Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải quản lý dự án trọng điểm 2.500 tỷ đồng bắc qua sông Hồng

(Banker.vn) Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được TP. Hà Nội đầu tư, đưa vào sử dụng tháng 8/2023 với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng, bắc ngang qua sông Hồng.
Ngày 30/8 thông xe Cầu Vĩnh Tuy 2: Phương án phân luồng mới như thế nào? Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 Hà Nội: Từ 15/3, tăng cường xử lý vi phạm giao thông trên 4 cây cầu vào nội đô

UBND TP. Hà Nội mới đây có quyết định về việc giao hạ tầng dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 về Sở Giao thông vận tải (Sở GTVT) quản lý, bảo trì, theo dõi. Được biết, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vẫn đang trong quá trình quyết toán, nhưng đã được đưa vào khai thác sử dụng để giảm thiểu ùn tắc ùn tắc giao thông trong khu vực.

Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải quản lý dự án trọng điểm 2.500 tỷ đồng bắc qua sông Hồng

Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy trở thành cầu có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất Hà Nội, với 8 làn xe ôtô, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố

Danh mục tài sản cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 bao gồm: Cầu chính, cầu dẫn, đường đầu cầu, điện chiếu sáng bên trong dầm hộp, tổ chức giao thông... Giá trị tài sản của cầu Vĩnh Tuy được tạm thời xác định trên cơ sở giá trị nghiệm thu hoàn thành công trình (nghiệm thu A - B) của chủ đầu tư là 1.827 tỷ đồng (giá trị tài sản được xác định chuẩn xác sau khi có quyết định phê duyệt quyết toán dự án đầu tư của cơ quan có thẩm quyền).

Như vậy, sau khi tiếp nhận công trình, Sở GTVT Hà Nội có trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì công trình theo quy định; tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán bổ sung khối lượng công tác quản lý, bảo trì công trình vào gói thầu quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông theo địa bàn quản lý.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội (chủ đầu tư) có trách nhiệm phối hợp với Sở GTVT bàn giao tài sản hình thành từ dự án đầu tư để đưa công trình vào quản lý, khai thác theo quy định; bàn giao đầy đủ hồ sơ pháp lý, hồ sơ hoàn công, quy trình bảo trì (nếu có) và các tài liệu có liên quan của dự án đầu tư.

Theo tìm hiểu, dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được TP. Hà Nội đầu tư, đưa vào sử dụng tháng 8/2023 với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,5 km; mặt cắt ngang 19,3m được thiết kế gồm 53 nhịp. Điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và phố Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy trở thành cầu có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất Hà Nội, với 8 làn xe ôtô, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.

Đồng thời giải quyết bớt áp lực cho tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3.

Sau một thời gian đưa vào sử dụng, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 xảy ra hiện tượng ngập sau khi mưa lớn, gần đây nhất hôm 15/5 cầu bị ngập nặng.

Báo cáo về nguyên nhân gây ngập mặt cầu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết, do lượng rác thải quá lớn và chưa kịp thời vệ sinh, xử lý trước khi có mưa nên đã lấp kín các nắp hố thu thoát nước.

Đây là nguyên nhân khi mưa lớn xảy ra tình trạng ứ đọng nước trên mặt cầu.

Ánh Dương

Theo: Báo Công Thương