Hà Nội: Phát hiện nhà xưởng quy mô lớn không phép tại Thạch Thất

(Banker.vn) Nhà xưởng không phép quy mô hàng nghìn mét vuông của Công ty TNHH Gỗ An Lạc vô tư “mọc lên” tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (TP. Hà Nội).
Xử lý “mèo tha mỡ” ở Thạch Thất đừng quên “con hổ trùm” chung cư mini Nguyễn Mạnh Tiến Vụ chung cư mini gần 200 căn xây sai phép: Sẽ rút kinh nghiệm và xử lý theo đúng quy định Vụ chung cư mini gần 200 căn sai phép: Đề nghị giao Công an xác minh

Yêu cầu khắc phục hậu quả trong 3 tháng

UBND huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Gỗ An Lạc (địa chỉ Lô CN3, Khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai) số tiền 130 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực xây dựng.

Theo đó, Công ty TNHH Gỗ An Lạc đã có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Hà Nội: Phát hiện nhà xưởng quy mô lớn không phép tại Thạch Thất
Nhà xưởng của Công ty TNHH Gỗ An Lạc tại Lô CN3, Khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai

Ngoài xử phạt hành chính, UBND huyện yêu cầu Công ty TNHH Gỗ An Lạc khắc phục hậu quả trong thời gian 90 ngày. “Công ty TNHH Gỗ An Lạc phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, hết thời gian quy định công ty không xuất trình được giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm”, UBND huyện Thạch Thất yêu cầu.

Trước đó ít ngày, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã có thông báo về việc vi phạm trật tự của Công ty TNHH Gỗ An Lạc. Theo thông báo, nhà xưởng sản xuất của công ty đã dựng khung kết cấu, đang tiến hành lợp mái tôn, chưa xây dựng tường bao, có kích thước (53x56m); cách tường rào phía Công ty Aj Rental khoảng 2,7m và nhà vệ sinh đã xây xong, với diện tích khoảng 10m2.

Ngoài ra, còn có các công trình nằm trong phạm vi đất cây xanh (có ký hiệu CX5.3) của khu công nghiệp, gồm: Nhà kho (đã xây dựng xong với diện tích khoảng 1.600m2; cách tường rào phía Công ty Aj Rental khoảng 1,8m2) và nhà phụ trợ (công trình lắp ghép di động có kích thước (3x7,5m).

Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, việc Công ty TNHH Gỗ An Lạc xây dựng công trình khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng là vi phạm quy định của pháp luật về xây dựng cơ bản và vi phạm quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hà Nội: Phát hiện nhà xưởng quy mô lớn không phép tại Thạch Thất
UBND huyện yêu cầu Công ty TNHH Gỗ An Lạc khắc phục hậu quả trong thời gian 90 ngày

Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội yêu cầu Công ty TNHH Gỗ An Lạc dừng ngay việc thi công xây dựng công trình trên và thực hiện theo đúng quy hoạch chi tiết khu công nghiệp, các quy định hiện hành; tháo dỡ ngay toàn bộ hạng mục công trình nhà kho và nhà phụ trợ để hoàn trả mặt bằng diện tích đất cây xanh của khu công nghiệp.

Đồng thời, đề nghị Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hà Tây có trách nhiệm giám sát, đôn đốc Công ty TNHH Gỗ An Lạc để phá dỡ hạng mục công trình xây dựng trong phạm vi đất cây xanh (có ký hiệu CX5.3) của khu công nghiệp và thực hiện trồng cây xanh khu công nghiệp theo đúng quy hoạch chi tiết khu công nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Xây dựng trái phép vì khó khăn?

Chiều 8/4, ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, khu nhà xưởng của Công ty TNHH Gỗ An Lạc đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Còn phần tường rào hiện đang được quây tôn tạm bợ.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Phan Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Gỗ An Lạc chia sẻ một số khó khăn được cho là nguyên nhân khách quan buộc công ty phải thực hiện hành vi vi phạm.

Bà Dung cho biết, đã mua lại khu đất này của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hà Tây từ năm 2018. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên chưa làm được giấy phép xây dựng.

Công ty chúng tôi đã làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng rồi nhưng do chưa có sổ đỏ nên chưa được chấp nhận. 6 năm rồi, từ năm 2018 đến nay, không phải ít. Nguyên nhân tôi cũng không biết!? Bây giờ cứ chờ đợi thôi”, bà Dung chia sẻ.

Theo bà Dung, sản phẩm của công ty là gỗ sấy, giai đoạn đầu không có lán xưởng đành phải che bạt; gió tốc lên, mưa, dột dẫn tới gỗ bị hỏng. “Gỗ sấy chỉ ướt là hỏng, thối, mốc dẫn tới thua lỗ”, bà Dung nói.

Bà Dung cũng chia sẻ những khó khăn sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là mấy năm Covid-19. “Bao nhiêu khổ sở khó khăn cho công ty. Hàng thì cần được che mưa che nắng, quá cấp bách, nếu không làm thì chết đói. Công nhân chết đói, giám đốc cũng chết đói”, bà Dung nêu khó khăn.

Bà Dung cho biết chấp nhận phạt, mình sai thì mình phải nộp phạt. Tuy nhiên, theo bà Dung việc sai này kéo theo bởi việc làm sổ đỏ quá chậm. “Lỗi một phần của công ty vì công ty chưa làm giấy phép đã xây dựng. Nhưng quá thể cấp bách vì bao nhiêu đời sống anh em công nhân đều trông vào đó. Covid-19 chết đói rồi lại thêm một năm mất nhiều bạt để che gỗ, vì gỗ là gỗ sấy. Thế nên thiệt thòi quá mức”, bà Dung chia sẻ.

Bà Dung cho biết quá bức xúc nên phải xây dựng tạm để lấy chỗ che mưa. Khi lực lượng xây dựng đến, công ty thấy sai không hề chống đối, chấp nhận bị xử phạt. Tuy nhiên, bà Dung cho rằng cần có sự nhìn nhận khách quan đối với sự việc này.

Mọi người cần nhìn nhận lỗi này một phần do đâu. Bên chính quyền và bên khu công nghiệp giải quyết không thấu đáo. Vì 5-6 năm trời không có sổ đỏ, có thấy vô lý không?”, bà Dung đặt câu hỏi.

Bà Dung cũng cho rằng công ty hoàn toàn không cố tình. “Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công ty sẽ hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng ngay”, bà Dung khẳng định.

Đại Anh

Theo: Báo Công Thương