Hà Giang: Dòng chảy số gỡ 'nút thắt' hàng hóa nông sản cho người dân

(Banker.vn) Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hầu A Lềnh khẳng định: “Dòng chảy số” sẽ là động lực nâng giá trị nông sản, giúp người dân vượt “điểm nghẽn”.
Bí thư Hầu A Lềnh kỳ vọng Báo Công Thương tiếp tục lan tỏa mô hình đổi mới của Hà Giang Đồng chí Hầu A Lềnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hầu A Lềnh: Hiện thực hóa Nghị quyết 11 bằng hành động cụ thể

Nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế, tỉnh Hà Giang đã khẩn trương triển khai các chương trình về chuyển đổi số, phát triển các nền tảng số để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ hay những sản vật bản địa. Đặc biệt, triển khai mạnh mẽ thương mại điện tử tại vùng cao theo Đề án 645/QĐ-TTg.

Hạ tầng giao thông là “điểm nghẽn” của thương mại điện tử Hà Giang

Đề án 645/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ tại các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Đề án này đặt mục tiêu tạo ra các nền tảng số hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ chức sản xuất và người dân tiếp cận các công cụ thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu.

Dù tỉnh Hà Giang đã và đang tích cực triển khai Đề án 645/QĐ-TTg để đưa thương mại điện tử đến gần hơn với người dân vùng cao, nhưng hạ tầng giao thông vẫn là rào cản và là "điểm nghẽn" lớn nhất. Nhiều xã, bản nằm cheo leo giữa núi rừng, đường đất, dốc cao, mùa mưa sạt lở khiến hàng hóa không thể vận chuyển kịp thời, chi phí logistics đội lên gấp nhiều lần.

Bí thư Hầu A Lềnh
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hầu A Lềnh. Ảnh: Thanh Thảo

Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương: “Chúng tôi hiểu rằng để nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, việc phát triển thương mại điện tử không chỉ giúp kết nối người sản xuất với thị trường mà còn tạo cơ hội để bà con giảm phụ thuộc vào thương lái, nâng cao giá trị sản phẩm.

Trước hết là nói về vấn đề lưu thông hàng hóa là một trong những khâu được tất cả các địa phương quan tâm. Với sự chỉ đạo của Chính phủ và sự tham mưu của ngành Công Thương, việc tổ chức các khâu phân phối hàng hóa do bà con sản xuất ra là việc làm hết sức quan trọng. Lâu nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là vùng khó khăn vì điều kiện hạ tầng giao thông như tỉnh Hà Giang, đây chính là một rào cản.

Từ Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ ban hành những chương trình hành động thiết thực. Trên cơ sở đó, tỉnh Hà Giang, HĐND tỉnh đã tổ chức triển khai với những kế hoạch rất cụ thể. Nhưng để thực hiện được thì không hề đơn giản. Nếu như trước chúng ta vẫn sử dụng hình thức phân phối truyền thống, tức là sản xuất ra hàng hóa rồi vận chuyển bình thường, đơn giản bằng các phương tiện lưu thông thì lực cản lớn nhất đó chính là hệ thống hạ tầng, mà để hoàn thiện được hệ thống hạ tầng thì cần phải có thời gian”.

Hà Giang
Hạ tầng giao thông vẫn là "điểm nghẽn” lớn nhất của thương mại điện tử tỉnh Hà Giang. Ảnh: Báo Hà Giang

Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh thẳng thắn nhìn nhận: Muốn thương mại điện tử thực sự đi vào đời sống, phải bắt đầu từ việc “mở đường” cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tỉnh đang huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng sản xuất với trung tâm tiêu thụ, đồng thời phối hợp cùng doanh nghiệp logistics thiết lập các tuyến vận chuyển phù hợp với địa hình đặc thù.

Bí thư Hà Giang chia sẻ, trong thời gian chưa hoàn thiện được hệ thống hạ tầng, trước hết tỉnh Hà Giang sẽ tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tập trung khai thác hệ thống hạ tầng, phương tiện giao thông hiện nay hiện có làm sao để lưu thông một cách nhanh nhất hàng hóa sản xuất cho bà con. Tỉnh Hà Giang là một trong những địa phương có đường biên giới rất dài giáp với hai tỉnh của Trung Quốc là tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây, có cửa khẩu quốc tế, quốc gia và con đường để xuất khẩu, phân phối hàng hóa cho bà con sang biên giới cũng là một cách để giải quyết vấn đề hạ tầng kết nối với các khu đô thị lớn trong nước khi chưa hoàn thiện. Chính vì điều này nên tỉnh Hà Giang cũng đã có những cam kết các chương trình hợp tác với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), để trước mắt giải quyết vấn đề lưu thông, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, của bà con sản xuất với những mặt hàng mà bên kia có nhu cầu.

Thứ hai, là tổ chức lại khâu phân phối. Không đơn giản là chỉ phân phối hàng hóa bằng hình thức như trước đây mang mang ra chợ, đưa về siêu thị hay các chợ đầu mối, các đô thị lớn thì sẽ phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện hạ tầng giao thông. Bây giờ, chúng ta có thể hướng dẫn cho bà con đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử, để bà con quảng bá và bán hàng ngày trên đó. Khi có đơn đặt hàng sẽ có các đơn vị thu gom hàng hóa của bà con sản xuất, đó cũng là một cách hỗ trợ rất tốt và rất nhanh.

Hà Giang
Không chỉ tổ chức hội chợ để xúc tiến du lịch, quảng bá sản phẩm, tỉnh Hà Giang còn hướng dẫn cho bà con đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Báo Hà Giang

Thứ ba, cung ứng các loại mặt hàng phục vụ cho đời sống của bà con địa phương. Thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong đó có nhiệm vụ tổ chức các phiên chợ đưa hàng về vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hàng năm tỉnh đã kết hợp với Bộ Công Thương tổ chức các hoạt động này. Một mặt để đưa hàng hóa thiết yếu đến với bà con, nhưng ngược lại cũng tiếp nhận hàng hóa của bà con để thiết kế thành kênh phân phối, giúp cho bà con tháo gỡ được những vấn đề khó khăn trong sản xuất.

"Bằng những giải pháp như vậy, trước mắt trong bối cảnh rất khó khăn về hạ tầng thì từng bước sẽ giúp bà con tháo gỡ được những khó khăn về phân phối hàng hóa, các sản phẩm bà con làm ra, tăng thêm thu nhập cho bà con nhân dân”, Bí thư Hà Giang nhận định.

Tháo gỡ "điểm nghẽn" thương mại điện tử

Một trong những “điểm nghẽn” tiếp theo trong việc triển khai thương mại điện tử tại Hà Giang là sự hạn chế về cơ sở hạ tầng công nghệ, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ người dân sử dụng internet và có khả năng tiếp cận công nghệ còn thấp. Điều này khiến việc đưa thương mại điện tử vào cuộc sống gặp nhiều thách thức.

Tuy nhiên, với quyết tâm và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt với sự chỉ đạo của người đứng đầu là Bí thư tỉnh ủy Hầu A Lềnh, Hà Giang bước đầu đã vượt qua những khó khăn này bằng cách phát triển các mô hình điểm, nơi các hộ gia đình, hợp tác xã có thể tiếp cận được các dịch vụ công nghệ, từ đó lan tỏa mô hình ra các địa phương khác.

Hà Giang
Tỉnh Hà Giang đã và đang đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ công nghệ. Ảnh: Báo Hà Giang

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh, tỉnh Hà Giang đã chủ động triển khai thực hiện Đề án 645/QĐ-TTg bằng cách tổ chức các khóa đào tạo cho người dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã tại các địa phương về cách thức sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, cũng như về kỹ năng marketing số, quản lý đơn hàng và logistics. Đồng thời, tỉnh cũng đã liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn để tạo cơ hội cho sản phẩm địa phương lên sàn. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số tại tỉnh Hà Giang.

Đáng chú ý, khi được tiếp cận với khoa học công nghệ và được hướng dẫn sử dụng nền tảng số, nhiều người dân vùng cao Hà Giang, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên đã chủ động lập kênh bán hàng trên các mạng xã hội như TikTok, Facebook, Lazada, Shopee... Người dân không chỉ học cách livestream, quay video, chụp ảnh sản phẩm đẹp mắt, mà còn biết xây dựng thương hiệu cá nhân, kể những câu chuyện chân thật về sản phẩm của mình sản xuất ra. Người thông thạo hướng dẫn người chưa biết, cùng nhau phát triển.

Những bước đi nhỏ ban đầu ấy đang từng chút một góp phần thay đổi diện mạo kinh tế vùng cao. Đồng thời, giúp từng người dân, hộ gia đình làm chủ cuộc sống và từng bước thoát khỏi sự phụ thuộc vào thương lái truyền thống.

Cùng với hạ tầng giao thông, tỉnh Hà Giang đang chú trọng đầu tư mở rộng mạng lưới viễn thông, phủ sóng Internet đến các thôn, bản xa. Đây là nền tảng quan trọng giúp người dân vùng cao tiếp cận kiến thức số, kết nối thị trường, mở ra cánh cửa mới để nông sản địa phương bước vào thương mại điện tử.

Kể từ khi triển khai các mô hình thương mại điện tử và chuyển đổi số, Hà Giang đã có những thay đổi tích cực bước đầu. Sản phẩm nông sản, đặc biệt là mật ong, hạt dẻ, chè Shan tuyết, cam sành, gạo, vải lanh… đã được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn qua các sàn thương mại điện tử. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội bán hàng trực tuyến mà còn giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm, gây dựng hình ảnh thương hiệu sản vật của tỉnh.

Theo số liệu từ Sở Công Thương Hà Giang, trong năm 2024, đã có hơn 200 sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh được đưa lên các sàn thương mại điện tử, giúp gia tăng thu nhập cho hơn 500 hộ gia đình. Sự thay đổi này không chỉ tạo ra cơ hội mới cho người dân mà còn giúp tăng cường mối liên kết giữa các sản phẩm địa phương và thị trường trong nước, thậm chí cả quốc tế.

Thanh Thảo

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục