HAGL tiếp tục muốn hoán đổi nợ của Chăn nuôi Gia Lai thành vốn góp

(Banker.vn) Hội đồng quản trị HAGL đã thông qua việc tiến hành rà soát số liệu căn cứ trên báo cáo tài chính của HAGL và Chăn nuôi Gia Lai để chuyển đổi số dư nợ vay, lãi phải thu và công nợ phải thu khác của Chăn nuôi Gia Lai thành vốn góp cổ phần.

Mới đây, HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - HOSE: HAG) vừa thông qua việc đăng ký mua cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu của Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai - công ty con do HAGL nắm 88,03% vốn. Số lượng cổ phần đăng ký mua là hơn 77,7 triệu cổ phiếu.

HAGL tiếp tục muốn hoán đổi nợ của Chăn nuôi Gia Lai thành vốn góp
Chăn nuôi Gia Lai được thành lập vào năm 2014, hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi.

Đồng thời, HĐQT cũng thông qua việc tiến hành rà soát số liệu căn cứ trên báo cáo tài chính của HAGL và Chăn nuôi Gia Lai để chuyển đổi số dư nợ vay, lãi phải thu và công nợ phải thu khác của Chăn nuôi Gia Lai thành vốn góp cổ phần. Số lượng cổ phần dự kiến chuyển đổi là hơn 77,7 triệu cổ phiếu.

Tổng số cổ phần của HAGL sau khi chuyển đổi là gần 166 triệu cổ phiếu, chiếm 85% vốn Chăn nuôi Gia Lai.

Đây không phải lần đầu HĐQT của HAGL thông qua việc chuyển đổi nợ của Chăn nuôi Gia Lai thành vốn góp. Hồi tháng 9/2020, HĐQT cũng thông qua việc chuyển đổi gần 587 triệu cổ phần tại Chăn nuôi Gia Lai tương ứng với số dư nợ vay và nợ phải thu là 5.865 tỷ đồng.

Theo tìm hiều, Chăn nuôi Gia Lai được thành lập vào năm 2014, hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi. Theo báo cáo tài chính riêng quý III/2023, tại ngày 30/9, khoản đầu tư của HAGL tại Chăn nuôi Gia Lai có giá gốc 1.822 tỷ đồng.

Tại cuối quý III năm ngoái, HAGL có phải khoản phải thu ngắn hạn gần 379 tỷ từ Chăn nuôi Gia Lai, đây là khoản HAGL chi trả hộ. Bên cạnh đó, HAGL còn khoản phải thu về cho vay ngắn hạn với Chăn nuôi Gia Lai 627 tỷ và lãi vay phải trả cho HAGL gần 133 tỷ.

Cuối năm 2023, Đại hội đồng cổ đông của Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai đã thông qua phương án tách Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai theo phương án chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ cổ đông của công ty hiện có (công ty bị tách) để thành lập một CTCP mới mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.

Công ty dự kiến được tách là Công ty CP Nông nghiệp Kon Thụp, có trụ sở tại 859 Trường Chinh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Như vậy, sau khi Chăn nuôi Gia Lai hoàn tất thủ tục tách công ty, Công ty CP Nông nghiệp Kon Thụp trở thành công ty con của HAGL với tỷ lệ sở hữu là 88,03% vốn điều lệ (bằng tỷ lệ sở hữu của HAGL tại Chăn nuôi Gia Lai) kể từ ngày 28/12/2023.

Ở một diễn biến khác, hiện nay, HAGL sở hữu 1.200 ha sầu riêng, trong đó có 700 ha sầu riêng thu hoạch tháng 10 và 11 năm 2024, đang được đầu tư để trở thành nguồn đóng góp chính vào lợi nhuận cho tập đoàn nông nghiệp này. HAGL cũng đang trồng thêm sầu riêng, tiến tới tổng diện tích 2.000 ha vào năm 2026. Với giá thị trường giá sầu riêng Tây Nguyên giai đoạn trên khoảng 80.000 đồng/kg, ước tính doanh số bán sầu riêng đạt khoảng hơn 35 tỷ đồng.

HAGL đang trong thời gian thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thanh lý tài sản không sinh lời, thu hồi nợ từ đối tác, phần nào mang lại khoản thu, duy trì ổn định hoạt động cho công ty. Phải kể đến việc HAGL đã bán khách sạn 4 sao HAGL tại TP Pleiku và thu về 140 tỷ đồng. Ngoài ra, cuối tháng 10, HAGL cho biết đã thanh lý tài sản là Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai và thu về 180 tỷ đồng. Khách sạn này khai trương đi vào hoạt động từ tháng 12/2005 với diện tích 14.165 m2, 12 tầng có tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2023, Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai thuộc tài sản thế chấp của doanh nghiệp trong lô trái phiếu phát hành cho BIDV. Như vậy giá chuyển nhượng khách sạn gấp 2,2 lần mức đầu tư mà HAGL đã bỏ ra.

Về tình hình kinh doanh, tháng 10 vừa qua, HAGL gây chú ý khi công bố doanh thu đạt 711 tỷ đồng, tăng 52,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 244 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu ngành cây ăn trái ghi nhận 410 tỷ đồng, chiếm 57,7% tổng doanh thu; doanh thu ngành chăn nuôi ghi nhận 198 tỷ đồng, chiếm 27,8% tổng doanh thu; doanh thu ngành phụ trợ ghi nhận 103 tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng doanh thu.

Về sản lượng tiêu thụ, công ty cho biết ngành chăn nuôi đạt 35.300 con heo thịt; ngành trồng chuối đạt 39.100 tấn; ngành trồng sầu riêng đạt 442 tấn.

Mặc dù công bố doanh thu tăng đột biến, nhưng HAGL lại không đề cập tới lợi nhuận, điều không xảy ra trong những báo cáo hàng tháng trước đó.

Chuyên gia chứng khoán lưu ý, với thực trạng tài chính vẫn còn là một ẩn số, trong khi từ năm 2022 tới nay, HAGL liên tục tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhưng không thành, cũng như kế hoạch hợp tác cụ thể với LPBank chưa rõ ra sao, ngay cả khi hai bên có hợp tác thiết thực, một rủi ro lớn vẫn luôn thường trực với doanh nghiệp nông nghiệp như HAGL, đó là biến động thất thường của hàng hóa nông sản. Cú “đổ nợ” với cây cao su (vì giá mủ cao su lao dốc), chăn nuôi heo cũng thu hẹp (vì giá heo rớt mạnh) là những ví dụ tiêu biểu về rủi ro khi tham gia vào mảng nông nghiệp của doanh nghiệp này. Trái sầu riêng cũng không đứng ngoài rủi ro giá cả trồi sụt, nhất là khi phong trào trồng sầu riêng đang phát triển rất nóng.

Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc, xem xét kỹ những thông tin doanh nghiệp đưa ra trước khi "đu giá" cổ phiếu, tránh trường hợp thông tin không như kỳ vọng, cổ phiếu bất ngờ đảo chiều khiến nhà đầu tư trở tay không kịp.

HNG liên tiếp tăng trần, HAGL đăng ký bán hơn 13 triệu cổ phiếu để trả nợ

Tận dụng đà tăng của cổ phiếu HNG, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ đăng ký bán hàng chục triệu đơn vị ...

HAGL Agrico lập công ty con vốn điều lệ gần 10.000 tỷ đồng

Tại thời điểm 30/9, HAGL Agrico hiện có 6 công ty con, trong đó có hai pháp nhân tại Lào và 4 pháp nhân tại ...

Chưa thể tìm lại hào quang, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) “buông” chuỗi “heo ăn chuối”

Sau gần 2 năm ra mắt thương hiệu bán lẻ “heo ăn chuối”, Hoàng Anh Gia Lai đã rao bán toàn bộ cổ phần đang ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục