Hà Nội: Thị trường gạo khá ổn định dù giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang đắt nhất thế giới

(Banker.vn) Dù có thông tin giá gạo xuất khẩu Việt Nam đắt nhất thế giới, nhưng tại Hà Nội, giá gạo khá ổn định, không có tình trạng “thổi giá”, hay "té nước theo mưa".
Giá gạo tăng từng giờ: Doanh nghiệp không đầu cơ, găm hàng Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đắt nhất thế giới, mừng hay lo?

Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương sáng ngày 20/8 tại một số chợ dân sinh, cửa hàng, đại lý chuyên kinh doanh mặt hàng gạo trên địa bàn Hà Nội cho thấy lượng khách hàng vào mua mặt hàng gạo khá vắng vẻ dù là ngày cuối tuần.

người dân mua gạo tại cửa hàng trên phố Kim Ngưu
Người dân mua gạo tại cửa hàng trên phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Giá gạo được giữ ổn định so với cuối tuần trước đó. Cụ thể, tại cửa hàng chuyên bán xỉ, bán lẻ mặt hàng gạo trên đường Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng), giá gạo Bắc Hương giá 155.000 đồng/10kg; gạo ST25 giá 220.000 đồng/10kg; gạo Thái Xanh 175.000 đồng/10kg; gạo Thái Đỏ 160.000/10kg; gạo tám Điện Biên, gạo Hải Hậu 160.000 đồng/10kg; gạo xi dẻo và gạo khang dân cùng đứng ở mức 152.000 đồng/kg;…. Đây cũng là mức giá được phóng viên Báo Công Thương ghi nhận thời điểm này tuần trước.

Hà Nội: Thị trường gạo khá ổn định dù giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang đắt nhất thế giới
Bảng giá gạo được đại lý giữ nguyên so với tuần trước đó

Còn tại đại lý gạo trên đường Tam Trinh, một số mặt hàng gạo được điều chỉnh giảm 500 đồng/kg. Cụ thể, các mặt hàng gồm gạo Bắc Hương miền Trung, gạo Tạp Dao giòn; gạo Tạp Dao dẻo, gạo Xi dẻo giá 160.000 đồng/10kg. Mức giá này giảm 5.000 đồng/10kg so với trước đây. Đây cũng là mặt hàng khá bình dân và được các quán cơm bình dân thường mua để bán hàng.

giá gạo tại một đại lý khác trên địa bàn Hà Nội
Bảng giá gạo tại một đại lý khác trên địa bàn Hà Nội, con số chỉnh sửa màu đỏ cho thấy mỗi kg đã được cửa hàng này giảm 500 đồng.

Với những đại lý gạo nhỏ hơn, giá gạo có phần nhích cao hơn so với các đại lý lớn khoảng 10.000 đồng/10kg tùy loại. Anh Hải – chủ cửa hàng gạo tại đường Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Giá gạo trong nước thời gian quan tăng do thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Đại lý nhỏ như chúng tôi cũng phải mua gạo đầu vào tăng cao hơn. Tuy nhiên, trong suốt một tháng qua (kể từ khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo), cửa hàng của chúng tôi cũng chỉ điều chỉnh giá gạo một lần, tăng khoảng 10.000 đồng/10kg, cũng có những loại gạo chúng tôi không điều chỉnh tăng giá. Khách hàng đến với các cửa hàng như chúng tôi đều là những khách hàng quen, việc điều chỉnh giá gạo chúng tôi hết sức cân nhắc mặc dù là đầu vào chúng tôi có mua tăng lên.

Dù vậy, theo anh Hải, các gia đình sử dụng lượng gạo không nhiều, ví dụ, một gia đình 4 người mỗi tháng sử dụng 20kg là cùng. Như vậy, với mức tăng như thời gian vừa qua, khách hàng sẽ phải chi ra thêm khoảng 20.000 đồng, con số cũng không phải quá lớn. Đại lý bán hàng bớt đi chút lợi nhuận, người mua mua với giá cao hơn một chút sẽ tạo ra mức hài hòa cho tất cả các bên.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Thu (quận Hoàng Mai, Hà Nội) - chia sẻ, mỗi tháng gia đình chúng tôi sử dụng 20kg gạo. Cũng nghe thông tin báo đài nói về Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu tăng, nhưng với người tiêu dùng như chúng tôi, mỗi tháng chi tiêu thêm 20.000 – 30.000 đồng/kg cũng không phải tác động quá lớn đến giỏ chi tiêu của gia đình.

các loại gạo cao cấp ít có sự điều chỉnh về giá
Các loại gạo cao cấp ít có sự điều chỉnh về giá

Như vậy, tròn 1 tháng sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, với sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, các Bộ, ngành, chức năng, trong đó có vai trò của Bộ Công Thương, thị trường giá gạo trong nước và xuất khẩu mặc dù có biến động theo xu hướng chung, nhưng cơ bản ổn định.

Thị trường gạo thế giới và Việt Nam đang dần thích ứng với những biến động nhanh, mạnh của thị trường. Các chuyên gia cũng nhận định, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng từ đây đến cuối năm nhưng chỉ quanh mốc 600 - 800 USD một tấn nhưng rất khó để cán mốc giá 1.000 USD như năm 2008.

Các doanh nghiệp nên tận dụng thời cơ lúc này để xuất khẩu nhưng không nên thu gom ồ ạt rồi găm hàng. Bởi nếu tích trữ, đầu cơ, doanh nghiệp nguy cơ vỡ trận khi Ấn Độ bỏ lệnh cấm, hàng tồn kho tăng cao trong khi hạn sử dụng gạo chỉ 3 - 6 tháng.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương