Hà Nội: Giải pháp mới trong chống hàng giả trên thương mại điện tử

(Banker.vn) Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ tạo ra những thách thức trong công tác quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vấn đề hàng giả, hàng lậu.
Bình Dương: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mai điện tử Hà Nội: Quyết liệt ngăn chặn vi phạm trên thương mại điện tử Bến Tre: Tập huấn thương mại điện tử cho thanh niên khởi nghiệp

Thương mại điện tử và hình thức bán hàng qua livestream đang trở thành xu hướng mua sắm phổ biến trong đời sống hiện đại. Các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội ngày càng thu hút hàng triệu người tiêu dùng với đa dạng mặt hàng từ thời trang, mỹ phẩm, đến đồ gia dụng. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của hình thức kinh doanh này cũng tạo ra những thách thức mới trong công tác quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vấn đề hàng giả, hàng lậu và hàng kém chất lượng.

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử tại Việt Nam đã bùng nổ, đặc biệt là qua các nền tảng lớn như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo...Hình thức bán hàng livestream trở nên phổ biến, với khoảng 2,5 triệu phiên livestream diễn ra mỗi tháng, thu hút người tiêu dùng thông qua sự tiện lợi, tương tác trực tiếp, và khả năng quảng bá sản phẩm rộng rãi.

Hà Nội: Giải pháp mới trong chống hàng giả trên thương mại điện tử
Bình quân mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream - Ảnh minh họa

Các mặt hàng được rao bán qua livestream rất đa dạng, từ quần áo, mỹ phẩm, đến đồ gia dụng và văn phòng phẩm. Đây là hình thức kinh doanh giúp người bán tối ưu hóa việc sử dụng mạng xã hội, tăng cường kết nối với khách hàng và rút ngắn hành trình mua sắm. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển tích cực này là nhiều rủi ro, trong đó có sự gia tăng các hành vi vi phạm như buôn bán hàng giả, hàng lậu và các sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Theo ông Dương Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử vẫn còn nhiều khó khăn. Các đối tượng vi phạm thường dùng nhiều thủ đoạn để lách luật, chẳng hạn như lập nhiều tài khoản trên các nền tảng khác nhau, sử dụng hình ảnh của sản phẩm chính hãng để quảng bá, nhưng bán hàng giả với giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường.

“Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng các phương pháp tinh vi như thay đổi tên thương hiệu khi đăng bán. Ví dụ, thay vì ghi tên thương hiệu nổi tiếng như "Dior" hay "Gucci", họ sẽ biến tấu thành "D.I.O.R" hay "Gu.ci" để tránh bị các sàn lọc kỹ thuật phát hiện”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin.

Ngoài ra, nhiều người bán hàng không công khai địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách hàng chỉ có thể chốt đơn qua tin nhắn riêng (inbox), điều này gây khó khăn lớn trong việc theo dõi và kiểm soát. Các đối tượng thường xuyên chuyển địa điểm tập kết hàng hóa, sử dụng nhiều địa chỉ khác nhau để giao dịch, tạo ra nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra và xử lý.

Để đối phó với tình trạng này, Cục Quản lý thị trường Hà Nội - một trong những thành viên của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội đã đề ra nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lộng hành của hàng giả, hàng lậu trên các sàn thương mại điện tử. “Cục Quản lý thị trường Hà Nội thường xuyên chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiến hành điều tra, nắm bắt tình hình thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, và diễn biến thị trường. Điều này giúp phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm”, ông Dương Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Quản lý thị trường Hà Nội cũng tập trung giám sát các mặt hàng cấm, hàng lậu, và hàng giả mạo không rõ nguồn gốc. Các hành vi kinh doanh vi phạm thường diễn ra trực tuyến, do đó, công tác giám sát cũng mở rộng tới các hoạt động livestream và các kênh bán hàng trên mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube.

Đặc biệt, để tăng cường hiệu quả, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan quản lý liên quan như Sở Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05), cùng công an thành phố, quận, huyện để kiểm soát và xử lý vi phạm.

Hà Nội: Giải pháp mới trong chống hàng giả trên thương mại điện tử
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: T. Linh

Song song với công tác kiểm tra, Cục còn đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp và người dân nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại điện tử. Bằng việc kết hợp kiểm tra với tuyên truyền, hy vọng sẽ giúp các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm hơn trong hoạt động kinh doanh, đồng thời góp phần xây dựng một môi trường thương mại điện tử lành mạnh và minh bạch hơn.

Sự phát triển của thương mại điện tử và livestream đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả người bán và người mua, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý. Để đảm bảo môi trường thương mại điện tử lành mạnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và sự tuân thủ nghiêm ngặt từ các doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Với những biện pháp giám sát chặt chẽ, kiểm tra nghiêm ngặt, và sự quyết tâm của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, tin rằng trong thời gian tới, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng lậu trên các nền tảng thương mại điện tử sẽ được giảm thiểu, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng.

Thúy Vy

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục