Hà Nội: Kiểm tra hoạt động kinh doanh của 116 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng

(Banker.vn) Quản lý thị trường Hà Nội ban hành Kế hoạch kiểm tra chuyên đề nhằm kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng.
TP. Hồ Chí Minh: Quản lý thị trường tạm giữ gần 1.700 đơn vị sản phẩm vàng vi phạm Tăng cường quản lý hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ TP. Hồ Chí Minh: Phát hiện 220 cơ sở kinh doanh vàng vi phạm, xử phạt hơn 9,6 tỷ đồng

Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch kiểm tra chuyên đề nhằm kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng.

Theo đó, đợt kiểm tra trên địa bàn TP. Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 15/8 đến hết ngày 15/10/2024. Theo đó, 116 doanh nghiệp bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, gia công, kinh doanh, mua bán, sửa chữa vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn thành phố là đối tượng kiểm tra trong đợt này.

Hà Nội: Kiểm tra hoạt động kinh doanh của 116 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng
Quản lý thị trường Hà Nội ban hành Kế hoạch kiểm tra chuyên đề nhằm kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Ảnh minh họa

Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Minh, Công ty TNHH Vàng bạc Bảo Tín, Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Huy Thành... là một trong nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý lớn trên địa bàn thành phố nằm trong diện kiểm tra, kiểm soát.

Nội dung kiểm tra bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, việc niêm yết giá, chấp hành quy định về sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, quy định về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa và các quy định về thương mại điện tử...

Ngoài ra, lực lượng kiểm tra cũng sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm định chất lượng nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm, đồng thời kiểm tra các quy định khác có liên quan nếu cần thiết...

Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, mục đích chính của kế hoạch kiểm tra chuyên đề là phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh vàng như kinh doanh vàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, vi phạm về giá...

Một trong những yêu cầu quan trọng của kế hoạch là hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính phải được thực hiện đúng quy định của pháp luật, tránh các biểu hiện phiền hà, sách nhiễu đối với doanh nghiệp. Đồng thời, các lực lượng chức năng phải phối hợp chặt chẽ, thống nhất để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong quá trình kiểm tra.

Hoàng Sơn

Theo: Báo Công Thương