Giao dịch T+2 - chưa chắc đã giải được "bài toán" thanh khoản thị trường?

(Banker.vn) Việc giảm thời gian giao dịch về T+2 được đánh giá là hướng đi mới của thị trường chứng khoán, song về bản chất là cải thiện khâu thanh toán, còn khâu giao dịch vẫn chưa được cải thiện.

Tính thanh khoản cao, thị trường chứng khoán (TTCK) giao dịch sôi động được coi là yếu tố chính hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy, trong dài hạn, cần có nhiều biện pháp mang tính căn cơ hơn. Đó là tăng số lượng và chất lượng hàng hoá, tính minh bạch của thị trường và đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường cũng như công tác thoái vốn nhà nước…Và, việc giảm thời gian giao dịch về T+2 được đánh giá là hướng đi mới của TTCK, song về bản chất là cải thiện khâu thanh toán, còn khâu giao dịch vẫn chưa được cải thiện.

Giao dịch T+2 - chưa chắc đã giải được
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều đang áp dụng mô hình thanh toán T+2 như Mỹ, châu Âu. Trong đó, Mỹ chuyển sang thanh toán T+2 từ năm 2017. Tại châu Á, Nhật Bản áp dụng chu kỳ thanh toán T+2 từ năm 2019. Tuy nhiên, nhiều TTCK cho phép bán khống, đặc biệt là giao dịch trong ngày (T+0).

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm thời gian giao dịch về T+0 chắc chắn sẽ làm cho giao dịch sẽ rất sôi động. Để làm được điều này, cần có hệ thống giao dịch và hệ thống bù trừ phù hợp. Trong khi đó, cơ chế giao dịch T+0 đã được tích hợp trong gói thầu công nghệ KRX mà HoSE, HNX và UBCKNN đang triển khai.

Bên cạnh đó, nên giảm tỷ lệ ký quỹ trước khi mua chứng khoán từ mức 100% bằng tiền mặt hiện nay. Đây cũng là yêu cầu của các tổ chức nâng hạng thị trường.

Không chỉ vậy, nên đẩy mạnh quá trình phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết các cổ phiếu mới, nhằm thu hút thêm sự tham gia của các nhà đầu tư.

Hơn nữa, việc nới hạn mức sở hữu nước ngoài (room) tại các doanh nghiệp cũng cần được xem xét, để thu hút sự tham gia của các quỹ đầu tư ngoại. Về mặt kỹ thuật, Việt Nam có thể giảm thuế, phí giao dịch để hỗ trợ thanh khoản thị trường.

Ngoài ra, việc tăng tính minh bạch cho thị trường cũng là vấn đề nổi cộm, khi mà đây cũng là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng lớn đến thanh khoản gần đây của thị trường.

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt các vụ thao túng giá cổ phiếu đã được phơi bày. Đáng buồn, 2 vụ việc lớn gây chấn động gần đây, để lại nhiều hậu quả lớn cho toàn bộ thị trường là vụ việc liên quan tới FLC và Louis Holdings đều có “bóng dáng” của các công ty chứng khoán (CTCK) - nơi nhà đầu tư gửi trọn niềm tin và tài sản của mình.

Xu hướng ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản sở hữu, góp vốn vào CTCK ngày càng phổ biến và trở nên rõ nét hơn trong bối cảnh tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao chịu kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, những vụ việc xảy ra cho thấy, việc doanh nghiệp niêm yết sở hữu CTCK đang lộ dần nhiều rủi ro với những bất cập lớn liên quan tới tính minh bạch của thị trường.

“CTCK nên hoạt động độc lập, bởi nếu nằm trong hệ sinh thái của các doanh nghiệp khác, có thể chịu sự chi phối”, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá.

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề lớn nhất của việc lành mạnh hóa thị trường nằm ở thông tin, đặc biệt là thông tin mang tính chất nội gián, làm giá, thổi giá,…Đây là điểm mạnh nhưng nếu không kiểm soát được sẽ thành điểm xấu, không chỉ làm thị trường chao đảo mà còn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Vì vậy cần phải kiểm soát giúp minh bạch hoá thị trường. Bên cạnh đó, cần phải tách bạch hoạt động tư vấn phân tích và tự doanh của các CTCK để hai bên không gây ảnh hưởng đến nhau.

Thanh Tùng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán