Thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán hàng năm là dịp cao điểm mua sắm nên sức mua của người dân sẽ tăng cao hơn so với các tháng trong năm. Theo đó, bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi, thì các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết gồm nông sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy....
Để chuẩn bị mùa mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới, TP. Hà Nội đã chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân |
Để chuẩn bị mùa mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới, TP. Hà Nội đã có nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân. Trong đó, Sở Công Thương Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện Tết năm 2023.
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sơ sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố; các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng đảm bảo đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.
“Chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thương mại trên địa bàn chủ động kết nối, khai thác hàng hoá nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam) phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội trong dịp cuối năm, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nghiên cứu đăng ký các điểm mở cửa bán hàng hết ngày 30 tháng Chạp và mở cửa bán trở lại vào các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3, mùng 4 tháng Giêng để phục vụ nhân dân”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Sở sẽ triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; Tổ chức các chợ hoa Xuân phục vụ Tết.
Theo kế hoạch, sẽ có hơn 30 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm,… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp.
Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết.
Với hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố rộng khắp sẽ đáp ứng được đa dạng nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng Thủ đô |
Hà Nội hiện có 29 trung tâm thương mại; 137 siêu thị; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn,…
Bên cạnh đó còn có 34 sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng đa phương tiện của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn. Có thể thấy, với hệ thống cung ứng hàng hóa rộng khắp trên địa bàn thành phố dịp Tết sẽ đáp ứng được đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng.
Cùng với công tác chuẩn bị nguồn cung, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực về giá, chất lượng hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, mặc dù sức mua trong nước đang dần hồi phục, cùng với nhiều chính sách kích cầu đã và đang được triển khai, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động áp dụng từ 01/7/2023 sẽ giúp cho người dân tăng các khoản chi tiêu, tiêu dùng và góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong các tháng cuối năm.
Tuy nhiên, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng (giảm thu nhập) sau thời gian dài nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khiến người dân thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng (đa số người dân thắt chặt chi tiêu và có xu hướng mua sắm tập trung vào các mặt hàng thực sự thiết yếu).
Bà Trần Thị Phương Lan cho hay, việc tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong các tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội, thực hiện hiệu quả các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố.
Đây còn là giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nguyễn Hạnh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|