Góc nhìn chuyên gia: FED tăng lãi suất và tác động tới thị trường BĐS Việt Nam

(Banker.vn) Trong kỳ họp tháng 6 vừa qua, FED quyết định giữ nguyên mức lãi suất trong tháng, tuy nhiên lại thông báo rằng sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2023. Việc FED tiếp tục tăng lãi suất liệu có tác động tới thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian tới?

Theo quan điểm của ông Bùi Lê Minh, Tiến sĩ Tài chính tại Đại học West Scotland, Giám đốc vận hành trung tâm khởi nghiệp trường Đại học FPT, FED tăng lãi suất sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới thị trường BĐS Việt Nam, cụ thể:

Góc nhìn chuyên gia: FED tăng lãi suất và tác động tới thị trường BĐS Việt Nam
TS. Tài chính Bùi Lê Minh, Đại học West Scotland, Giám đốc vận hành trung tâm khởi nghiệp Đại học FPT.

"Để đánh giá tác động của việc FED tăng lãi suất cần nhìn lại tình trạng hiện tại của nền kinh tế và các doanh nghiệp bất động sản giai đoạn vừa qua. Nếu 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng là 9,44% thì tính đến hết tháng 5/2023, tín dụng nền kinh tế mới đạt 12,3 triệu tỷ đồng, tương đương với mức tăng khoảng 3,17% so với cuối 2022. Điều này có thể cho thấy rằng, vấn đề không nằm ở lãi suất mà ở bên cầu. Mặc dù mặt bằng lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt trong năm nay nhưng nhu cầu trong nước quá yếu khiến cầu vốn và nhu cầu đi vay giảm rõ rệt.

Đáng chú ý, tín dụng bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do ít dự án được triển khai. Tính đến hết Quý 1 năm 2023, dựa trên kết quả báo cáo của Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó. Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường trong quý 1 năm 2023 chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp BĐS ngoài việc khó chứng minh được dòng tiền thì cũng buộc phải co cụm lại, cơ cấu và "cắt giảm bảng cân đối kế toán" hơn là tăng cường vay nợ vào thời điểm hiện tại. Từ đó có thể thấy, mặc dù việc FED có thể tăng lãi suất 2 lần trong năm nay là điều bất ngờ so với dự đoán của thị trường (dự đoán là hoãn tăng lãi suất trong tháng 6, tăng 1 lần vào tháng 7 và giữ nguyên), điều này ảnh hưởng với doanh nghiệp BĐS là tương đối thấp do việc tái cơ cấu đã diễn ra từ 2022 và áp lực đến thời điểm hiện tại đã giảm đi nhiều so với trước đó.

Tuy nhiên, việc FED tăng hoặc giữ mặt bằng lãi suất cao có thể ảnh hưởng đến chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc ít nhất là các biện pháp hỗ trợ như giảm lãi suất điều hành có thể đã đạt đến điểm giới hạn trong năm nay. Tình hình khó khăn có thể kéo dài hơn dự kiến và doanh nghiệp BĐS sẽ cần phải chủ động hơn trong việc kiểm soát vốn lưu động."

Ở một diễn biến khác, trong tuần vừa qua, NHNN đã đưa ra quyết định hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm tới nay. Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5%/năm xuống 4,75%/năm.

Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ mức 4,5%/năm xuống 4%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 19/6, VN-Index giảm 9,82 điểm (-0,88%) xuống 1.105,40 điểm với 113 mã tăng và 315 mã giảm. Đáng chú ý, mặc dù thị trường chung giảm khá sâu nhưng một số cổ phiếu BĐS như DIG, DXG, CEO... vẫn giữ được sự tích cực khi xanh nhẹ hoặc biến động chưa tới 0,5%.

Chuyên gia lên tiếng về lạm phát khi chủ các khu nhà cho thuê rục rịch tăng giá điện

Trên địa bàn Hà Nội, nhiều chủ trọ hay chủ các khu nhà ở bắt đầu rục rịch tăng giá điện trong thời gian gần ...

Chuyên gia đánh giá tác động của việc giảm lãi suất đến TTCK và nhóm cổ phiếu được hưởng lợi

Thông tin tiếp tục hạ lãi suất điều hành, một thông tin tưởng chừng tích cực cho thị trường chứng khoán, tuy nhiên VN-Index lại ...

Thiên Dương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán