Góc nhìn chuyên gia: Tiền ngoại rút ròng, tiền nội có giúp VN-Index "giữ trận"?

(Banker.vn) Trong phiên giao dịch hôm nay, khối ngoại bất ngờ bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng trên toàn thị trường, con số kỷ lục trong nhiều tháng trở lại đây.

Kết thúc phiên giao dịch chiều ngày 5/12, chỉ số VN-Index đóng cửa trong sắc xanh với 141 mã tăng và 356 mã giảm. Theo đó, VN-Index đóng cửa giảm 3,55 điểm (-4,52%) xuống 1.115,97 điểm. Thanh khoản thị trường có phần sụt giảm so với phiên hôm trước, tương đương 17 nghìn tỷ đồng.

Góc nhìn chuyên gia: Tiền ngoại rút ròng, tiền nội có giúp VN-Index
Giá trị bán ròng của khối ngoại trên sàn HOSE trong 10 phiên trở lại đây.

Trên sàn HNX, nhịp tăng của nhóm HNX30 gây ra nhiều tác động tới chỉ số chung trong cuối phiên. Chốt phiên giao dịch chiều 5/12, số lượng mã đỏ đã chiếm ưu thế, chỉ số HNX-Index tăng 0,03 điểm (+0,01%) và tiến về vùng 231,34 điểm với thanh khoản đạt trên 94 triệu đơn vị, tương đương trên 2.000 tỉ đồng.

Trên UPCoM, dòng tiền đã có sự phân hóa rõ ràng. Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,06%) lên 86,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt trên 45 triệu đơn vị, giá trị khoảng 715 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch hôm nay, khối ngoại bất ngờ bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng, qua đó nâng tổng giá trị bán ròng trên toàn thị lên hơn 3.800 tỷ đồng.

Để có góc nhìn chuyên sâu hơn về động thái của khối ngoại, Tạp chí Điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nghiêm Quang Duy, hiện đang là CEO của DG INVEST.

Góc nhìn chuyên gia: Tiền ngoại rút ròng, tiền nội có giúp VN-Index
Ông Nghiêm Quang Duy, CEO của DG INVEST.

PV: Khối ngoại liên tục bán ròng trong vài tháng trở lại đây, theo quan điểm của ông, khối ngoại có đang bỏ lỡ "chân sóng thần" của thị trường chứng khoán?

Ông Nghiêm Quang Duy: Trong giai đoạn cuối năm 2022, tâm lý nhà đầu tư Việt Nam vô cùng yếu, VN-Index mở cửa rơi không phanh, khối ngoại đã tận dụng tâm lý hoảng loạn để mạnh tay "mua hàng" với giá trị lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại, khối ngoại lại là áp lực chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi liên tục bán ròng trong thời gian gần đây.

Đỉnh điểm vào ngày hôm nay, 5/12/2023, khối ngoại bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Rất lâu rồi tôi mới thấy cổ phiếu "xịn nhất" Việt Nam, anh cả VCB bị khối ngoại bán ròng hơn 1 triệu cổ phiếu trong 1 phiên giao dịch.

Đến hàng xịn, "con gà đẻ trứng vàng" còn bị bán tới tấp, điều này cho thấy khối ngoại đang có góc nhìn: Ưu tiên MUA RẺ và BÁN khi chưa thật sự hấp dẫn dù đó có là cổ phiếu xịn như VCB, cổ phiếu yêu thích của các quỹ đầu tư.

Chính hành động bán ròng với giá trị lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam thể hiện rằng khối ngoại không kỳ vọng sóng lớn. Thời điểm hiện tại rất khác so với giai đoạn bán ròng trong suốt 2020-2021 khi mà Mỹ và Việt Nam cùng nới lỏng tiền tệ. Hiện tại, Mỹ đang thắt chắt tiền tệ, lãi suất FED duy trì cao nên áp lực giữ Đôla của khối ngoại ngày 1 lớn dù FED có thể hạ lãi suất trong thời gian tới.

Có thể nói, chỉ có những quỹ đầu tư dài hạn và chiến lược trên thị trường chứng khoán Việt Nam mới ở lại và tham gia thị trường trong giai đoạn hiện tại với 1 tỷ trọng vừa phải. Lấy ví dụ như quỹ VEIL của Dragon Capital gần đây cũng bị rút ròng, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây quỹ này bị rút ròng rất nhiều CCQ. Ngoài ra, các quỹ ETF có độ linh hoạt cao như FUBON vẫn đang bị rút ròng gần đây.

PV: Theo ông, với bối cảnh vốn ngoại liên tục rút ròng, dòng vốn nội có thể tiếp tục giúp VN-Index "giữ trận"?

Ông Nghiêm Quang Duy: Trong thời điểm 2020 - 2021, khối nội "giữ trận" là 1 điều tuyệt vời cho thị trường chứng khoán Việt Nam ở giai đoạn đó. Tại thời điểm đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tốt dù trong covid. Tuy nhiên, sau mở cửa và áp dụng mọi chính sách, nền kinh tế Việt Nam hiện tại đang yếu đi. Người dân cũng đang nghèo đi và chi tiêu yếu hơn. Nó thể hiện dòng tiền khối nội đang yếu hơn rất nhiều so với giai đoạn covid.

Ngoài ra, thị trường BĐS - nơi ứ đọng vốn của rất nhiều doanh nghiệp vẫn đóng băng nên dòng tiền vẫn gặp khó. Thị trường chứng khoán chỉ có thể duy trì ở 1 mức độ nào đó để các doanh nghiệp huy động vốn. Trong bối cảnh hiện nay, kỳ vọng khối nội kéo ngược thị trường tăng điểm trở lại sẽ không thực sự khả thi.

Nhìn sang "vị hàng xóm khổng lồ" Trung Quốc, nhà đầu tư có thể thấy sự tương quan. Khi Mỹ rút tiền và khối ngoại bán, thị trường chứng khoán cũng không thể nào đứng vững. Chỉ số ShangHai và HangSheng đều chuẩn bị giảm về đáy cũ 11/2022.

PV: Theo ông, định giá thị trường cũng như các cổ phiếu còn rẻ trong giai đoạn này?

Ông Nghiêm Quang Duy: Định giá hiện tại theo một số tổ chức đánh giá như Fiintrade gần đây đưa ra, có 2 nhóm duy nhất còn rẻ là Bất động sản và Ngân hàng. Tuy nhiên, đây là 2 nhóm "kẹt tiền" ở thị trường bất động sản và chưa rõ khi nào có thể lấy lại sự tích cực khi thị trường bất động sản vẫn đóng băng. Bài toán dòng vốn của các doanh nghiệp bất động sản và bài toán nợ xấu của các ngân hàng liên quan mật thiết tới nhau.

Đặc biệt, khi luật đất đai chưa thể thông qua vào kỳ họp quốc hội thứ 6 năm 2023 này mà phải quý 1 - quý 2 năm sau mới có thể được thông qua càng làm cho 2 nhóm này ngày càng "mệt mỏi". Đây là 2 trụ đỡ của thị trường mà tương lai chưa rõ ràng dù định giá rẻ. Còn lại các cổ phiếu khác đa số đều ở mức định giá cao.

Về cơ bản, P/E toàn thị trường đang tầm 13 ngang với những năm 2014 -2015. Nếu tầm nhìn thập kỉ, có thể đánh giá thị trường đang rẻ bởi thị trường chứng khoán của chúng ta thường dao động ở P/E 15 - 17. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bối cảnh trong 3 năm trở lại đây và 2024 sắp tới, P/E của thị trường vẫn dao động từ 10 - 14. Do đó, có thể nói thị trường chứng khoán xét về dài hạn là rẻ, nhưng về ngắn hạn thì vẫn đang định giá hợp lý.

Sắp "bỏ túi" hơn 2.700 tỷ đồng từ chuyển nhượng dự án, cổ phiếu BCM lập tức tăng trần

Theo thông tin mới nhất, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho phép Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP ...

Rung lắc vùng cản, VN-Index có gặp áp lực chốt lời?

Trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán tiếp tục rung lắc khi tiến tới vùng cản.

Dòng tiền cá mập bất ngờ đảo chiều, nhóm Bất động sản giữ được sắc xanh

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba 5/12, dòng tiền cá mập xoay chiều đẩy mạnh lực bán, thị trường ngập tràn sắc đỏ. ...

Thiên Dương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán