Giỏ quà Tết bình dân, đậm chất hàng Việt đắt hàng

(Banker.vn) Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 năm nay, xu hướng ưu tiên các sản phẩm hàng Việt nội địa, đặc sản vùng miền của người dân ngày càng rõ nét.
Cẩn trọng "hàng không rõ nguồn gốc” trong Giỏ quà Tết Thị trường giỏ quà Tết 2024: Giỏ quà giá bình dân được nhiều người lựa chọn

Cầm trên tay giỏ quà Tết “độc đáo” được công ty thưởng Tết năm nay, Thanh Tú (28 tuổi) vô cùng thích thú và tâm đắc.

Giỏ quà chủ yếu là đặc sản các vùng miền được đan bằng tre, bên trong là những sản phẩm gần gũi ở mỗi gian bếp, đặc biệt lại rất cần thiết khi dịp Tết đang đến rất gần (nấm hương, mục nhĩ, miến, mứt, trà…). Ngoài ra, công ty còn thưởng thêm bưởi và một thùng nước ngọt cho nhân viên mang về quê ăn Tết.

“Đây là năm đầu tiên, tôi thấy công ty tặng quà ý nghĩa và đẹp như vậy. Tôi vô cùng thích món quà này”, chị Tú hồ hởi.

Giỏ quà Tết bình dân, mang đậm chất hàng Việt “đắt hàng”
Giỏ quà Tết công ty tặng chị Thanh Tú

Cũng theo chị Tú, năm nay chị cũng có ý định sẽ mua những giỏ quà đặc sản như thế này để tặng người thân, bạn bè làm quà Tết.

Ghi nhận của phóng viên tại các siêu thị, các sàn thương mại điện tử hay các hội nhóm, mạng xã hội nhu cầu mua sắm giỏ quà Tết của người dân đã trở nên sôi động hơn. Đặc biệt, theo quan sát giỏ quà Tết bình dân với những sản phẩm bánh kẹo sản xuất trong nước, các đặc sản vùng miền được người tiêu dùng ưa chuộng hơn hẳn.

Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích... đều trưng bày các giỏ quà Tết ở những vị trí đẹp, bắt mắt, thu hút người tiêu dùng.

Giỏ quà Tết bình dân, mang đậm chất hàng Việt “đắt hàng”
Đặc sản địa phương địa trang trí bắt mắt bán tại các siêu thị

Tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long, giỏ quà Tết với nhiều kiểu dáng, mẫu mã bắt mắt, trong đó trên 90% là hàng Việt với mức giá hợp lý cho người tiêu dùng lựa chọn, từ 299.000 đến 699.000 đồng/giỏ.

Ngoài ra, siêu thị còn chuẩn bị nhiều giỏ quà độc đáo, lạ mắt là đặc sản các vùng, miền. Chẳng hạn giỏ quà gồm trà xanh (Thái Nguyên), thịt trâu gác bếp (Sơn La), hạt điều rang củi Hải Bình (Gia Lai), nấm rừng Sa Pa (Lào Cai), chả mực (Quảng Ninh), nem chua nướng (Thanh Hóa)… Giá cả của từng loại cũng không cao hơn so với năm trước, dao động từ 450.000 đồng đến trên 2 triệu đồng/giỏ (tùy khách hàng lựa chọn).

Giỏ quà Tết bình dân, mang đậm chất hàng Việt “đắt hàng”
Những giỏ quà từ nông sản thu hút khách hàng

Tại hệ thống siêu thị WinMart và WinMart+ đã ra mắt 3 nhóm sản phẩm giỏ quà tặng Tết phổ thông với các mặt hàng chính là bánh, kẹo, mứt, bia, rượu, trà, cà phê… do Việt Nam sản xuất với nhiều mức giá từ 399.000 đến 699.000 đồng/giỏ tùy từng loại.

Tương tự, hệ thống siêu thị LOTTE Mart cũng tung ra thị trường hàng chục mẫu giỏ quà Tết với với chủ đề "Quà Tết kết tình thân” chủ yếu là sản phẩm Việt chất lượng cao với mức giá rẻ "giật mình" từ 179.000 đồng/giỏ.

Cụ thể, giỏ quà Xuân Tươi Vui có giá chỉ 179.000 đồng, giỏ quà Xuân An Khang giá 359.000 đồng; Tết Sum Vầy giá 399.000 đồng. Ở phân khúc trung cấp, có thể kể đến giỏ quà Tết Đến Rồi giá 529.000 đồng; Tân Niên Phú Quý giá 729.000 đồng; Xuân Thịnh Vượng giá 999.000 đồng.

Chị Vũ Thị Oanh - Chủ tịch Liên minh xúc tiến ACT ONE GLOBAL cho biết, năm nay người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu hơn nên ưu tiên chọn những mặt hàng Việt có thương hiệu để đặt giỏ quà biếu, trưng Tết.

“Ngoài ra, các cửa hàng còn linh hoạt gói các loại giỏ quà phối hợp nhiều mặt hàng, thương hiệu, màu sắc theo yêu cầu của khách hàng chứ không chỉ bán các giỏ quà có sẵn, đáp ứng nhu cầu, sở thích của nhiều đối tượng khách hàng” - chị Oanh chia sẻ.

Giỏ quà Tết bình dân, mang đậm chất hàng Việt “đắt hàng”
Giỏ quà Tết đậm chất hàng Việt vô cùng bắt mắt

Theo Bộ Công Thương, sau 14 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 9 năm tổ chức Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam” đã hình thành nên một phong trào mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước.

Tâm lý mua sắm, tiêu dùng hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực. Người tiêu dùng đã nhìn nhận đúng hơn khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước sắp xếp, đổi mới, phát triển và cạnh tranh lành mạnh.

Trên thị trường nội địa, hàng Việt đang chiếm lĩnh hầu như tất cả các kênh phân phối, với tỷ lệ từ 80% đến trên 90% tại các kênh phân phối hiện đại và từ 60% tại các kênh bán lẻ truyền thống.

Xu hướng ưu tiên các sản phẩm nội địa của người Việt Nam, kết hợp cùng việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại nhiều địa phương trên khắp cả nước, dự báo năm nay hàng Việt sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong thị trường hàng hóa Tết cho người tiêu dùng.

Giỏ quà Tết bình dân, mang đậm chất hàng Việt “đắt hàng”
Xu hướng ưu tiên các sản phẩm nội địa của người Việt Nam ngày càng rõ nét

Theo thống kê mới đây của Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sức mua của người tiêu dùng đối với sản phẩm có nguồn gốc nội địa ngày càng tăng cao. Có tới hơn 90% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt...

Nghiên cứu của Nielsen cũng chỉ rõ, sau đại dịch COVID-19, có 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa, đặc biệt là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe.

Trong một cuộc thăm dò dư luận xã hội, Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã thu về kết quả có tới 94% người được hỏi đã thay đổi nhận thức, hành vi ưu tiên mua và sử dụng hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, trong đó, tỉ lệ người đánh giá “hiệu quả cao” đạt tới 43%.

Giỏ quà Tết bình dân, mang đậm chất hàng Việt “đắt hàng”
Tận dụng nhu cầu mua sắm Tết của người dân tăng cao, trên Shoppee và Tiktok lượng đơn hàng đặc sản vùng miền của Chợ Tết Online (thuộc. Liên minh xúc tiến ACT ONE GLOBAL) ngày một tăng.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương đã và đang tích cực triển khai nhiều nhóm giải pháp bảo đảm cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, mở rộng kênh phân phối, hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt trong dịp này.

“Các doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, qua đó chú trọng trong công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, thiết kế các mẫu mã, bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Để làm sao hàng hóa đến được với người sử dụng một cách thuận tiện nhất, giá ưu đãi nhất, chất lượng tốt nhất” - bà Phương Lan nhận định.

Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12 năm 2023, nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ đã tung ra các sản phẩm, hàng hoá, giỏ quà Tết hàng Việt với nhiều mẫu mã bắt mắt, mức giá đa dạng, khởi động mùa mua sắm Tết sớm hơn với nhiều kỳ vọng bội thu những ngày cuối năm.

Ngọc Linh

Theo: Báo Công Thương