Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu điều

(Banker.vn) Việc cơ quan kiểm dịch kiểm tra 100% các lô hạt điều chế biến đã đăng ký xuất khẩu tại các nhà máy khiến doanh nghiệp xuất khẩu điều khó càng thêm khó.
Xuất khẩu điều: Đảm bảo tấm vé “xanh” vào các thị trường cao cấp Xuất khẩu hạt điều sang Pháp: Tận dụng lợi thế sẵn có Xuất khẩu hạt điều dự báo tăng trưởng mạnh trong các tháng tới

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 8/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 8/2023 tiếp tục ghi nhận mức cao kỷ lục mới 60,58 nghìn tấn, trị giá 333,83 triệu USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với tháng 7/2023, so với tháng 8/2022 tăng 29,2% về lượng và tăng 21,8% về trị giá.

Lũy kế 8 tháng của năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt gần 395,6 nghìn tấn, trị giá 2,28 tỷ USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 11,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.760 USD/tấn, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù xuất khẩu điều có nhiều tín hiệu khởi sắc, song theo các doanh nghiệp ngành điều đang đứng trước nhiều khó khăn. Tại hội nghị phổ biến quy định về kiểm dịch thực vật, ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hội điều Bình Phước cho biết, hiện nay các doanh nghiệp điều đang hết sức khó khăn, thua lỗ do giá bán thấp, trong khi giá nguyên liệu và chi phí sản xuất đều tăng. Đặc biệt mới đây, việc cơ quan kiểm dịch bố trí cán bộ đi kiểm 100% các lô hạt điều chế biến đã đăng ký xuất khẩu tại các nhà máy khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó.

"Với tỷ lệ kiểm dịch tối đa, lực lượng thực thi lại hạn chế và các nhà máy điều ở xa khiến doanh nghiệp chờ đợi tốn nhiều thời gian, bị động trong việc thực hiện đơn hàng và chậm xoay vòng vốn", ông Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, trong quá trình sản xuất, nhân hạt điều đã được làm chín rất kỹ. Điều thô được hấp ở nhiệt độ trên 100 độ C, thời gian hơn 30 phút. Tiếp theo, nhân điều có vỏ lụa được sấy ở nhiệt độ từ 70 đến 80 độ C trong 18 tiếng, tức sản phẩm được thanh trùng. Sau đó, nhân hạt điều được xử lý hun trùng trước khi đóng gói chân không (môi trường không có oxy) trong bao PE/PP, thời gian bảo quản là 24 tháng.

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu điều
Doanh nghiệp xuất khẩu điều đối mặt nhiều thách thức

Như vậy, thời điểm kiểm định lô hàng là trước khi xuất khẩu, trùng thời gian với cơ quan kiểm dịch thực vật cũng đi lấy mẫu, kiểm tra mối mọt, côn trùng các lô hàng xuất tại các nhà máy. Như vậy, hiện có 2 đơn vị thực hiện giám định cùng chỉ tiêu, cùng thời gian, cùng mục đích đối với một lô hàng xuất khẩu, trong khi đơn vị giám định độc lập đang thực hiện quy trình giám định kỹ hơn rất nhiều so với cơ quan kiểm dịch thực vật.

Cụ thể, tỷ lệ lấy mẫu nhiều hơn, kiểm tra phân tích mẫu kỹ hơn, chịu trách nhiệm cao hơn. Vì vậy, việc cơ quan kiểm dịch thực vật giám định lô hàng một lần nữa là không cần thiết. Hơn nữa, do biên chế nhân sự kiểm dịch của cơ quan bảo vệ thực vật khá mỏng nên việc đi lấy mẫu cho các lô hàng điều xuất khẩu rất mất thời gian.

Theo doanh nghiệp, một năm ngành điều nhập hơn 80.000 container. Chi phí để tìm kiếm, lấy cẩu gắp một container sang bãi để kiểm hóa tốn 500.000 đồng, một ngày lưu kho bãi, doanh nghiệp phải trả vài chục USD. Một năm hơn 80.000 container điều khô nhập sẽ tốn 120-150 tỷ đồng. Vì vậy, ông Sơn cho rằng nên cho doanh nghiệp đưa hàng về kho để tiết kiệm được khoản chi phí.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, mặt hàng điều thô nhập khẩu từ châu Phi có một số đối tượng dịch hại cần phải được kiểm soát, quy định kiểm dịch bắt buộc phải thực hiện ngay tại cảng, việc đưa hàng nhập khẩu vào sâu trong nội địa trước khi kiểm dịch là cách làm chưa chuẩn xác.

Riêng với điều đã chế biến, ông Hà cho rằng nguy cơ nhiễm dịch hại rất thấp, gần như không có, do đó quy trình kiểm dịch hiện nay là không cần thiết. Trong quá trình xem xét, Cục đang chủ động đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bỏ khâu kiểm dịch.

Ông Hà cũng lưu ý các doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ các quy định về xuất khẩu. Đối với các quốc gia nhập khẩu chỉ yêu cầu giấy chứng nhận kiểm định của bên giám định độc lập mà không cần giấy từ nhà chức trách, đơn vị sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xem xét không cần kiểm dịch.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu. Đặc biệt, với các mặt hàng nông sản cần đảm bảo mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng góp cần đáp ứng theo đúng quy định.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương