Hà Nội chính thức kết thúc đợt 3 gồm 45 ngày giãn cách xã hội toàn thành phố theo chỉ thị 16 của Thủ tướng về phòng chống dịch Covid-19, bắt đầu từ sáng 6/9, thành phố cũng bắt đầu bước sang một giai đoạn chống dịch mới theo phân vùng. Theo đó, tại vùng đỏ, thành phố sẽ tiếp tục áp dụng theo chỉ thị 16 và siết chặt hơn một số biện pháp phòng dịch, 2 vùng còn lại sẽ áp dụng theo chỉ thị 15 (15+).
Theo thông báo từ lực lượng chức năng thành phố Hà Nội, trong hai ngày 6 và 7/9, các lực lượng chức năng sẽ chỉ tiến hành kiểm tra xác suất ở các điểm chốt, nhắc nhở người dân, mà chưa xử phạt nếu người đi đường chưa có giấy theo quy định mới. Đây được cho là nhằm tạo điều kiện cho việc hoàn thiện chuẩn bị thực hiện cấp giấy mới.
Tiếp cận khó khăn
Ghi nhận trong sáng 6/9 tại một số chốt kiểm soát tại thành phố, một số người đã xuất trình được giấy đi đường có mã nhận diện QR theo mẫu mới, tuy nhiên đa số người dân vẫn đang sử dụng giấy đi đường cũ. Những trường hợp chưa có giấy đi đường theo quy định mới, lực lượng chức năng chỉ mới nhắc nhở, chưa xử phạt. Còn người không có giấy đi đường sẽ bị yêu cầu quay đầu, không được sang vùng đỏ.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu và người dân, hiện nay, việc cấp Giấy đi đường theo quy định mới trên địa bàn thành phố Hà Nội gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Tuấn - hộ kinh doanh gạo tại Nam Trung Yên (Hà Nội) - cho biết, phía hộ kinh doanh đã liên hệ với phường sở tại để làm giấy đi đường cho nhân viên để thuận tiện cho công việc, tuy nhiên vẫn chưa thể làm được để kịp cho ngày 6/9.
Lý do, theo ông, hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực kinh doanh hàng hoá thiết yếu, chỉ cần xin xác nhận tại địa phương để được cấp giấy, tuy nhiên, phía phường cho rằng, hộ kinh doanh phải có ý kiến xác nhận từ phía Sở Công Thương theo đúng quy định của Công an thành phố.
Cùng hoàn cảnh, chủ chuỗi thương hiệu Thực phẩm sạch D.H (Hà Nội) cho biết, theo thông báo mới nhất của Công an TP. Hà Nội, doanh nghiệp nằm trong nhóm được công an phường cấp giấy đi đường. Doanh nghiệp cũng đang cho nhân viên làm hồ sơ và gửi thông tin qua email theo hướng dẫn để làm thủ tục cấp giấy theo mẫu mới. Tuy nhiên, thời gian còn lại không nhiều, nếu không kịp cấp giấy thì cũng không biết phải xử lý như thế nào.
Trong quá trình làm thủ tục, doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn do không được tiếp xúc trực tiếp, chỉ gửi email và chờ đợi, doanh nghiệp muốn chủ động liên hệ làm việc cũng không được. Bên cạnh đó, ngoài trụ sở chính, doanh nghiệp còn có nhiều cửa hàng đặt ở các phường khác nhau, không biết phường sở tại nơi đặt trụ sở cấp giấy hay phường nơi đặt văn phòng cấp.
Do vậy, doanh nghiệp mong cơ quan chức năng có phương án khả thi nhất, vừa đảm bảo chống dịch vừa đảm bảo lưu thông. Trường hợp đến hạn mà không kịp cấp giấy đi đường, doanh nghiệp đành phải sử dụng giấy cũ. Trước đó, doanh nghiệp đã phải chạy đôn chạy đáo để làm giấy đi đường, nhưng khi giao hàng cho khách, một vài nhân viên vẫn bị phạt. Lý do cơ quan chức năng đưa ra là giấy đi đường chỉ áp dụng đi từ nhà đến công ty, không được vận chuyển hàng.
Theo ghi nhận, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, người dân còn băn khoăn do chưa thể hoàn thành thủ tục xin cấp giấy đi đường theo quy định mới của UBND thành phố Hà Nội.
Đơn cử, một số tiểu thương ở chợ Ngã Tư Sở (Hà Nội) cho hay, sau 2 ngày nữa họ có thể không đi bán hàng được nữa do các thủ tục, quy trình cấp giấy đi đường khá phức tạp và bị hạn chế bởi các biện pháp phòng chống dịch của thành phố.
Được biết, trước khi thành phố thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chợ Ngã Tư Sở có hơn 100 hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu nhưng qua sàng lọc theo các yêu cầu phòng chống dịch, hiện nay cả chợ chỉ còn 23 hộ kinh doanh hàng thiết yếu được phép hoạt động. Số lượng tiểu thương kinh doanh ở đây dự kiến sẽ còn ít đi nữa sau khi thành phố siết chặt hơn các biện pháp phân vùng phòng dịch.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương, đại diện Ban quản lý chợ Ngã Tư Sở – cho biết, để duy trì hoạt động buôn bán tại chợ, Ban quan lý chợ đã thực hiện nghiêm các biện pháp tuyên truyền, phòng chống dịch như test nhanh sàng lọc Covid-19 cho các tiểu thương thường xuyên, khai báo y tế đối với tiểu thương và người mua hàng, hoạt động giao thương cách nhau theo quy định, tạo điều kiện tối đa cho tiểu thương... Tuy nhiên, sau ngày 7/9, có nhiều bà con tiểu thương sẽ không đủ điều kiện đến chợ bán hàng hoặc di chuyển từ cùng ven thành phố - “vùng xanh” vào các khu vực “vùng đỏ” buôn bán để thành phố kiểm soát dịch.
Đảm bảo nguồn cung cho đợt cao điểm giãn cách mới
Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho đợt cao điểm giãn cách mới, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã chính thức thông tin về phương án đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hóa phục vụ giãn cách xã hội trong tình hình mới (từ 6-21/9), đối với các chợ trên địa bàn, Sở Công Thương lưu ý các tiểu thương chủ động lấy hàng từ chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối trên địa bàn nằm trong Phân vùng 1. Ban Quản lý chợ làm đầu mối của các tiểu thương tổng hợp nhu cầu nguồn hàng, trực tiếp liên hệ với các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, các hệ thống phân phối hiện đại… trên địa bàn thành phố có nguồn cung để hỗ trợ tiểu thương về đầu vào nguồn cung có hàng hóa bán lẻ phục vụ nhân dân.
Với việc thực hiện giãn cách trong tình hình mới, đối với Phân vùng 1, Sở Công Thương đã lên phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu người với 10 mặt hàng lương thực thực phẩm; 2 mặt hàng phòng chống dịch (khẩu trang kháng khuẩn và nước sát khuẩn) và 4 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ.
Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp hệ thống phân phối xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung (trong và ngoài thành phố), điều động vận chuyển cung ứng hàng hóa, nguồn nhân lực phục vụ đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của nhân dân trong các Phân vùng. Các doanh nghiệp chủ động đưa hàng dự trữ từ các kho hàng ngoài Phân vùng 1 vào các kho hàng thuộc các địa điểm trong Phân vùng 1 để chủ động về nguồn hàng, không để được thiếu hàng cục bộ.
Sở Công Thương cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã, các lực lượng chức năng đảm bảo cho các xe vận chuyển được lưu thông bình thường qua các chốt của thành phố và các Phân vùng đảm bảo nguồn cung không bị đứt gãy, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Trong sáng 6/9, thành phố ghi nhận nhiều điểm giao thông đông đúc, không đảm bảo giãn cách như tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Như tại chốt kiểm soát nằm trên đường Cầu Diễn (quốc lộ 32, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) từ khoảng 7h sáng, lượng phương tiện từ vùng xanh, vùng vàng hướng vào vùng đỏ gia tăng. Tại chốt kiểm soát người vào “vùng đỏ” này đã xảy ra hiện tượng ùn, ứ do kiểm soát 100% các phương tiện qua chốt. Hay tại chốt kiểm soát cầu Vĩnh Tuy (hướng vào trung tâm thành phố) sáng nay, người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc. Lực lượng công an kiểm tra giấy đi đường, kiểm tra phương tiện được phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu vào vùng đỏ. Hầu hết người dân chưa thể xin giấy đi đường mới nên đều mang theo giấy đi đường cũ để vào vùng đỏ làm việc.
Trước đó, thông tin tại cuộc họp Giao ban Sở Chỉ huy TP. Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, biện pháp cấp giấy đi đường là vấn đề mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ. Quan điểm mục tiêu là quản lý vùng 1 thực chất hơn, giảm lượng người ra đường, tuy nhiên Thành phố cũng xác định làm quyết liệt nhưng không cầu toàn. Để chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, trong 2 ngày 6 và 7/9, các lực lượng chức năng của thành phố chỉ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt đối với những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng. Khi vận hành các chốt, vùng 1, 2, 3 thì thành phố sẽ tiến hành theo cách linh hoạt, chủ yếu kiểm tra, nhắc nhở, đồng thời từ thực tế việc lưu thông của người dân theo giấy đi đường mới sẽ đánh giá, phân tích để đưa ra biện pháp tối ưu. |
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|