Global Findex 2021: 67% người trưởng thành trên toàn cầu đã có tài khoản để thực hiện dịch vụ tài chính - ngân hàng

(Banker.vn) Theo cơ sở dữ liệu toàn cầu về tài chính toàn diện của Ngân hàng Thế giới (Global Findex)  được tiến hành trong năm 2021 khảo sát cách thức người dân ở 123 nền kinh tế trên thế giới sử dụng các dịch vụ tài chính, việc các dịch vụ tài chính chính thức không ngừng được mở rộng đã tạo ra các cơ hội kinh tế mới, thu hẹp khoảng cách giới trong việc sở hữu tài khoản và xây dựng khả năng chống chịu ở cấp hộ gia đình để quản lý tốt hơn các cú sốc tài chính.

Khảo sát cũng cho thấy đại dịch COVID-19 là cú hích cho quá trình thực hiện tài chính toàn diện - thúc đẩy sự gia tăng lớn trong các khoản thanh toán kỹ thuật số.

Tính đến năm 2021, 76% người trưởng thành trên toàn cầu có ít nhất 1 tài khoản tại một ngân hàng, tổ chức tài chính khác hoặc với nhà cung cấp dịch vụ tiền di động (mobile money), tăng từ mức 68% năm 2017 và 51% vào năm 2011. Điều quan trọng là sự tăng trưởng về số lượng tài khoản được phân bổ đồng đều trên nhiều quốc gia. Trong khi các cuộc khảo sát trước đây của Findex, phần lớn sự tăng trưởng tập trung ở Ấn Độ và Trung Quốc, cuộc khảo sát năm nay cho thấy, kể từ năm 2017,  34 quốc gia đã đạt tỷ lệ sở hữu tài khoản tăng ở mức hai con số.

Đại dịch COVID-19 cũng đã đem đến sự gia tăng trong việc sử dụng hình thức thanh toán kỹ thuật số. Ở các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình (ngoại trừ Trung Quốc), hơn 40% người trưởng thành đã thực hiện thanh toán tại cửa hàng hoặc thanh toán trực tuyến bằng thẻ, điện thoại hay lần đầu tiên thanh toán qua Internet kể từ khi đại dịch xảy ra. Điều này cũng xảy ra với hơn một phần ba số người trưởng thành ở tất cả các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, những người thanh toán hóa đơn điện, nước trực tiếp từ một tài khoản chính thức. Ở Ấn Độ, hơn 80 triệu người trưởng thành đã thực hiện thanh toán kỹ thuật số lần đầu tiên sau khi đại dịch khởi phát, trong khi ở Trung Quốc, con số này là hơn 100 triệu người.

Hai phần ba số người trưởng thành trên toàn thế giới hiện thực hiện hoặc nhận thanh toán kỹ thuật số, với tỷ trọng ở các nền kinh tế đang phát triển tăng từ 35% năm 2014 lên 57% vào năm 2021. Ở các nền kinh tế đang phát triển, 71% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tài chính khác, hoặc với một nhà cung cấp dịch vụ tiền di động (mobile money), tăng so với mức 42% năm 2011 và 63% vào năm 2017. Số lượng tài khoản mobile money tăng mạnh đã thúc đẩy sự gia tăng đáng kể về tài chính toàn diện ở khu vực châu Phi cận Sahara.

Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới, ông David Malpass cho biết: “Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã thúc đẩy sự gia tăng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính trên toàn thế giới, làm thay đổi cách thức mà mọi người thực hiện và nhận thanh toán, đi vay và tiết kiệm. Tạo môi trường chính sách thuận lợi, thúc đẩy số hóa thanh toán và mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận các tài khoản chính thức và dịch vụ tài chính giữa phụ nữ và người nghèo là một vài trong số những ưu tiên chính sách nhằm giảm thiểu sự đảo ngược tiến trình phát triển trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng chồng chéo đang diễn ra”.

Lần đầu tiên kể từ khi cơ sở dữ liệu Findex toàn cầu được bắt đầu thực hiện vào năm 2011, cuộc khảo sát này cho thấy khoảng cách giới trong việc sở hữu tài khoản đã được thu hẹp, giúp phụ nữ có quyền riêng tư, bảo mật và kiểm soát tiền của họ nhiều hơn. So với cuộc khảo sát gần đây nhất vào năm 2017, khoảng cách này đã được thu hẹp từ 7 xuống 4 điểm phần trăm trên toàn cầu và từ 9 xuống 6 điểm phần trăm ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Khoảng 36% người trưởng thành ở các nền kinh tế đang phát triển hiện nhận được tiền lương hoặc thanh toán của chính phủ, thanh toán cho việc bán các nông sản hoặc thanh toán chuyển tiền trong nước vào một tài khoản. Dữ liệu cho thấy việc nhận thanh toán vào tài khoản thay vì tiền mặt có thể khởi động cho việc sử dụng hệ thống tài chính chính thức của mọi người dân – khi nhận được thanh toán kỹ thuật số, 83% đã sử dụng tài khoản của họ để thực hiện thanh toán kỹ thuật số. Gần 2/3 sử dụng tài khoản của họ để quản lý tiền mặt, trong khi khoảng 40% sử dụng để tiết kiệm – giúp phát triển hơn nữa hệ sinh thái tài chính.

Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ,  song nhiều người trưởng thành trên thế giới vẫn thiếu một nguồn tiền khẩn cấp đáng tin cậy. Chỉ khoảng một nửa số người trưởng thành ở các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình cho biết họ có thể tiếp cận được nguồn tiền trong trường hợp khẩn cấp mà  không gặp hay gặp ít khó khăn, và họ thường chuyển sang các nguồn tài chính không đáng tin cậy khác.

Ông Bill Gates, đồng chủ tịch Quỹ Bill và Melinda Gates, một trong những người ủng hộ Global Findex, cho biết: “Thế giới có một cơ hội quan trọng để xây dựng một nền kinh tế toàn diện và linh hoạt hơn, đồng thời cung cấp cánh cửa dẫn đến thịnh vượng cho hàng tỷ người. “Bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số và công nghệ cho các hệ thống thanh toán và nhận dạng (ID) cũng như cập nhật các quy định để thúc đẩy sự đổi mới và bảo vệ người tiêu dùng, các chính phủ có thể đạt được những tiến bộ được ghi nhận trong Findex và mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho tất cả những người cần.”

Ví dụ, ở châu Phi cận Sahara, việc thiếu giấy tờ tùy thân vẫn là một rào cản quan trọng ngăn cản quyền sở hữu tài khoản mobile money của 30% người trưởng thành. Hơn 80 triệu người trưởng thành không có tài khoản vẫn nhận được các khoản thanh toán của chính phủ bằng tiền mặt trong khi việc số hóa một số hình thức thanh toán này có thể giúp chi phí rẻ hơn và giảm tham nhũng. Việc tăng lượng tài khoản sở hữu và sử dụng tài khoản sẽ đòi hỏi sự tin tưởng vào các nhà cung cấp dịch vụ tài chính, lòng tin trong sử dụng các sản phẩm tài chính, việc thiết kế sản phẩm “may đo” cho từng đối tượng và khuôn khổ bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ và có hiệu lực.

Tổng quan chỉ số Global Findex 2021 theo khu vực

Đông Á – Thái Bình Dương

Tại Đông Á và Thái Bình Dương,  tài chính toàn diện là một câu chuyện gồm hai phần, đó là về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Ở Trung Quốc, 89% người trưởng thành có tài khoản và 82% người trưởng thành sử dụng tài khoản này để thực hiện thanh toán số. Ở phần còn lại của khu vực, 59% người trưởng thành có tài khoản và 23% người trưởng thành đã thực hiện thanh toán số - 54% trong số đó lần đầu tiên sử dụng hình thức này khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Tỷ lệ sở hữu tài khoản tăng hai con số đã đạt được ở Campuchia, Myanmar, Philippines và Thái Lan, trong khi chênh lệch giới tính trong khu vực vẫn ở mức thấp (3%), nhưng khoảng cách giữa người nghèo và người giàu trưởng thành là 10%.

Châu Âu và Trung Á

Ở châu Âu và Trung Á, tỷ lệ người có tài khoản tăng 13% kể từ năm 2017, đạt  tỷ lệ 78% ở người trưởng thành. Việc sử dụng thanh toán số đang diễn ra mạnh mẽ, vì khoảng 3/4 người trưởng thành đã sử dụng tài khoản để thực hiện hoặc nhận thanh toán kỹ thuật số. COVID-19 đã thúc đẩy việc tăng thêm 10% lượng người trưởng thành sử dụng hình thức thanh toán kỹ thuật số lần đầu tiên trong đại dịch. Công nghệ kỹ thuật số có thể giúp tăng cường việc sử dụng tài khoản nhiều hơn nữa đối với 80 triệu người trưởng thành đã tiếp cận dịch vụ ngân hàng nhưng chỉ thực hiện thanh toán cho người bán bằng tiền mặt, bao gồm 20 triệu người  ở Nga và 19 triệu người ở Türkiye, hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực.

Mỹ Latinh và Caribe

Mỹ Latinh và Caribe đã chứng kiến ​​mức sở hữu tài khoản tăng 18% kể từ năm 2017, mức tăng cao nhất so với bất kỳ khu vực thế giới đang phát triển nào, góp phần nâng tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản lên 73%. Thanh toán kỹ thuật số đóng một vai trò quan trọng, vì 40% người trưởng thành đã thanh toán kỹ thuật số cho người bán, bao gồm 14% thực hiện thanh toán số lần đầu tiên trong đại dịch. Hơn nữa, COVID-19 đã thúc đẩy việc ứng dụng kỹ thuật số đối với 15% người trưởng thành, những người lần đầu tiên thực hiện thanh toán hóa đơn tiện ích trực tiếp từ tài khoản trong thời kỳ đại dịch - nhiều hơn gấp đôi so với mức trung bình của các nước đang phát triển. Cơ hội để sử dụng thanh toán số thậm chí còn lớn hơn khi 150 triệu người trưởng thành sử dụng dịch vụ ngân hàng chỉ thực hiện thanh toán bằng tiền mặt cho người bán, bao gồm hơn 50 triệu người ở Brazil và 16 triệu người ở Colombia.

Trung Đông và Bắc Phi

Khu vực này đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm khoảng cách về giới tính trong vấn đề sở hữu tài khoản từ 17% năm 2017 xuống còn 13% - 42% phụ nữ hiện có tài khoản so với tỷ lệ 54% ở nam giới. Có rất nhiều cơ hội để tăng quyền sở hữu tài khoản một cách rộng rãi bằng cách số hóa các khoản thanh toán vốn đang được thực hiện bằng tiền mặt, bao gồm cả thanh toán nông sản và tiền lương của khu vực tư nhân (khoảng 20 triệu người trưởng thành không có tài khoản nhận được tiền lương bằng tiền mặt, bao gồm 10 triệu người ở Cộng hòa Ả Rập Ai Cập). Chuyển sang các phương thức tiết kiệm chính thức là một cơ hội khác cho khoảng 14 triệu người trưởng thành không có tài khoản trong khu vực, bao gồm 7 triệu phụ nữ  vốn sử dụng hình thức tiết kiệm bằng các phương pháp bán chính thống.

Nam Á

Ở Nam Á, 68% người trưởng thành có tài khoản, tỷ lệ thay đổi đáng kể từ năm 2017, mặc dù có sự khác biệt lớn trong khu vực. Ví dụ, ở Ấn Độ và Sri Lanka, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản lần lượt 78% và 89%. Tuy nhiên, việc sử dụng tài khoản đã tăng lên nhờ các khoản thanh toán kỹ thuật số, khi 34% người trưởng thành sử dụng tài khoản của họ để thực hiện hoặc nhận một khoản thanh toán, tăng từ mức 28% năm 2017. Thanh toán kỹ thuật số tạo cơ hội để tăng cả quyền sở hữu và sử dụng tài khoản, ngay cả trong bối cảnh tiền mặt tiếp tục thống trị.

Châu Phi cận Sahara

Tại khu vực này, việc sử dụng mobile money tiếp tục gia tăng, đạt mức 33% người trưởng thành hiện có tài khoản tiền di động - một tỷ lệ lớn hơn ba lần so với mức trung bình toàn cầu 10%. Mặc dù các dịch vụ tiền di động ban đầu được thiết kế để cho phép mọi người gửi tiền cho bạn bè và gia đình sống ở những nơi khác trong nước, việc chấp nhận và sử dụng đã lan rộng ra ngoài những phạm vi đó, chẳng hạn như 3/4 chủ sở hữu tài khoản di động vào năm 2021 đã thực hiện hoặc nhận tại ít nhất một khoản thanh toán không trực tiếp giữa người với người và 15% người trưởng thành đã sử dụng tài khoản tiền di động của họ để tiết kiệm. Các cơ hội để tăng quyền sở hữu tài khoản trong khu vực bao gồm số hóa thanh toán tiền mặt cho 65 triệu người trưởng thành không có tài khoản nhận thanh toán cho các sản phẩm nông nghiệp và tăng tỷ lệ sở hữu điện thoại di động, vì thiếu điện thoại được coi là rào cản đối với việc sử dụng tài khoản tiền di động. Người trưởng thành trong khu vực này lo lắng về việc đóng học phí hơn so với những người trưởng thành ở các khu vực khác, cho thấy cơ hội cho các chính sách hoặc sản phẩm tiết kiệm theo định hướng giáo dục.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 16 năm 2022

Hải Yến -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục