Hà Nội xuất hiện ca ho gà đầu tiên trong năm 2023

(Banker.vn) Ngày 30/11, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn mới phát hiện bệnh nhân ho gà đầu tiên trong năm 2023.
Bộ Y tế cảnh báo, nhiều bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát Việt Nam sắp có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng

Bệnh nhân là bé gái sơ sinh 6 tuần tuổi, trú tại huyện Đan Phượng, khởi phát bệnh ngày 10/11 với triệu chứng ho, không sốt, không nôn.

Ngày 11/11, gia đình đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, được chẩn đoán viêm phế quản phổi và kê đơn thuốc điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, sau 3 ngày bệnh thuyên giảm, tới ngày thứ 4, gia đình đưa trẻ đi khám tại Bệnh viện Phương Đông và được kê đơn thuốc về nhà điều trị tiếp.

Hà Nội xuất hiện ca ho gà đầu tiên trong năm 2023
Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh ho gà chủ động và hiệu quả nhất

Đến ngày 16/11, bệnh nhân có biểu hiện ho nhiều về đêm, bú kém, cơn ho kéo dài khoảng 10 phút, có cơn tím tái và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng thở oxy marsk, SpO2 tụt 89% (không thở oxy), họng đỏ, mũi nề. Bệnh nhân được xét nghiệm PCR ho gà và cho kết quả dương tính.

Theo PGS-TS. Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho.

Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1 - 2 tuần, kéo dài 1 - 2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Nếu không được kiểm soát lây nhiễm, ho gà có thể gây dịch. Trong vụ dịch, bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng. Dịch có tính chu kỳ khoảng 3 - 5 năm.

Những trường hợp mắc bệnh ho gà nặng, bị bội nhiễm và có biến chứng cần được cách ly và điều trị tại trạm y tế xã hoặc bệnh viện. Những trường hợp bệnh nghi ngờ cũng không nên cho tiếp xúc với trẻ nhỏ.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có khoảng 30-50 triệu trường hợp mắc bệnh ho gà, trong đó có đến 300.000 ca tử vong. Đáng nói là, phần lớn ca tử vong là trẻ nhỏ, nhất trẻ dưới 1 tuổi.

Tiêm vaccine có thành phần ho gà là biện pháp phòng bệnh ho gà chủ động và hiệu quả nhất. Những trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, tiêm chủng muộn cần tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó để phòng bệnh ho gà hiệu quả.

Bên cạnh tiêm vaccine phòng bệnh, người dân cần bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng. Đồng thời thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng hằng ngày. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị.

Chí Tâm

Theo: Báo Công Thương