Hạ thành công rotor tổ máy 2 Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng

(Banker.vn) Rotor tổ máy 2 Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng được hạ thành công vào vị trí lắp đặt lúc gần trưa ngày 28/8/2024.
Thuỷ điện Ialy mở rộng: Tập trung thi công ngay đầu Xuân Hoàn thành thông hầm dẫn nước Dự án thuỷ điện Ialy mở rộng

Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng có vốn đầu tư gần 6.400 tỷ đồng với quy mô 2 tổ máy, với tổng công suất 360MW. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 38/TTg-CN ngày 10/01/2018. Dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, ban quản lý dự án điện 2 được giao quản lý điều hành dự án.

Khởi công từ tháng 5/2021, dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine, song với sự nỗ lực, quyết tâm cao, tổ chức điều hành, thi công hợp lý của chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia dự án, đến nay phần xây dựng công trình cơ bản đã hoàn thành.

Lắp đặt thành công rotor tổ máy 2 Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng
Lắp đặt thành công rotor tổ máy 2 Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (Ảnh: Công ty thuỷ điện Ialy)

Sau khi kiểm tra đủ điều kiện, rotor tổ máy 2 (nặng hơn 400 tấn, đường kính 6.276 mm, chiều cao 3.098 mm) đã được lắp đặt vào vị trí an toàn. Đây là dấu mốc quan trọng để tiến tới kế hoạch thử nghiệm chạy thử tổ máy, nhằm đáp ứng mục tiêu phát điện tổ máy số 2 vào tháng 12/2024. Trước đó, rotor tổ máy 1 được hạ thành công vào ngày 26/7/2024.

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án điện 2 cho biết, trước khi lắp đặt rotor, các nhà thầu đã hoàn thành việc lắp đặt tuabin, stator, cầu trục gian máy. Rotor, stator máy phát đã được thí nghiệm cách điện và thí nghiệm cao thế đúng theo tiêu chuẩn hiện hành.

Được biết, công trình Thủy điện Ialy mở rộng khi đi vào hoạt động sẽ tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt là trong các giờ cao điểm; góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống; tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả thừa hàng năm, tăng thêm giá trị sản lượng điện trung bình năm khoảng 233,20 triệu kWh/năm.

Công trình cũng góp phần giảm chi phí nhiên liệu hàng năm, giảm phát thải CO2 và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, giảm bớt cường độ, thời gian làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Nguyên Vũ

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục