Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp chưa tiếp cận được vì chọn sai ngân hàng

(Banker.vn) “Một số tập đoàn lớn phản hồi không tiếp cận được gói 120.000 tỷ bởi lẽ họ chọn sai ngân hàng, gói tín dụng này là chỉ có ở 4 ngân hàng thương mại nhà nước”.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được hơn 100 tỷ đồng Để người có nhu cầu thực sự “chạm tay” tới giấc mơ an cư lạc nghiệp! Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Đã có 63 dự án đủ điều kiện vay vốn

Đó là chia sẻ của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú tại Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư do Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Xây dựng tổ chức sáng nay 12/3.

Tín dụng bất động sản chiếm khoảng 23% tổng dư nợ nền kinh tế

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, những năm gần đây, nhất là khi đại dịch Covid-19 xảy ra và hậu đại dịch cùng những diễn biến trong, ngoài nước đều là những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.

Trước tình hình đó, Chính phủ luôn xác định phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, thoát khỏi trầm lắng. Trong thời gian qua, rất nhiều cơ chế, chính sách, hội nghị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt hỗ trợ thị trường bất động sản ổn định. Ngoài ra, Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để khảo sát đánh giá tình hình, khó khăn của các địa phương để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án xây dựng.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp chưa tiếp cận được vì chọn sai ngân hàng
Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư

Về phía ngành ngân hàng, Phó Thống đốc cho biết, trong suốt năm 2023, vượt qua nhiều thách thức, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, ngành ngân hàng đã nỗ lực hết mình để đẩy mạnh tín dụng trong nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến thị trường bất động sản. Bởi lẽ thị trường bất động sản có quan hệ chặt chẽ, gắn bó, luôn luôn đồng hành cùng tín dụng ngân hàng. Minh chứng là trong bối cảnh khó khăn nhưng dư nợ tín dụng bất động sản vẫn đạt 2.890.000 tỷ đồng, chiếm 23% tổng dư nợ của nền kinh tế. Đặc biệt, tín dụng đã chảy vào các phân khúc đang khuyến khích như nhà ở thương mại, nhà ở có nhu cầu ở thực, hạn chế vào phân khúc nghỉ dưỡng và rất quan tâm giải ngân cho lĩnh vực nhà ở xã hội.

“Có thể nói, tín dụng bất động sản hiện rất lớn, điều đó đồng nghĩa vấn đề thị trường bất động sản luôn là vấn đề mà ngành ngân hàng rất quan tâm và mong muốn thị trường sớm khôi phục, ổn định và phát triển lành mạnh”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, trong nhiều chính sách của Ngân hàng Nhà nước đều dành cơ chế thoả đáng cho lĩnh vực bất động sản, kể cả những cơ chế hỗ trợ như giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp hay chính sách giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại… “Đó là những giải pháp rất tích cực, quyết liệt, đi vào cuộc sống một cách hiệu quả”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, tổng dự nợ năm 2023 của nền kinh tế là 13,71%. Dù bất động sản rất trầm lặng, rất khó khăn trong năm 2023 nhưng tín dụng vẫn tăng 12,1%. “Tuy không bằng mức chung của cả nước nhưng cũng là một sự cố gắng”, ông Đào Minh Tú nói.

Giải ngân đúng đối tượng, không thật gấp, thật nhanh

Đối với riêng chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Phó Thống đốc cho biết, là nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (không phải vốn ngân sách nhà nước) cam kết giảm lãi suất 1,5 - 2% so với lãi suất trung, dài hạn bình quân của bốn ngân hàng thương mại. Trong đó, giảm 1,5% áp dụng cho những nhà đầu tư kinh doanh. Còn 2% áp dụng cho người mua nhà. Như vậy tính tổng thể là được giảm 3,5%.

“Một số tập đoàn lớn phản hồi không tiếp cận được gói 120.000 tỷ bởi lẽ họ không chọn đúng ngân hàng, gói tín dụng này là chỉ có ở 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Gần đây có thêm ngân hàng Tiên phong với gói 5.000 tỷ đồng”, Phó Thống đốc cho hay.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp chưa tiếp cận được vì chọn sai ngân hàng
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp

Thông tin về kết quả triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Xuân Bắc cho biết, qua tổng hợp, đến nay mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 68 dự án; trong đó một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), Thành phố Hồ Chí Minh (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)... trong 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.

Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó, có 10 dự án đã có nhu cầu giải ngân bao gồm 7 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 2 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 1 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà, số tiền cam kết cấp tín dụng cho 8 chủ đầu dự án là 1.965 tỷ đồng, đã được giải ngân 640 tỷ đồng; và cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.

Cụ thể, BIDV đã giải ngân cho 03 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương với số tiền là 95,7 tỷ đồng. Vietinbank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang với số tiền là 128,6 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 1 dự án với số tiền là 0,4 tỷ đồng. Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang với số tiền là 415,7 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 2 dự án với số tiền là 5,7 tỷ đồng.

Nêu quan điểm cho vay đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu cho biết, phải giải ngân là đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. “Do đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội vì vậy có thể kéo dài một vài năm cho nên không giải ngân thật gấp, thật nhanh. Nhưng những dự án đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay”, Phó Thống đốc lưu ý.

Qua Hội nghị này, Ngân hàng Nhà nước mong muốn được lắng nghe những chia sẻ về quá trình triển khai cũng như đưa ra những khó khăn, vướng mắc từ hai phía ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản, để đảm bảo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.

Trước đó, tại cuộc họp trực tiếp và trực tuyến của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho địa phương, doanh nghiệp (Tổ công tác) sau khi Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được ban hành, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, vấn đề mấu chốt để thúc đẩy giải ngân là cần tạo điều kiện cho “cầu tiếp cận được nguồn cung” và đẩy mạnh nguồn cung. Trên cơ sở quan hệ cung - cầu mới giảm giá thành cũng như hạn chế các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản.

Đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, VietinBank… cho biết, khó khăn trong giải ngân gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…

“Không phải tất cả doanh nghiệp xây nhà ở xã hội mà BIDV tiếp cận đều có nhu cầu vay vốn, vì nhiều dự án chưa có đầy đủ điều kiện để triển khai, hoặc đang sử dụng vốn tự có” - ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết.

Liên quan tới phát triển nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…

Thùy Linh - Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương