Gỗ An Cường (ACG): Doanh thu và lợi nhuận lập “đỉnh” trong năm 2022

(Banker.vn) Công ty CP Gỗ An Cường (HOSE: ACG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 đạt 1.384 tỷ đồng doanh thu và 170 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng trưởng 27% và 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung cả năm, Gỗ An Cường ghi nhận doanh thu đạt 4.475 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 615 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

Theo kế hoạch, năm 2022, Gỗ An Cường đặt mục tiêu 4.242 tỷ đồng doanh thu và 550 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Như vậy, doanh nghiệp đã vượt hơn 5% kế hoạch doanh thu và vượt 11,8% kế hoạch lợi nhuận năm.

Gỗ An Cường (ACG): Doanh thu và lợi nhuận lập “đỉnh” trong năm 2022
Công ty CP Gỗ An Cường (HOSE: ACG)

Doanh nghiệp cho biết trong bối cảnh khó khăn, công ty đã giảm phụ thuộc vào nhóm khách hàng là những đơn vị phát triển bất động sản, đồng thời đẩy mạnh mở rộng chuỗi phân phối, hướng đến nhu cầu của người tiêu dùng cuối.

Cụ thể, Gỗ An Cường đã giảm tỷ trọng doanh thu từ các dự án bất động sản từ mức 30 - 40% giai đoạn 2019-2022 về mức 20% trong năm 2021 và trong năm 2022 chỉ còn hơn 10%.

Mới đây, Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 diễn ra hồi tháng 12, đánh giá về năm 2023, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch An Cường, cho biết đã lường trước tình hình khó khăn của kinh tế thế giới và Việt Nam và tin rằng “cái khó ló cái khôn”.

“Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi và ban lãnh đạo An Cường, những thời điểm tình hình thị trường bất động sản khó khăn thì An Cường lại ghi nhận kết quả tăng trưởng khá tốt”, ông Nghĩa chia sẻ.

Theo đó, vị này cho rằng hiện tại, các dự án nhà ở đã được bàn giao rất nhiều nhưng vẫn chưa hoàn thiện nội thất. Đây sẽ là cơ hội cho các dòng sản phẩm của công ty gồm An Cường, Malocca và Aconcept trong thời gian tới.

Ngoài ra, bối cảnh thị trường khó khăn cũng là cơ hội để thanh lọc thị trường theo hướng lành mạnh hơn. Thực tế 6 tháng cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp gỗ ở Bình Dương chỉ hoạt động 60-70% công suất nhưng An Cường lại tăng trưởng 35-40%, nhà máy hoạt động với công suất tối đa.

Ông Nghĩa cũng đánh giá thị trường bất động sản ở Việt Nam đang gặp khó khăn thực sự, tuy nhiên đây chỉ là tình huống ngắn hạn vì nhu cầu thực tế vẫn đang có.

Kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng vào năm 2024 nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản

VNDIRECT dự báo tăng trưởng doanh thu nội địa năm 2023 có xu hướng giảm do công trình xây dựng nhà ở không cao.Theo VNDIRECT, nhu cầu BĐS, đặc biệt là các BĐS cao cấp, tích trữ và đầu cơ, vẫn gặp khó khăn trong nửa cuối 2022 do tín dụng vào các loại hình này hạn chế. Bên cạnh đó, phân khúc trung cấp và bình dân có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát chi phí đẩy và lãi suất gia tăng.

Tuy nhiên, VNDIRECT cho rằng nhu cầu ở những phân khúc này có thể vượt qua các áp lực trên trong nửa cuối 2022, do nguồn cung mới phân khúc này hạn chế và nhu cầu ở thực vẫn cao. Từ đó, đưa ra dự báo doanh số ký bán của top 5 doanh nghiệp BĐS trong danh mục của VNDIRECT có thể thụt lùi còn 88.600 tỷ đồng trong nửa cuối 2022, so với 159.400 tỷ đồng trong 6 tháng đầu 2022.

Tuy nhiên, ACG đang có kế hoạch phát triển thị phần ra các tỉnh nhỏ với mục tiêu mở rộng 63 tỉnh thành trong Q3/23. Tính đến đầu quý 4 năm 2022, ACG có khoảng 60 showroom tại 51 tỉnh thành. Do đó, VNDIRECT dự báo doanh thu nội địa sẽ tăng trưởng 5,4% svck trong năm 2023 nhờ mở rộng thị phần.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên ngày 18/1, cổ phiếu ACG tăng 250 đồng đóng cửa ở mức 39.250 đồng/cp với khối lượng giao dịch 9.300 đơn vị.

Ngày 25/8/2022, HoSE đã có quyết định chấp thuận niêm yết cho ACG. Theo đó, toàn bộ 135.846.122 cổ phiếu ACG của công ty đã được chấp thuận niêm yết trên HoSE. Vào ngày 10/10, ACG đã chính thức chuyển từ UPCOM và niêm yết trên HoSE.

Thiên Ân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục