Gilimex (GIL) báo lãi quý 4/2024 giảm mạnh, doanh thu lao dốc

(Banker.vn) Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - GIL) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2024, cho thấy sự lao dốc về cả doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tài chính riêng, Gilimex ghi nhận doanh thu quý 4/2024 đạt 117,42 tỷ đồng, giảm 22,86% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 5,02 tỷ đồng, giảm mạnh 93,63% so với con số 78,87 tỷ đồng trong quý 4/2023.

Ở báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu ghi nhận 191,74 tỷ đồng, giảm 16,77% so với mức 230,36 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lao dốc 84,37%, chỉ còn 14,23 tỷ đồng so với 91,07 tỷ đồng của quý 4/2023.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng này là cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự thay đổi, kéo theo biên lợi nhuận giảm mạnh. Trong quý IV, lợi nhuận gộp của Gilimex tăng 65,7%, tương đương 18,55 tỷ đồng, nhưng các khoản chi phí cũng tăng cao. Doanh thu tài chính giảm 26,2%, chi phí tài chính tăng 20,9%, trong khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 27,5%. Điều này khiến lợi nhuận gộp không đủ bù đắp chi phí vận hành, dẫn đến lợi nhuận sau thuế vẫn giảm sâu.

Gilimex giải trình nguyên nhân sụt giảm doanh thu và lợi nhuận sau quý cuối năm 2024
Gilimex giải trình nguyên nhân sụt giảm doanh thu và lợi nhuận sau quý cuối năm 2024

Lũy kế cả năm 2024, Gilimex ghi nhận doanh thu 710,89 tỷ đồng, giảm 24,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 26,03 tỷ đồng, giảm 8,5% so với năm trước. Kết quả này còn thấp xa so với đỉnh lợi nhuận năm 2022, khi công ty từng đạt 361,76 tỷ đồng, cho thấy sự đi lùi rõ rệt trong hoạt động kinh doanh của Gilimex.

Điểm đáng chú ý là trong năm 2024, Gilimex cũng chứng kiến dòng tiền hoạt động kinh doanh âm thêm 158,5 tỷ đồng, nối dài chuỗi ba năm liên tiếp dòng tiền âm. Trong đó, dòng tiền đầu tư dương 25,1 tỷ đồng, dòng tiền tài chính dương 53 tỷ đồng, chủ yếu do công ty tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền.

Tổng tài sản của Gilimex giảm 2,9% so với đầu năm, còn 3.258,9 tỷ đồng, trong đó tồn kho vẫn chiếm phần lớn với 1.644 tỷ đồng. Công ty cũng ghi nhận khoản chi phí xây dựng dự án Khu công nghiệp Phú Bài (555,8 tỷ đồng) và Khu công nghiệp Vĩnh Long (12,96 tỷ đồng), cho thấy nỗ lực dịch chuyển sang bất động sản khu công nghiệp, nhưng đến nay lĩnh vực này vẫn chưa đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh.

Nỗ lực giải bài toán mất khách hàng lớn

Rõ ràng, Gilimex vẫn đang đối diện nhiều áp lược kể từ khi mất đi khách hàng chiến lược Amazon, từng chiếm hơn 80% tổng doanh thu của công ty vào năm 2021. Cuộc chiến pháp lý giữa GIL và ông lớn thương mại điện tử của thế giới từng gây nhiều chú ý cho các nhà đầu tư và giới quan sát.

Cuối năm 2022, Gilimex đã khởi kiện Amazon lên Tòa án Tối cao New York, cáo buộc gã khổng lồ thương mại điện tử đột ngột thu hẹp đơn đặt hàng, gây ra tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô. Gilimex yêu cầu Amazon bồi thường 280 triệu USD vì vi phạm hợp đồng và gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam.

Vẫn cần nhiều thời gian và cả 'núi' khó khăn cần vượt qua nếu Gilimex muốn lấy lại tiềm lực của giai đoạn trước đó. Nguồn: Dữ liệu kinhtechungkhoan.vn
Vẫn cần nhiều thời gian và cả 'núi' khó khăn cần vượt qua nếu Gilimex muốn lấy lại tiềm lực của giai đoạn trước đó. Nguồn: Dữ liệu kinhtechungkhoan.vn

Trong nhiều năm trước, Gilimex từ chối các khách hàng tiềm năng khác như IKEA hay Columbia Sportswear để tập trung đáp ứng nhu cầu sản xuất của Amazon. Công ty thậm chí tuyển dụng hơn 7.000 lao động, đầu tư mạnh vào nhà máy để sản xuất các sản phẩm lưu trữ cho Amazon. Tuy nhiên, khi xu hướng chi tiêu trực tuyến chững lại sau đại dịch, Amazon đã cắt giảm đơn hàng, khiến Gilimex rơi vào thế bị động.

Sự mất mát này đã khiến doanh thu của Gilimex lao dốc 70,4% vào năm 2023, từ 3.166 tỷ đồng (2022) xuống còn 936,4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty giảm 92,1%, từ 361,76 tỷ đồng (2022) xuống còn 28,45 tỷ đồng (2023), đánh dấu một trong những giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp.

Bước sang năm 2024, Gilimex nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới và đặt mục tiêu doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc năm, công ty chỉ đạt 53,21 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 53,21% kế hoạch đề ra, cho thấy sự phục hồi vẫn còn chậm chạp.

Hiện tại, công ty đã ký được các đơn hàng trị giá 40 triệu USD với các khách hàng truyền thống và tiếp tục mở rộng tìm kiếm đối tác mới. Song, việc phụ thuộc quá nhiều vào một khách hàng lớn như Amazon trong thời gian trước đó vẫn đang để lại khoảng trống chưa thể bù đắp, khiến doanh nghiệp phải tái cấu trúc mạnh mẽ để đảm bảo ổn định dài hạn.

Trên thị trường, cổ phiếu GIL vẫn nhận được sự quan tâm, với 454.000 cp được khớp lệnh trong phiên 20/2, giá trị giao dịch hơn 7,7 tỷ động. Theo quan sát trong 2 tháng đầu năm 2025, có nhiều phiên cổ phiếu GIL giao dịch rất sôi động, cao nhất là vào 10/2 với gần 1,7 triệu cp được khớp lệnh, tổng giá trị xấp xỉ 29 tỷ đồng.

Gilimex (GIL) muốn vay nợ hàng nghìn tỷ đồng làm khu công nghiệp

Mới đây, Gilimex (GIL) đã công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với nhiều nội dung đáng chú ý.

Gilimex (GIL) chốt ngày chia cổ tức khủng 45% bằng cổ phiếu

Gilimex thông báo chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 45,2467%, đồng thời nâng vốn điều lệ lên hơn 1.016 tỷ ...

Kiều Linh

Kiều Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục