Hà Nội: Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, trợ lực cho xuất khẩu

(Banker.vn) Nhờ làm tốt công tác xúc tiến thương mại đã mang lại nhiều tín hiệu sáng cho hoạt động xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nêu loạt quy định "mở rào" xúc tiến xuất khẩu nông sản Việt Sắp diễn ra Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng

Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội để hiểu hơn về vấn đề này.

Được biết, thời gian qua, Hà Nội đã làm tốt công tác xúc tiến thương mại và mang lại hiệu quả tích cực, không chỉ giúp khơi thông đầu ra cho sản phẩm trong nước mà còn gặt hái được nhiều kết quả từ hoạt động xuất khẩu. Thưa bà, bà có thể chia sẻ về vấn đề này?

Thời gian qua, một số chương trình xúc tiến thương mại của Hà Nội đã tạo được thương hiệu, có sự lan tỏa, kết nối các địa phương, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội mà còn hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong cả nước quảng bá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Hà Nội: Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, trợ lực cho xuất khẩu
Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

Điển hình như: Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam thường niên với sự tham dự của gần 60 tỉnh, thành phố; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội làm rất tốt, giúp cho phát triển kinh tế nông thôn, các sản phẩm OCOP dần có chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu; đã tiếp cận hệ thống phân phối lớn tại nước ngoài AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Big C, Go...

Hà Nội hiện có 2.711 sản phẩm OCOP; trong đó, có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao. Đây được đánh giá là điểm sáng của thành phố Hà Nội, đi đầu của cả nước trong phát triển OCOP. Riêng năm 2023, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 544 sản phẩm OCOP, vượt 136% kế hoạch thành phố giao (400 sản phẩm).

Sản phẩm OCOP năm 2023 được đánh giá là đa dạng về chủng loại, gồm: 280 sản phẩm thực phẩm chế, biến chiếm 51,5%; 16 sản phẩm thực phẩm thô, sơ chế chiếm 2,9%; 61 sản phẩm thực phẩm tươi sống, chiếm 11,2%; 16 sản phẩm đồ uống, chiếm 2,9%... Với tiềm năng từ đa dạng hoá loại hình sản phẩm là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tham gia được "sân chơi" thương mại quốc tế.

Được biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng rất tích cực, điểm nhấn là nhóm hàng nông sản. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Về tình hình sản xuất kinh doanh, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa được chú trọng, từ việc huy động nguồn lực, kích thích sản xuất, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đến việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội tăng trưởng tích cực, ước tính đạt 7,1 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thành phần kinh tế trong nước tiếp tục đóng vai trò động lực tăng trưởng của thành phố với kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng 58,6% và duy trì tăng ở mức 2 chữ số 10,7%, đạt 4,2 tỷ USD.

Trong 11 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội, có 07 nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2023, gồm: Hàng nông sản; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện; hàng gốm sứ; xăng dầu; máy móc thiết bị phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ.

Riêng đối với mặt hàng nông sản, 5 tháng đầu năm 2024 vẫn tiếp tục là nhóm sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 11 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Hà Nội, đứng đầu là mặt hàng gạo chiếm 50%, tiếp theo là cà phê chiếm 14%, hạt điều 11,5%, hạt tiêu 6,8%, chè 4,6%...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, bà có thể chỉ ra những khó khăn cũng như giải pháp nào thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu hàng hoá cho doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới?

Trước tình hình nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới, với nhiều rủi ro và thách thức; nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Âu – châu Mỹ, là những đối tác thương mại lớn của Hà Nội.

Bên cạnh đó, thị phần xuất khẩu bị thu hẹp do xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ của các tập đoàn đa quốc gia để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.

Hà Nội: Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, trợ lực cho xuất khẩu
Sản xuất ống hút từ rau củ phục vụ xuất khẩu tại Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Ảnh: Tùng Nguyễn

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào “sân chơi” thương mại quốc tế, trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ triển khai những giải pháp như: Thứ nhất, thúc đẩy việc xây dựng các trung tâm sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh hình thành các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu.

Thứ hai, duy trì thường xuyên việc tổ chức hội nghị, giao ban tiếp xúc doanh nghiệp để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết đề xuất của doanh nghiệp.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới, trong đó tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tỉnh, thành phố cả nước, hạn chế các hoạt động đơn lẻ nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp và lãng phí nguồn lực.

Đồng thời, triển khai hiệu quả Đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024” và Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”, tập trung đẩy mạnh công tác hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước ..

Thứ tư, tập trung phát triển và quản lý loại hình thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế, giúp doanh nghiệp đưa hàng hóa vào kênh phân phối.

Thứ năm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất. Trong đó, tập trung vào việc tổ chức các khóa đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; đào tạo giám đốc điều hành và kiến thức quản trị doanh nghiệp; đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu về: nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề và các mặt hàng nông sản chủ lực, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, các rào cản trong thương mại quốc tế, chính sách mới, thông tin thị trường kịp thời.

Thứ sáu, trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết mới quy định nội dung chi và mức chi từ ngân sách Thành phố để thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội phù hợp với tình hình thực tế cũng như các quy định hiện hành.

Trân trọng cảm ơn bà!

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục