Gỡ vướng cho tăng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản, lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long

(Banker.vn) Ngày 15/9, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các địa phương vùng ĐBSCL tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản, lúa gạo.
Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất cho vay sẽ giảm từ 0,2-2,5 điểm % Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tín dụng xanh là vấn đề "cấp bách"

Hội nghị được tổ chức với mục tiêu trao đổi, chia sẻ kết quả đạt được, nhận diện và tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ, nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả Gỡ hơn.

Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản, lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản, lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp đã giúp cho hoạt động ngân hàng trong khu vực không ngừng được cải thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các ngành hàng nông sản chủ lực của vùng như lúa gạo, thủy sản. Ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, các dịch vụ tài chính, ngân hàng an toàn, hiện đại và thuận lợi nhất cho khách hàng.

Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản, lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cho biết, ngành lúa gạo, thủy sản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - là một trong những lĩnh vực luôn được ngành Ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách trần lãi suất ngắn hạn VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên (hiện nay tối đa là 4%/năm); chính sách cho vay bằng ngoại tệ để để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ.

Ngân hàng Nhà nước luôn coi nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên để điều hành tập trung tín dụng, khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất - chế biến - đến thu mua, tiêu thụ; chỉ đạo tổ chức tín dụng thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn.

Căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế thị trường, ngay đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong các ngành này tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023, hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng; lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay; thời gian triển khai đến hết 30/6/2024. Ngoài ra, các ngân hàng thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng. Đến nay đã có 13 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia Chương trình và thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng cho gần 2.000 lượt khách hàng vay vốn.

Đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản – là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng ấn tượng, cụ thể: Dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%). Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Qua theo dõi số thống kê qua các năm, dự kiến từ nay đến cuối năm tăng trưởng tín dụng đối với 02 ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do yêu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.

Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính và Ngân hàng Nhà nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và toàn quốc nói chung.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý; Tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay; Tích cực triển khai cho vay đối với các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước; Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn; Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, hiểu biết cho khách hàng về các sản phẩm, chương trình của ngân hàng...

Ngành ngân hàng Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ nắm sát hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, đặc biệt là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành thủy sản, lúa gạo; theo dõi sát tình hình thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn, đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng phục vụ thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại địa phương, không để xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản do thiếu vốn ngân hàng; Thường xuyên làm việc với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng…

Thùy Linh

Theo: Báo Công Thương