triển vọng tươi sáng còn ở phía trước

(Banker.vn) Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 được tổ chức ngày 25/6 của Gemadept (HOSE: GMD), lãnh đạo công ty đã đưa ra nhận định giá cước vận tải thời gian tới...

Thị trường chứng khoán ngày 25/6 tưởng chừng như sẽ là một phiên hồi phục tích cực sau phiên giảm sâu trước đó, nhưng tâm lý thận trọng vẫn bao trùm gần như xuyên suốt. May mắn là lực cầu cuối phiên kịp giúp thị trường lấy lại sắc xanh và vượt lên trở lại đường trung bình MA50. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/6, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.256.56 điểm, tăng 2,44 điểm (+0,19%).

Phiên 25/6, cổ phiếu ngành vận tải biển tiếp tục thể hiện độ "hot" của mình, với HAH tăng trần. VOS, VSC, DXP, GMD... cũng ngập trần sắc sắc. Bất chấp cổ phiếu nhiều ngành điều chỉnh, hoặc đi ngang trong thời gian gần đây, cổ phiếu vận tải biển vẫn băng băng tiến bước.

HAH, VOS, GMD...
Phiên 25/6, cổ phiếu ngành vận tải biển tiếp tục thể hiện độ "hot" của mình

Nhìn rộng hơn, từ đầu năm 2024 đến nay, thị giá của loạt các cổ phiếu nhóm cảng biển - vận tải biển đều đồng loạt tăng ấn tượng, với VSA (+50%), GMD (+22%), HAH (+34%) hay VIP (+38%).

Cổ phiếu ngành vận tải biển "thăng hoa" thời gian vừa qua nhờ việc giá cước vận tải biển tăng chóng mặt và được dự đoán sẽ tiếp tục lên cao trong nửa cuối năm nay.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 được tổ chức ngày 25/6 của Gemadept (HOSE: GMD), lãnh đạo công ty đã đưa ra nhận định giá cước vận tải thời gian tới. Cụ thể, sau thời điểm tăng nóng giai đoạn 2020 - 2022 thì giá cước đã hạ nhiệt. Đến cuối 2023, giá cước mới hồi phục tốt trở lại. Hiện giá cước đi các tuyến vận tải đang tăng 300% so với cùng kỳ 2023; đà tăng đang rất mạnh gần đây khi giá cước tháng 6 đã cao hơn 30% so với tháng 5.

Lãnh đạo GMD tin rằng tình trạng giá cước trên tất cả các tuyến sẽ tăng đến hết 2024 do các biến động tại Biển đỏ, xung đột chính trị, tình trạng thiếu tàu, thiếu thiết bị sẽ khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn.

HAH, VOS, GMD...
Lãnh đạo GMD chia sẻ tại đại hội

Tại talkshow Gõ cửa tháng mới của SSI Research diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hoàng Giang - Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, SSI Research đã có những lý giải về việc giá cước tăng mạnh, đến từ một số nguyên nhân chính.

Thứ nhất, do các tàu sau thời gian chạy qua vùng mũi Hảo Vọng đến châu Âu và quay trở lại có dấu hiệu bị trùng lịch với những con tàu hiện tại, dẫn đến phải chờ. Tại khu vực Singapore, các tàu đang phải chờ khoảng 7 ngày mới vào được cảng, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng.

Thứ hai, năm 2024 là giai đoạn các nhà sản xuất, chuỗi bán lẻ trên thế giới có dấu hiệu chuyển từ giảm sang tích lại hàng tồn kho để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Do đó, sự kiện biển Đỏ xảy ra đã kéo theo nhiều lo ngại về khả năng không nhận được hàng cuối năm, dẫn đến hành động thúc đẩy sớm hơn việc giao hàng, sản xuất hàng.

Thứ ba, gần đây có thông tin Mỹ sẽ đánh thuế hàng hóa của Trung Quốc bắt đầu từ tháng 8, do đó Trung Quốc cũng đẩy sớm tốc độ xuất hàng đi và tạo thêm áp lực cho chuỗi cung ứng.

Cũng theo ông Giang, để giải quyết các vấn đề đứt gãy thì các hãng tàu phải đợi đến tháng 11 và 12 mới dư tàu để sắp xếp lại chuỗi cung ứng, do đó SSI Research không kỳ vọng tình trạng tắc nghẽn có thể được giải quyết ngay trong thời gian sắp tới.

Trên góc độ rộng hơn, việc đứt gãy chuỗi cung ứng đến từ hai vấn đề, gồm căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu. Về dài hạn, căng thẳng địa chính trị vẫn tác động và giá cước vẫn giữ mức cao.

"Nhìn vào khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận, với đà tăng giá cước và giá thuê tàu hiện nay, có thể thấy 2023 đã là năm đáy của ngành vận tải biển, container và quý 2, 3, 4/2024 sẽ nhìn thấy sự tăng trưởng lợi nhuận so với các quý trước cũng như so với cùng kỳ 2023. Đây là trạng thái tích cực cho các cổ phiếu trong ngành", ông Giang nhận định.

Về dài hạn, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá ngành cảng biển toàn Đông Nam Á sẽ hưởng lợi mạnh mẽ từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng. Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu chủ yếu của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ nhưng đang mất dần thị phần vào tay Đông Nam Á và Nam Á. Trong đó, Việt Nam là nước đạt mức tăng mạnh nhất từ chiếm tỷ trọng 6% (2016) lên đến 13% (2022).

Cổ phiếu MVN lên đỉnh 22 tháng, VIMC trở lại câu lạc bộ vốn hóa tỷ đô

Đà bứt phá tăng giá của MVN diễn ra cùng xu thế chung của nhóm cảng biển trong thời gian gần đây, khi mà giá ...

Cổ phiếu PVT không còn quá hấp dẫn dù vẫn hưởng lợi đơn lợi kép

Theo giới phân tích, bên cạnh câu chuyện giá cước neo vùng giá cao, PVT còn đang hưởng lợi từ việc trẻ hóa đội tàu ...

Triển vọng ngành vận tải biển nhìn từ đầu tàu MVN

Cổ phiếu đầu ngành vận tải biển MVN nhiều lần tăng hết biên độ trong khoảng thời gian ngắn gần đây, đưa thị giá lên ...

Lưu Lâm

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục