Gỡ “nút thắt” visa, du lịch Việt liệu có tăng tốc bứt phá trên chặng đường phục hồi?

(Banker.vn) Sau thời gian chờ đợi, chính sách visa mới đã có hiệu lực với sự nới lỏng các điều kiện “dễ thở” hơn cho du khách khám phá dọc dài đất nước hình chữ S.
Visa không phải nút thắt duy nhất nhưng là cánh cửa đầu tiên để phục hồi du lịch Quốc hội "chốt" nâng thời hạn visa lên 90 ngày

Ngày 15/8, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã chính thức có hiệu lực. Theo chính sách visa mới, thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày được nâng lên 90 ngày, thời hạn tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực được tăng lên 45 ngày.

Cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hiện đang thở phào khi “nút thắt” về chính sách visa được tháo gỡ, họ xem đây như là “liều doping” để du lịch vực dậy sau “cú sốc” đại dịch Covid-19. Từ đây, các đơn vị lữ hành cũng sẽ “rộng đất dụng võ” khi thiết kế được những sản phẩm dài ngày có thêm nhiều trải nghiệm độc đáo hơn cho du khách.

Gỡ “nút thắt” visa, du lịch Việt liệu có tăng tốc bứt phá trên chặng đường phục hồi?

Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới, chính sách visa thuận lợi sẽ giúp tăng từ 15-25% khách du lịch, vì thế theo giới chuyên gia du lịch, chính sách visa cởi mở sẽ khởi động một lộ trình thông thoáng cho du lịch Việt tăng tốc phục hồi và phát triển.

Trước mắt, ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) cho hay, việc nâng thời hạn thị thực điện tử và miễn thị thực giúp Việt Nam không chỉ đón được 8 triệu mà có thể đón 12 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 1,5 so với kế hoạch ban đầu ngành du lịch đặt ra cho năm 2023.

Hơn thế, “chính sách thị thực thay đổi thuận lợi không chỉ thúc đẩy việc thu hút khách du lịch đến Việt Nam mà còn tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam, mở rộng cơ hội hội chơ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước” - ông Chính kỳ vọng.

Tuy nhiên, sau sự cởi mở của chính sách visa, ngành "công nghiệp không khói" Việt Nam vẫn còn nhiều điều phải trăn trở. Bởi, nếu “miếng trầu là đầu câu chuyện” như nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam thì visa trong du lịch theo cách ví của ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam là lời mời du khách đến với Việt Nam. Vì vậy, sau câu chuyện nới lỏng các điều kiện về visa, khi khách đến nhà chúng ta có gì để họ thưởng thức gì, sản phẩm du lịch có gì mới thú vị, du khách có cảm thấy thích thú để chi nhiều tiền, sẵn sàng móc hầu bao và ở lâu hay không mới là mục tiêu thực sự của ngành du lịch.

Để làm được điều đó, theo ông Vũ Thế Bình, tất cả phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như chất lượng dịch vụ lưu trú, ẩm thực độc đáo, không gian văn hóa, giá cả phù hợp… và nhiều giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, do du lịch vốn là ngành kinh tế tổng hợp, có sự kết nối chặt chẽ với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên để giải quyết những vấn đề đặt ra trách nhiệm thuộc về cấp quản lý ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch và những người cung cấp dịch vụ.

Như vậy, để nắm bắt cơ hội từ cú hích ghi điểm trong mắt du khách quốc tế của chính sách visa, ngành du lịch không thể “đơn thương độc mã” trên hành trình này, mà cần các ngành nghề liên quan cùng đồng hành để khai thác tốt nhất những lợi thế mà chính sách mới mang lại.

Trước mắt, ông Hoàng Nhân Chính chỉ rõ, chúng ta cần phải nhanh chóng cải thiện công tác quảng bá du lịch. Do, thời gian qua, hoạt động xúc tiến, quảng bá hiệu quả của du lịch Việt Nam chưa cao, thông tin nghèo nàn, cách tiếp thị chưa nhanh nhạy, chưa đáp ứng đúng nhu cầu của du khách.

Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có yêu cầu nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du khách cần chứ không chỉ giới thiệu sản phẩm chúng ta sẵn có. Vì thế, cần tăng cường nghiên cứu thị hiếu, tâm lý, xu hướng du lịch của khách du lịch ở từng thị trường, nhất là các thị trường mục tiêu, trọng điểm.

Ngoài ra, khi đã mở rộng cửa cho khách đến thì mỗi địa phương, mỗi điểm đến phải tìm cách để họ ở lâu và kéo họ quay trở lại bằng việc thúc đẩy công tác quản lý chặt chẽ, bài bản, làm sao luôn tạo được một môi trường, một không gian trải nghiệm du lịch an toàn, thân thiện, mến khách…

Đặc biệt, Viện trưởng Phát triển Du lịch châu Á - ông Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh, nguồn nhân lực chính là “gốc” của các loại hình dịch vụ. Do vậy, trong giai đoạn mới cần phải nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ, làm sao để vừa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, vừa đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao của dịch vụ.

Thực tế, phải nhận thức rõ rằng, chính sách visa mới không phải là “đũa thần” để kéo khách du lịch đến Việt Nam, như Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia, ông Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, chính sách visa thông thoáng hơn mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn, nâng cao tính cạnh tranh cũng như tạo sức hút mạnh mẽ hơn đối với các thị trường quốc tế là cần phải có một loạt giải pháp đồng bộ hơn nữa.

Với trách nhiệm của cơ quan quản lý du lịch, tới đây, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ trình Chính phủ Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, phê duyệt một số đề án như: Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt tại một số thị trường du lịch trọng điểm.

Kỳ vọng rằng, với sự quyết tâm, chung sức của Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp sau khi chính sách visa được nới lỏng, ngành du lịch Việt Nam sẽ tăng tốc bứt phá trên chặng đường phục hồi sau đại dịch Covid-19; tiếp tục có đóng góp chung vào GDP, khẳng định là một trợ lực quan trọng của nền kinh tế đất nước.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương