Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá, năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chịu tác động và thiệt hại nặng nề. Riêng tại Hà Nội, năm 2020, khách quốc tế và nội địa sụt giảm mạnh khiến đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng chung của Hà Nội chỉ còn hơn 3% (năm 2019 là hơn 12%). Theo Bí thư Thành ủy, du lịch không phải là ngành dịch vụ mà là ngành tổng hợp, mang đậm bản sắc văn hóa, có tính liên ngành rất cao. Sự phục hồi của ngành du lịch là một trong những nhân tố quyết định nhất đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của Hà Nội trong năm nay, cùng với đó là giải quyết việc làm, thu ngân sách… Thời gian tới, những khó khăn, thách thức dự báo vẫn còn. Với những kịch bản tăng trưởng đã được đưa ra, ngành du lịch Hà Nội phải trả lời được các câu hỏi, phát triển doanh nghiệp du lịch như thế nào và sản phẩm du lịch của Hà Nội gồm những gì?.
Hà Nội gặp khó trong khai thác sản phẩm độc lập dài ngày
Tại buổi làm việc, các ý kiến tại đều cho rằng, tài nguyên du lịch của Hà Nội rất phong phú và có nhiều nét đặc trưng, nổi bật. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp để khai thác hết tiềm năng, dư địa sẵn có và góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển của thành phố. Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, để phát triển du lịch, Hà Nội cần tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương để kết nối và phát triển các sản phẩm; tổ chức các sự kiện độc đáo, phát triển kinh tế đêm. Quan tâm hơn hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh lữ hành vượt qua khó khăn của COVID-19 và xây dựng các sản phẩm đặc thù của Hà Nội. Tiếp tục duy trì truyền thông để quảng bá hình ảnh Hà Nội, Việt Nam ra nước ngoài. Đẩy mạnh chuyển đổi số để ứng dụng tốt hơn trong công tác quảng bá du lịch. Đào tạo nguồn nhân lực và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần có để khôi phục lại ngành du lịch hậu COVID-19.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Công ty Vietravel chi nhánh Hà Nội cho biếtcông ty đang triển khai các sản phẩm 3, 4, 5 ngày nhưng thực tế du khách chỉ ở Hà Nội đêm đầu, đêm cuối nên chưa thể triển khai ở Hà Nội một sản phẩm du lịch độc lập, trải dài 3, 4 ngày như Đà Nẵng, Nha Trang hay Sa Pa được...
Theo Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trịnh Quốc Hùng, nhu cầu du lịch hiện nay đã thay đổi theo hướng kinh phí rẻ, đi lại thuận lợi. Trong khi đó, Thủ đô còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch theo hướng “người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”. Từ đó, Câu lạc bộ sẵn sàng cùng với Sở Du lịch hỗ trợ, tư vấn, khảo sát và góp vốn để ra ngay sản phẩm đón khách ngay.
Còn Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Flamingo Red Tour Nguyễn Công Hoan kiến nghị, phải nuôi dưỡng lực lượng và có cơ chế xây dựng doanh nghiệp lữ hành mạnh để có thể phối hợp với thành phố tạo nên sản phẩm đặc trưng, sắp xếp lại các nhóm sản phẩm du lịch. Ngoài ra, nên kích cầu trước khi giảm giá và làm mới các sản phẩm du lịch để thu hút khách quay lại.
Bà Trịnh Mỹ Nghệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội cho biết đang triển khai một số sản phẩm du lịch Hà Nội như sản phẩm tại Ba Vì, sản phẩm mùa thu Hà Nội... Quan điểm của Hiệp hội là cần có sự kiện, vì vậy, dự kiến Hiệp hội sẽ đồng hành cùng Sở Du lịch tổ chức một số sự kiện trong thời gian tới với chủ đề: Hà Nội hào hoa, khởi sắc nhằm kích cầu du lịch nội địa.
Qua đại dịch mới bộc lộ ra các yếu điểm của du lịch Hà Nội
Tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, trong giai đoạn 2016-2019, du lịch Hà Nội phát triển khá mạnh và có tính ổn định, lượng tăng bình quân du khách đạt 10,5%/năm; hoàn thành sớm 2 năm chỉ tiêu khách du lịch quốc tế đến Hà Nội, năm 2019 được vinh danh là điểm đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, du lịch Hà Nội bị thiệt hại nặng nề, mức suy giảm của Hà Nội lớn hơn bình quân cả nước. Do tác động tiêu cực sau 2 đợt bùng phát của dịch COVID-19, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 8,65 triệu lượt khách, giảm 70% với năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,11 triệu lượt khách, giảm 84,4%; khách nội địa ước đạt 7,54 triệu lượt khách, giảm 65%.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, việc tái cơ cấu lại ngành du lịch của Hà Nội trong điều kiện mới sẽ gặp thách thức hơn rất nhiều, nếu không hành động quyết liệt, ngay và nhanh thì sẽ bị tụt hậu, ảnh hưởng trực tiếp mục tiêu tăng trưởng của thành phố từ 7,5-8% năm 2021.
Cũng theo Bí thư Hà Nội, qua đại dịch mới bộc lộ ra các yếu điểm của du lịch Hà Nội từ môi trường, hạ tầng, doanh nghiệp và đặc biệt là sản phẩm du lịch, quản lý nhà nước về du lịch.
Nguyên nhân chủ quan là hạn chế trong tổ chức quán triệt Nghị quyết 06 của Thành ủy về tư duy, nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt là hạ tầng, quy hoạch du lịch còn dở dang; doanh nghiệp du lịch đa số nhỏ và siêu nhỏ; sản phẩm du lịch thiếu đẳng cấp, thiếu sự khác biệt, thiếu sự thích hợp với các đối tượng, chưa có tính cạnh tranh.
Vì vậy, việc phát triển du lịch Hà Nội nhanh và bền vững trong thời gian tới đặt ra thách thức to lớn, có thể ảnh hưởng đến mức tăng trưởng của thành phố năm 2021. Đây là thử thách rất lớn với ngành du lịch và thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Sở Du lịch lập ngay kế hoạch, trình UBND thành phố để phục hồi và phát triển du lịch năm 2021 theo tinh thần tập trung mọi nỗ lực thu hút khách nội địa. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để khi thị trường du lịch mở cửa lại phải đáp ứng được yêu cầu du lịch quốc tế.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động, thiết chế văn hóa liên quan đến du lịch; có chính sách về thuế, phí, rà soát mức phí và giá phù hợp; muốn dịch vụ cao hơn thì chất lượng dịch vụ phải tốt hơn, chu đáo, chất lượng hơn...
Trước mắt, năm 2021, đề nghị Sở Du lịch tập trung có chính sách thu hút khách từ các tỉnh về Hà Nội, khách của Hà Nội đi các tỉnh, có gói sản phẩm phù hợp từng đối tượng; có kế hoạch tổ chức sự kiện hội nghị, hội thảo màng tầm vóc, trong đó có sự kiện liên quan SEA Games 31; tổ chức các festival như áo dài, ẩm thực, lựa chọn đại sứ du lịch cho Hà Nội, liên hoan giọng hát hay, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao tầm khu vực tại Hà Nội...
Quang cảnh buổi làm việc
Bên cạnh đó, đẩy mạnh du lịch học đường với định hướng nâng cao tinh thần yêu nước cho học sinh, sinh viên tại các bảo tàng, làng văn hóa. Xây dựng các tour tìm hiểu về Thăng Long Tứ trấn; tổ chức du lịch đường sông với các điểm đến kết hợp di tích lịch sử văn hóa, làng nghề; du lịch tâm linh kết hợp du lịch nghỉ dưỡng.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Sở Du lịch nghiên cứu tổ chức con đường du lịch xuyên thành phố kết nối các điểm du lịch; hình thành các khu ẩm thực ngoài khu vực phố cổ, hình thành làng ẩm thực; tiếp tục tổ chức du lịch làng nghề...
Bên cạnh đó, sớm tổ chức đề án km số 0 tại quận Hoàn Kiếm; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối các ngành văn hóa, công thương, dịch vụ để phát triển du lịch.
T.D
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|