Gỡ "nút thắt" để đón các tân binh lên sàn chứng khoán

(Banker.vn) Việc thị trường Việt Nam khó bứt phá, bên cạnh nguyên nhân dòng tiền trở nên thận trọng, còn tới từ việc thiếu vắng những doanh nghiệp đủ lớn để có thể tạo ra những đợt "sóng thần"...

Tính từ năm 2022 đến nay, hoạt động IPO và lên sàn chứng khoán diễn ra rất ảm đạm. Trong cả năm 2022, hai Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chỉ ghi nhận tổng cộng 12 cổ phiếu niêm yết mới. Sang tới quý 1/2023, mỗi sàn chỉ đón một tân binh là PVP của Công ty CP Vận tải Thái Bình Dương (HOSE) và KSV của Tổng Công ty Khoáng Sản TKV - Công tyCP (HNX). Đây cũng không phải gương mặt mới hoàn toàn, đều là những cổ phiếu được chuyển từ UPCoM sang.

Gỡ
Trong hơn ba tháng đầu năm 2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh chỉ công bố nhận được duy nhất một bộ hồ sơ niêm yết

Không chỉ thưa thớt tân binh, việc nộp hồ sơ niêm yết cũng rất hiếm. Trong hơn ba tháng đầu năm 2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh chỉ công bố nhận được duy nhất một bộ hồ sơ niêm yết của Công ty CP Tập đoàn Dược Bảo Châu với mã BCH.

Đây không phải lần đầu Dược Bảo Châu nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Hồi tháng 8/2019, HNX thông báo nhận được bộ hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán với 18 triệu cổ phiếu của Dược Bảo Châu, tuy nhiên khoảng 2 tháng sau đó, Công ty quyết định rút hồ sơ đăng ký niêm yết với lý do muốn chuyển sang đăng ký giao dịch cổ phiếu ở sàn UPCoM.

Đến tháng 9/2022, HOSE tiếp tục thông báo nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của Dược Bảo Châu, song đến tháng 12/2022, HOSE thông báo dừng xem xét hồ sơ đăng ký của Dược Bảo Châu do sau gần 3 tháng đăng ký vẫn chưa nhận được hồ sơ chỉnh sửa bổ sung hoàn chỉnh và các tài liệu phát sinh theo yêu cầu.

Tương tự, với HNX, Sở công bố nhận được hai bộ hồ sơ niêm yết của Công ty CP Petro Times với 15 triệu cổ phiếu và CTCP Dược phẩm Tipharco với hơn 6,3 triệu cổ phiếu. Không quá mới mẻ, đây đều là 2 cổ phiếu đang giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán lần lượt là PPT và DTG. Được biết, Petro Times có ngành nghề chính là bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan trong khi Tipharco chuyên sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu.

Nhiều kế hoạch dang dở

Mới đây, HOSE vừa thông báo nhận được công văn của Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng (UpCOM: PHS) về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu. Trước đó, ngày 8/11/2022, HOSE đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 150 triệu cổ phiếu PHS của Chứng khoán Phú Hưng, tương ứng vốn điều lệ hơn 1.500 tỷ đồng. Lý do xin rút hồ sơ được công ty đưa ra là do tình hình thị trường chứng khoán chưa thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu và lợi ích của cổ đông.

Sau khi tình hình thuận lợi hơn, PHS sẽ tiến hành các bước theo quy định của pháp luật nếu tiếp tục triển khai việc niêm yết cổ phiếu. Theo đó, HOSE sẽ ngừng việc xem xét hồ sơ niêm yết của Chứng khoán Phú Hưng. Trường hợp công ty nộp lại hồ sơ, HOSE sẽ thực hiện xem xét hồ sơ lại từ đầu.

Một trường hợp khác là Công ty CP Tôn Đông Á cũng vừa rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu trên HOSE. Theo công ty này, lý do xin rút hồ sơ là do tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2022 toàn ngành nói chung và Tôn Đông Á nói riêng không khả quan. Do đó, công ty chưa đáp ứng được các điều kiện niêm yết theo quy định tại điểm a và điểm c Khoản 1 Điều 109 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Công ty CP Địa ốc Sacom (Samland) dự kiến trình cổ đông kế hoạch hủy đăng ký niêm yết trên HOSE như kế hoạch đã được thông qua trước đó. Lý do được đưa ra do kế hoạch niêm yết trên HOSE hiện không còn phù hợp với định hướng của Samland trong thời gian tới. Với diễn biến bất lợi từ thị trường bất động sản, năm 2022 Samland ghi nhận lỗ gần 62 tỷ đồng và tiếp tục đặt kế hoạch lỗ thêm gần 16 tỷ đồng trong năm 2023.

Còn đó nút thắt

Trước đây, việc niêm yết cổ phiếu được xem là khâu quan trọng để doanh nghiệp khẳng định vị thế. Bởi niêm yết sẽ giúp doanh nghiệp tăng độ nhận diện, khẳng định tính minh bạch cũng như kêu gọi được vốn nhanh từ các nhà đầu tư, đặc biệt là dòng vốn ngoại dồi dào. Nhiều giai đoạn, HOSE và HNX liên tục sôi động với những buổi lễ "đánh cồng" chào sàn của các cổ phiếu như 2009, 2015-2018 hay giai đoạn Covid 2020-2021. Thị trường chứng khoán vì thế cũng thu hút được làn sóng đầu tư chảy vào các các “bom tấn”, VN-Index không ngừng bứt phá, thậm chí còn liên tục xác lập những đỉnh cao mới.

Tuy nhiên kể từ năm 2022, bối cảnh thị trường không còn ủng hộ khi liên tiếp gặp trồi sụt, dòng tiền không còn dễ dãi và ngày càng e dè hơn. Chính vì vậy, việc đưa một cổ phiếu mới lên sàn lại càng gặp thêm nhiều trở ngại. Thực tế, những cái tên niêm yết đáng chú ý năm qua như Gỗ An Cường (ACG) hay một số trường hợp chuyển sàn từ UpCOM sang HOSE như EVNGENCO 3 (PGV), Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) đều không tạo ra được hiệu ứng nào thực sự rõ rệt.

Việc thị trường Việt Nam khó bứt phá, bên cạnh nguyên nhân dòng tiền trở nên thận trọng, còn tới từ việc thiếu vắng những doanh nghiệp đủ lớn để có thể tạo ra những đợt "sóng thần". Hoạt động có khả năng tạo hàng mới cho sàn niêm yết là cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết, hay thoái vốn Nhà nước tại các DNNN qua sàn đều có kết quả rất hạn chế những năm gần đây. Trong khi đó, nhóm tư nhân cũng không còn nhiều doanh nghiệp “hot” để chờ đợi, nếu có thì lộ trình không thực sẽ rõ ràng. Số lượng tài khoản mở mới vẫn tăng đều đặn song giao dịch gần như chỉ tập trung vào một số mã quen thuộc.

Đặc biệt, sau những sự vụ liên quan tới sai phạm trong hoạt động niêm yết và giao dịch cổ phiếu, các quy định pháp lý hiện đã có nhiều thay đổi, quy trình xem xét và thẩm định hồ sơ niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, quy trình tăng vốn của doanh nghiệp trước lúc lên sàn cũng được kiểm duyệt kỹ càng.

Chính vì sự thay đổi này, dễ hiểu khi các doanh nghiệp cần thêm thời gian để thích nghi và hoàn thiện quy trình nhằm đưa cổ phiếu lên sàn một cách thành công nhất. Nhìn theo khía cạnh tích cực, điều này sẽ giúp thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch và những “hàng mới” chất lượng sẽ được đến với các nhà đầu tư.

Điểm lại các giao dịch cổ phiếu đáng chú ý ngày 14/4/2023

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam điểm lại và gửi đến quý độc giả tin tức về các giao dịch cổ ...

Đằng sau đà bán tháo của hàng loạt cổ phiếu bất động sản...

Phiên giao dịch cuối tuần, hàng loạt cổ phiếu bất động sản bị bán mạnh và giảm sâu, thậm chí nằm sàn “trắng bên mua”, ...

Nhận định chứng khoán tuần 17-21/4/2023: Cơ hội giải ngân khi có phiên điều chỉnh

VN-Index ghi nhận tuần giao dịch rung lắc, điều chỉnh, khi thanh khoản bán chủ động liên tục gia tăng vào những phiên cuối tuần ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục