Gilimex (GIL) muốn vay nợ hàng nghìn tỷ đồng làm khu công nghiệp

(Banker.vn) Mới đây, Gilimex (GIL) đã công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với nhiều nội dung đáng chú ý.

Theo đó, Công ty CP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex; HoSE: GIL) đã công bố ngân sách đầu tư cho năm 2024 lên đến 5.000 tỷ đồng, bao gồm 1.500 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và 3.500 tỷ đồng vay ngân hàng để tài trợ vốn hoạt động.

Gilimex (GIL) muốn vay nợ hàng nghìn tỷ đồng làm khu công nghiệp
Ngân sách đầu tư năm 2024 của Gilimex (GIL)

Trong quá khứ, Gilimex luôn duy trì cơ cấu nợ vay khá ổn định với vay ngắn hạn dưới 1.000 tỷ đồng và vay dài hạn khoảng 200 tỷ đồng. Tính đến cuối quý I/2024, công ty có 150 tỷ đồng vay ngắn hạn và 228 tỷ đồng vay dài hạn.

Lãnh đạo Gilimex cho biết, công ty có kế hoạch phát triển khu công nghiệp ở các khu vực Bắc, Trung, Nam và việc vay vốn là điều kiện bắt buộc để thực hiện các dự án này. Cụ thể, Gilimex sẽ thế chấp cổ phần tại Công ty CP Khu công nghiệp Gilimex để công ty con này vay tối đa 900 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) với kỳ hạn tối đa 84 tháng. Số tiền này sẽ được dùng để tài trợ chi phí đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng dự án khu công nghiệp Gilimex (Phú Bài 4).

Gilimex phải duy trì tỷ lệ sở hữu vốn tại Công ty Khu công nghiệp Gilimex (vốn 510 tỷ đồng, công ty mẹ sở hữu 90% vốn) và không được thực hiện bất cứ hành động nào liên quan đến chuyển đổi, chia tách, sáp nhập cơ cấu lại vốn… tại công ty con này mà không có sự đồng ý bằng văn bản của MBBank. Đồng thời, doanh nghiệp cam kết dùng toàn bộ phần thặng dư từ hoạt động kinh doanh thường xuyên hoặc nguồn khác để trả nợ thay cho Công ty Khu công nghiệp Gilimex.

Vào đầu năm, Gilimex đã ký hợp tác chiến lược cùng MBBank với cam kết MBBank sẽ tài trợ nguồn vốn để đầu tư vào dự án khu công nghiệp Gilimex với tổng hạn mức 5.000 tỷ đồng.

Gilimex đã và đang đầu tư vào việc thành lập các khu công nghiệp tại Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Trong đó, khu công nghiệp Phú Bài 4 tại Huế và Gilimex Vĩnh Long tại Vĩnh Long đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương.

Khu công nghiệp Phú Bài 4 có quy mô 460,85 ha với tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng. Công tác đền bù, bàn giao mặt bằng, trả tiền bồi thường và giải phóng mặt bằng đã đạt trên 90%. Công ty đang thi công khu A, dự kiến hoàn thành vào đầu quý II năm nay, và khu B kỳ vọng đưa vào vận hành một phần vào giữa quý II/2025.

Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long quy mô khoảng 400 ha, đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý và kỳ vọng khởi công vào cuối năm nay.

Tại một diễn biến khác, theo tờ trình ban đầu, Hội đồng quản trị (HĐQT) đề xuất hủy phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, bao gồm việc chia cổ tức 15%, và thực hiện chi trả cổ tức cho năm 2023 với tỷ lệ 5-10%. Lý do đưa ra là cần cân đối nguồn tài chính. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận, các cổ đông đã cho rằng việc hủy phương án trả cổ tức năm 2022 để giữ lại lợi nhuận và chia cho những năm tiếp theo là không hợp lý.

Một cổ đông đã đề xuất tăng vốn điều lệ lên hơn 1.000 tỷ đồng để phù hợp với kế hoạch mở rộng khu công nghiệp (KCN) Bắc - Trung - Nam, vì vốn điều lệ hiện tại là 700 tỷ đồng là khá thấp.

Dựa trên ý kiến của cổ đông, ĐHĐCĐ Gilimex đã thống nhất bổ sung tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. Phương án này gộp chung trả cổ tức năm 2022 tỷ lệ 15% chưa thực hiện và cổ tức năm 2023. Theo đó, công ty dự kiến phát hành tối đa 31,65 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 45,2% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận được thêm hơn 45 cổ phiếu mới).

Nguồn vốn phát hành sẽ lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2023 theo báo cáo tài chính hợp nhất 2023 được kiểm toán, với tổng giá trị hơn 1.123 tỷ đồng. Nếu phương án này thành công, vốn điều lệ của Gilimex sẽ tăng từ 700 tỷ đồng lên 1.016 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II - III/2024 sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Gilimex cũng tiếp tục theo đuổi vụ kiện đòi bồi thường 280 triệu USD như đã được thảo luận trong các kỳ đại hội trước.

Trong quý cuối năm 2023, Gilimex bắt đầu có nguồn thu từ mảng khu công nghiệp với doanh thu 15 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 59%. Sang quý I/2024, doanh thu từ mảng này đạt 77,5 tỷ đồng, nhưng biên lợi nhuận gộp giảm xuống 37%.

Ở mảng truyền thống may mặc, Gilimex muốn đầu tư thêm 1 nhà máy mới tại vùng 4 với tổng giá trị 150 tỷ đồng, thông qua hình thức M&A để đạt tỷ lệ sở hữu từ 51 – 100%. Mục tiêu nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường và đáp ứng dự kiến 15 – 20 chuyền sản xuất.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, năm nay công ty đã ký khoảng 40 triệu USD hợp đồng với khách hàng truyền thống và mở rộng nhà máy vùng 4 để khách hàng có thể tăng đơn hàng. Gilimex sẽ tập trung vào đơn hàng có giá trị gia tăng cao, không nhận đơn hàng giá trị thấp hoặc lỗ.

Liên quan đến vụ kiện Amazon (khách hàng chiếm đến 80% doanh thu cắt đơn hàng đột ngột), Công ty vẫn đang theo đuổi và không thể đánh giá được tỷ lệ thắng kiện.

Năm nay, Gilimex đặt mục tiêu doanh thu 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với năm 2023 (29 tỷ đồng) nhưng vẫn cách xa thời kỳ đỉnh cao giai đoạn 2020 – 2022 (trên 300 tỷ đồng).

Lên kế hoạch chào bán hơn 152 triệu cổ phiếu cao hơn thị giá, "game" khó cho Hải Phát Invest?

Hải Phát Invest sẽ sử dụng gần 1.411 tỷ đồng để thanh toán gốc và lãi các khoản nợ trái phiếu đến hạn trong năm ...

Vinaconex (VCG): Chi hàng trăm tỷ mua lại trái phiếu trước hạn, nhóm Dragon Capital giảm sở hữu xuống dưới 5%

Ngày 5/6/2024, Vinaconex (VCG) đã tiến hành mua lại trước hạn 200 tỷ đồng lô trái phiếu VCGH2124011 (trị giá 2.500 tỷ đồng). Cũng tại ...

Becamex IDC (BCM) muốn giảm mạnh room ngoại, khởi công dự án 5.500 tỷ đồng

Becamex IDC (HoSE: BCM) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với loạt dự án nổi bật tại ...

Tuấn Khải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán