Hạ nhiệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn neo ở mức rất cao

(Banker.vn) Dữ liệu của Tổng cục Hải quan ghi nhận, trị giá xuất khẩu gạo trong tháng 8/2023 đạt 593 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 1/2022 đến nay.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam bước vào xu hướng “hạ nhiệt”? Giá gạo xuất khẩu “tăng nhiệt” trở lại sau 1 tuần điều chỉnh giảm Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục xu hướng hạ nhiệt

Cụ thể, lượng gạo xuất khẩu trong tháng 8 đạt là 921 nghìn tấn, kim ngạch đạt 546,4 triệu USD, tăng mạnh 39,5% về lượng, tăng 50,7% về kim ngạch so với tháng trước.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu đạt hơn 5,8 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,16 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Hạ nhiệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn neo ở mức rất cao
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức rất cao

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 8 là tháng có lượng gạo xuất khẩu cao thứ 3 từ trước tới nay, trong khi đó, trị giá xuất khẩu bình quân (đạt 593 USD/tấn) cao nhất kể từ tháng 1/2022 trở lại đây.

Trong 8 tháng đầu năm, ASEAN và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam.

Trong đó, xuất sang ASEAN đạt 3,49 triệu tấn, tăng 27,6%; sang thị trường Trung Quốc đạt 786 nghìn tấn, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.

Tính riêng lượng gạo xuất sang 2 thị trường nêu trên đạt 4,28 triệu tấn, chiếm 74% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 613-617 USD/tấn và gạo 25% tấm dao động quanh mốc 598-602 USD/tấn. Nếu so với cuối tháng 8.2023 thì mức giá xuất khẩu này đã giảm khoảng 22 USD đến 30 USD/tấn.

Đáng chú ý, không chỉ gạo Việt Nam mà gạo xuất khẩu của Thái Lan, Pakistan cũng giảm về mức 611 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 608 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV( cho biết, tín hiệu nguồn cung dần ổn định trở lại là yếu tố chính khiến giá gạo hạ nhiệt trong 2 tuần trở lại đây.

Chính phủ Ấn Độ mới đây cho biết, lệnh cấm xuất khẩu đã giúp quốc gia này đảo bảo nguồn cung đầy đủ với các loại lương thực thiết yếu như gạo và lúa mì. Bên cạnh đó, theo nguồn tin từ Bộ Lương thực Bangladesh, nước này có đủ lượng gạo dự trữ, hiện khoảng 1,7 triệu tấn, để cung cấp cho người dân giữa bối cảnh giá gạo thế giới và trong nước tăng cao.

Các quốc gia tiêu thụ lớn cũng đã tích cực thu mua trong giai đoạn trước đó nhằm bổ sung dự trữ cần thiết đối với mặt hàng lương thực thiết yếu này. Tại Indonesia, chính phủ đã tăng cường nhập khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh chính phủ đặt mục tiêu bổ sung dự trữ đối với mặt hàng thiết yếu này.

Cơ quan Thống kê Indonesia báo cáo, nước này đã nhập khẩu 1,59 triệu tấn gạo trong 8 tháng đầu năm nay, tăng vọt so với mức 237.146 tấn cùng kỳ năm ngoái. Hơn một nửa trong số này có nguồn gốc từ Thái Lan. Việt Nam là nhà cung cấp gạo lớn thứ 2 cho Indonesia trong giai đoạn này với 674.000 tấn.

Chính phủ Indonesia cũng đã giao cho cơ quan thu mua thực phẩm nhà nước Bulog nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo trong năm 2023 để ứng phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, vốn gây ra hạn hán và làm thiệt hại mùa màng ở châu Á. Tính đến hết tháng 8, lượng nhập khẩu đã gần đạt tới 80% kế hoạch.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng tới, nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo cũng sẽ bước vào cao điểm mùa thu hoạch, dự báo sẽ cung cấp lượng lớn nguồn cung ra thị trường.

Tuy nhiên, trong ngắn và trung hạn, nhiều quốc gia tiêu thụ vẫn cần đẩy mạnh nhập khẩu gạo để bổ sung vào kho dự trữ. Đây sẽ là yếu tố kiềm chế đà giảm của giá gạo.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục