Giữ lợi thế cho xuất khẩu hàng hóa nhờ cảnh báo sớm phòng vệ thương mại

(Banker.vn) Việc cảnh báo sớm phòng vệ thương mại giúp nhiều doanh nghiệp được hưởng cơ chế tự chứng nhận, tự xác nhận hoặc chỉ bị áp thuế thấp khi xuất khẩu hàng hoá.
Tháng 8, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cán mốc trên 62 tỷ USD Xuất khẩu hàng hoá tăng hơn 2 tỷ USD

Hiệu quả cao từ các biện pháp cảnh báo sớm

Cùng với việc tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, xuất khẩu nhiều mặt hàng của ta đang trên đà tăng trưởng mạnh, đồng nghĩa với việc phải đối diện nguy cơ phòng vệ thương mại. Đặc biệt, thời gian gần đây, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam có xu hướng gia tăng, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316). Mục tiêu của đề án nhằm cảnh báo trước những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, giúp các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm.

Giữ lợi thế cho xuất khẩu hàng hóa nhờ cảnh báo sớm phòng vệ thương mại
Toạ đàm “Cảnh báo sớm phòng vệ thương mại: Giữ lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam”

Thông tin tại Toạ đàm “Cảnh báo sớm phòng vệ thương mại: Giữ lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam” do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 6/11, bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin, như theo dõi của VCCI, tạm tính từ năm 2017 - thời điểm xu hướng bảo hộ và phòng vệ trên thế giới tăng lên - đến bây giờ là khoảng 6 năm, thì các vụ việc phòng vệ thương mại trong giai đoạn này so với các vụ việc mà chúng ta đã đối mặt trước đây có ba đặc điểm chính khác biệt. Ba đặc điểm này đều gây khó khăn, vất vả cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Cụ thể, thứ nhất là về số lượng. Số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại trong vài năm trở lại đây tăng nhanh hơn nhiều so với giai đoạn trước. Theo thống kê của VCCI, từ năm 2017 đến nay, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường nước ngoài chiếm tới trên 52% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại mà chúng ta đã đối mặt trong hơn 30 năm qua. Trong đó, số vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại từ năm 2017 đến nay chiếm tới gần 60% tổng số vụ kiện chống lẩn tránh mà chúng ta đã phải đối diện từ trước đến nay.

Thứ hai là về các mặt hàng. Ở giai đoạn cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, những mặt hàng bị kiện chủ yếu là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và có thế mạnh trong xuất khẩu hoặc là mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, như thủy sản hay giày dép. Nhưng ở giai đoạn gần đây, số lượng các mặt hàng và lĩnh vực của các ngành hàng bị kiện phòng vệ thương mại đã mở rộng hơn nhiều.

“Thống kê của chúng tôi cho thấy, tính đến hiện nay, có tới gần 40 mặt hàng đã bị kiện phòng vệ thương mại, trong đó có những mặt hàng chúng ta chỉ mới khai phá thôi và kim ngạch không quá lớn” – bà Trang thông tin.

Thứ ba là đặc điểm về mặt thị trường. Trước đây chỉ ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm mới bị kiện phòng vệ thương mại, nhưng đến nay thì các thị trường khác, kể cả những thị trường mới, số vụ việc phòng vệ thương mại cũng chiếm tỷ lệ rất lớn.

Trong tổng số 235 vụ việc tính đến thời điểm hiện tại thì thị trường Hoa Kỳ chiếm 23% số vụ việc, Ấn Độ chiếm 14%, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 10%, sau đó là Canada, EU, Philippines, Indonesia. Như vậy, nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại ở khắp các thị trường và đã có 24 thị trường đã từng kiện phòng vệ thương mại đối với Việt Nam.

Giữ lợi thế cho xuất khẩu hàng hóa nhờ cảnh báo sớm phòng vệ thương mại
Một số hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đối diện với các vụ việc phòng vệ thương mại

Trong bối cảnh đó, việc áp dụng các biện pháp cảnh báo sớm đã mang lại những kết quả tích cực. Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ, sau khi có Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tiến hành tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện dựa trên những tiền đề đã có về cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại và xây dựng thành một hệ thống tương đối hoàn chỉnh. Hệ thống này hiện đang tiến hành theo dõi khoảng 170 mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu chủ yếu, cũng là những thị trường thường xuyên có các cuộc điều tra phòng vệ thương mại như Hoa Kỳ, EU, Canada, Úc, Ấn Độ...

Trong quá trình đó, Bộ Công Thương định kỳ lọc ra những mặt hàng nào có nguy cơ cao, có khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại. Danh sách này được cập nhật thường xuyên và đến nay, có những mặt hàng sau khi đưa ra cảnh báo một thời gian thì nước nhập khẩu đã tiến hành các cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đó của chúng ta.

“Trên cơ sở đó, ngay lập tức chúng tôi đã tiếp cận với các doanh nghiệp để cung cấp thông tin cũng như trao đổi trước với các doanh nghiệp, các hiệp hội về khả năng, nguy cơ xảy ra và những công việc mà các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị trước. Chúng tôi cũng khuyến nghị doanh nghiệp là khi tham gia các vụ việc đó thì cần phải có sự tích cực, chủ động. Khi đó, nước nhập khẩu đã tiến hành điều tra thì họ sẽ vẫn có những kết luận ảnh hưởng đến xuất khẩu của chúng ta, nhưng mức độ tác động và ảnh hưởng được giảm thiểu đi rất nhiều” - ông Chung chia sẻ.

Ví dụ như trong một số vụ việc chống lẩn tránh, với sự tham gia tích cực và chủ động, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng cơ chế tự chứng nhận, tự xác nhận. Với cơ chế này thì về cơ bản xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường mục tiêu đó không bị ảnh hưởng nhiều.

Trong một số vụ việc khác, doanh nghiệp được hưởng mức thuế rất thấp và thậm chí là không bị áp thuế. Tất cả những điều đó thể hiện hiệu quả tích cực của hệ thống cảnh báo sớm.

Doanh nghiệp đồng hành vào cuộc

Trước những tác dụng lớn của hệ thống cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại, ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam chia sẻ, hiện nay, ngành nhôm đã phổ biến cho tất cả các doanh nghiệp là trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, nền kinh tế vừa biến động và khó khăn như hiện nay thì xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước ngày càng phổ biến, đây là xu thế đương nhiên phải chấp nhận.

Hiệp hội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức về phòng vệ thương mại và sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để bảo vệ ngành hàng và doanh nghiệp của mình. Các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa sản phẩm để đa dạng hóa thị trường và không phụ thuộc vào một thị trường truyền thống nào đó. Đặc biệt, Hiệp hội khuyến khích, khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất không nên cạnh tranh bằng giá, vì cạnh tranh bằng giá thì nguy cơ bị điều tra về phòng vệ thương mại là rất lớn.

Bên cạnh sự chủ động đó, ông Vũ Văn Phụ khẳng định, ngành nhôm cũng rất cần sự đồng hành liên tục của Bộ Công Thương, đặc biệt là của Cục Phòng vệ thương mại trong việc thông tin, hướng dẫn và phổ biến, cập nhật kiến thức cho doanh nghiệp, ngành hàng để doanh nghiệp sẵn sàng vào được các sân chơi lớn hơn.

“Chúng tôi coi các thông tin đó như một tài sản đặc biệt mà ai biết sớm thì sẽ có lợi thế hơn. Chính vì vậy, các thông tin cảnh báo sớm từ Cục Phòng vệ thương mại, từ các tham tán thương mại ở các nước sẽ là vô cùng quý giá với các doanh nghiệp, ngành hàng chúng tôi” – ông Vũ Văn Phụ khẳng định.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Nhôm Việt Nam cũng có một số mong muốn, đề xuất với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các địa phương, khi kêu gọi thu hút đầu tư thì nên tập trung thu hút đầu tư vào các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế về mặt công nghệ, về sản xuất sạch để các sản phẩm có lợi thế hơn trên trường quốc tế. Tránh việc thu hút đầu tư vào các ngành hàng đã dư thừa công suất như ngành nhôm hiện nay, dẫn đến việc tránh việc một số các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để rửa nguồn xuất xứ, né các biện pháp phòng vệ thương mại gây ảnh hưởng đến uy tín của các nhà sản xuất trong nước.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục