Giày Thượng Đình từ thương hiệu vàng son đến kinh doanh bết bát, nợ thuế

(Banker.vn) Giày Thượng Đình là thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, song doanh nghiệp đã bị điểm tên nợ thuế, kinh doanh bết bát.

Chi cục Thuế khu vực Duy Tiên - Lý Nhân thuộc Cục Thuế tỉnh Hà Nam vừa có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Văn Khiêm, Giám đốc Công ty CP Giầy Thượng Đình (UPCoM: GTD)

Về lý do tạm hoãn xuất cảnh, ông Khiêm là cá nhân đại diện theo pháp luật của Công ty CP Giầy Thượng Đình, thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế số tiền hơn 6,5 triệu đồng. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 13/6/2024 đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách Nhà nước.

Giày Thượng Đình từ thương hiệu vàng son đến kinh doanh bết bát, nợ thuế
Lệnh thu ngân sách Nhà nước

Cùng ngày, Chi cục Thuế khu vực Duy Tiên - Lý Nhân đã ban hành công văn về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Công ty CP Giầy Thượng Đình.

Việc cưỡng chế được thực hiện bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản đối với Giầy Thượng Đình, đóng tại số 277, đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, mở tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thành Công Hà Nội để thi hành thông báo của Chi cục Thuế khu vực Duy Tiên - Lý Nhân về tiền thuế nợ.

Vừa “lội ngược dòng” sau 5 năm lỗ triền miễn, Giày Thượng Đình tiếp tục kinh doanh “đi xuống”

Được thành lập từ năm 1957, Giày Thượng Đình tiền thân là xưởng X30 thuộc Cục Quân Nhu – Tổng cục Hậu cần, chuyên sản xuất mũ cứng và dép cao su phục vụ quân đội.

Năm 2015, Giày Thượng Đình quyết định IPO trên sàn HNX và chuyển sang mô hình công ty cổ phần vào năm 2016. Từ khi cổ phần hoá đến nay, vốn điều lệ của công ty vẫn giữ nguyên 93 tỷ đồng.

Giày Thượng Đình là thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, thương hiệu này trở nên phổ biến với các sản phẩm bảo hộ, giày dép thể thao. Tuy nhiên, khi sự cạnh tranh ngày một nhiều lên từ các thương hiệu trong nước cũng như sản phẩm nhập khẩu, thị phần Giày Thượng Đình ngày một bị thu hẹp.

Nhìn lại số liệu tài chính công bố, trong 5 năm gần nhất, Giày Thượng Đình đã có một chuỗi giảm dần về doanh thu, khi từ mức doanh thu 198 tỷ đồng năm 2017 về 104 tỷ đồng năm 2021. Cũng cần phải lưu ý, 2 năm 2020 - 2021 hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và các doanh nghiệp nói chung đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid.

Giày Thượng Đình lỗ liên tiếp từ 2017 đến 2021, mức lỗ nặng nhất là 17 tỷ đồng vào năm 2018 và giảm lỗ còn chưa đến 1 tỷ đồng năm 2021. Đến 31/12/2021, lỗ lũy kế của Giày Thượng Đình lên tới 49 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa vốn điều lệ.

Sau những năm “ngủ đông”, năm 2022, được xem là “bứt phá” của doanh nghiệp, khi bão lãi sau 5 năm thua lỗ triền miên. Cụ thể, tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với doanh thu thuần hơn 108,5 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ 2021.

Tuy nhiên, nhờ giảm giá vốn từ mức 87 tỷ đồng (năm 2021) về hơn 83 tỷ đồng; lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng tăng gần 4 tỷ so với năm trước, lên 25 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Giày Thượng Đình bất ngờ báo lãi sau thuế 117 triệu đồng.

Đáng chú ý, vừa thoát lỗ với lãi mỏng chưa được bao lâu thì bước sang năm 2023, Giày Thượng Đình lại tiếp tục báo lỗ hơn 5 tỷ đồng.

Được biết, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm doanh thu là do tình hình sản xuất kinh doanh của Giày Thượng Đình năm 2023 gặp nhiều khó khăn. Thị trường xuất khẩu giá thấp, không có đủ đơn hàng xuất khẩu, hàng tiêu thụ trong nước không bán được do sự cạnh tranh gay gắt về giá cả kiểu dáng khiến nhu cầu người tiêu dùng giảm.

Cũng trong năm 2023, thương hiệu này bất ngờ "hot" trở lại sau bức ảnh của rapper HIEUTHUHAI được đăng tải trên Instagram cá nhân. Trong ảnh, HIEUTHUHAI được cho rằng là đang diện mẫu giày kẻ sọc đỏ của thương hiệu Giày Thượng Đình khiến mẫu giày này cháy hàng diện rộng. Ngay cả website chính hãng cũng đã hết hàng. Tuy nhiên, đây lại là một sự nhầm lẫn bởi thực tế, mẫu giày nam rapper này sử dụng thuộc về một thương hiệu khác.

Mặc dù vậy, nhờ việc "lăng xê" nhầm này, Giày Thượng Đình đã được quan tâm trở lại và kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau nhiều năm duy trì tình hình kinh doanh không mấy khả quan.

Sở hữu quỹ "đất vàng" khủng

Trong hơn 60 năm hoạt động, Giầy Thượng Đình hiện nay có thị trường xuất khẩu sang các nước EU, Châu Úc và một số nước Châu Á, tuy nhiên, có phần "hụt hơi" trong cuộc đua giành giật thị phần so với các thương hiệu khác.

Cũng chính vì vậy, việc kinh doanh của doanh nghiệp "vang bóng một thời" này khá ảm đạm và chìm dài trong thua lỗ. Điểm tựa duy nhất của Giày Thượng Đình hiện nay có lẽ chỉ nhờ vào quỹ đất của công ty nằm tại những vị trí đắc địa tại Hà Nội.

Có thể kể đến khu đất có diện tích 36.105 m2 tại số 277 Nguyễn Trãi (Hà Nội). Tuy vậy, hồi năm 2020, GTD cho biết, việc sản xuất kinh doanh ở 277 Nguyễn Trãi không hiệu quả, chi phí bình quân bị tăng do chi phí cố định như khấu hao, thuê đất… hầu như không thay đổi trong khi sản lượng giảm sút, dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh bị lỗ vốn trong năm 2020.

Giày Thượng Đình từ thương hiệu vàng son đến kinh doanh bết bát, nợ thuế
Khu đất của Giầy Thượng đình nằm sát giao cắt của Đường Nguyễn Trãi và đường Vành đai 3

Ngoài 277 Nguyễn Trãi, quỹ đất của Giầy Thượng Đình còn bao gồm: khu đất 17.587 m2, khu đất 18.403 m2 tại Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam), thời hạn thuê đến 2054… các khu đất thuê tại Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa và Hạ Đình, Thanh Xuân (Hà Nội).

Cần biết, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 908, trong đó có nội dung UBND TP Hà Nội sẽ phải thực hiện thoái vốn nhà nước tại 28 doanh nghiệp, hạn chót đến hết năm 2020.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, UBND TP Hà Nội vẫn chưa thoái 68,67% vốn tại Công ty CP Giầy Thượng Đình theo thời hạn trong quyết định.

Nợ thuế có xu hướng tăng cao tác động bất lợi đến việc xử lý và thu hồi

Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, tính đến cuối năm 2023, số nợ thuế là 163.591 tỷ đồng, tương đương ...

Điện Gia Lai (GEG) bị ngành thuế ‘tuýt còi’, mỗi ngày trả 2,68 tỷ đồng tiền lãi

Công ty CP Điện Gia Lai (HOSE: GEG) vừa nhận án phạt từ cục thuế địa phương với tổng số tiền phải khắc phục hơn ...

Không đóng nổi 6,7 triệu đồng tiền thuế, Xây lắp Dầu khí Miền Trung bị phong tỏa tài khoản

Công ty CP Xây lắp Dầu khí Miền Trung (UPCoM: PXM) vừa bị ngành thuế Đà Nẵng ban hành quyết định cưỡng chế trích tiền ...

Tuấn Khải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán