Giao dịch khối ngoại tuần 20-24/5: Bán ròng hơn 5.300 tỷ đồng, một mã ngân hàng bị xả đột biến

(Banker.vn) Trong tuần qua, thị trường tiếp tục luân phiên phục hồi, cải thiện mạnh ở nhóm mã vốn hóa trung bình và chịu áp lực điều chỉnh mạnh trong phiên cuối tuần. Khối ngoại vẫn bán ròng mạnh với giá trị hơn 5.360 tỷ đồng, phần lớn đến từ áp lực bán ròng của quỹ Fubon khi quỹ này tập trung xả mạnh ở các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, thép trong VN30.

Trong tuần 20-24/5, thị trường ghi nhận diễn biến rung lắc với biên độ khá lớn trong vùng 1.260- 1.285 điểm. Áp lực bán xuất hiện mạnh trong tuần, đặc biệt trong ba phiên đầu tuần khi VN-Index quay lại khu vực đỉnh cũ 1.280-1.290 điểm khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Tuy nhiên, lực cầu dần quay trở lại cùng sự phân hóa của dòng tiền ra các nhóm ngành đã góp phần tích cực cho sự cân bằng của điểm số chung và thị trường lấy lại sắc xanh với mức tăng khá mạnh hơn 14 điểm ở phiên ngày 23/5.

Bước sang phiên thứ sáu cuối tuần (24/5), chỉ số chung lại bất ngờ điều chỉnh giảm khá mạnh ghi nhận áp lực bán do những lo ngại về thị trường chứng khoán Mỹ và vĩ mô trong nước. Kết phiên cuối tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.261,93, giảm 19,10 điểm, tương đương 1,49%. Tính chung cả tuần, VN-Index giảm 11,18 điểm (-0,88%) so với tuần trước. Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 125.907,48 tỷ đồng, tăng mạnh 34,3% so với tuần trước.

Trong bối cảnh đó,khối ngoại tiếp tục có tuần bán ròng mạnh với giá trị đột biến. Đà bán có sự đóng góp đáng kể bởi quỹ ETF ngoại lớn nhất trên thị trường là Fubon ETF, tập trung tại cổ phiếu bluechips. Tổng cộng nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 214,34 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 5.365 tỷ đồng, gấp hơn 3,2 lần về lượng và 2,2 lần về giá trị so với tuần trước đó, thậm chí vượt cả tháng 4 với giá trị bán ròng đạt 5.194 tỷ đồng.

Thống kê giao dịch trên HoSE

Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 4 phiên và mua ròng 1 phiên. Tổng cộng, khối này đã bán ròng 111,62 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 3.884,54 tỷ đồng, tăng 84,31% về lượng và 2,45% về giá trị so với tuần trước.

Trong đó, khối này mua vào 326,22 triệu đơn vị, giá trị đạt 8.437,57 tỷ đồng (tăng 17,2% về lượng và 2,45% về giá trị so với tuần trước); ngược lại bán ra 437,84 triệu đơn vị, giá trị bán ra đạt 17.322,11 tỷ đồng (tăng 29,2% về lượng và 18,67% về giá trị so với tuần trước).

Về diễn biến mua bán tuần qua, khối ngoại tập trung mua ròng mạnh nhất cổ phiếu DBC với giá trị 627 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng được nhà đầu tư nước ngoài gom mạnh với 224 tỷ đồng,. Hai mã NLG và HVN cũng được gom mạnh, trong đó mua ròng NLG 135 tỷ đồng và HVN 119 tỷ đồng sau 5 phiên của tuần qua.

Giao dịch khối ngoại tuần 20-24/5: Bán ròng hơn 5.300 tỷ đồng, một mã ngân hàng bị xả đột biến
Về diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HOSE tuần qua

Ngược lại tại chiều bán, hai cổ phiếu FPT và VHM với giá trị bán ròng lần lượt là 667 tỷ và 659 tỷ đồng. Với FPT, khả năng cao khối ngoại đã tiến hành chốt lời khi giá cổ phiếu tăng mạnh lên đỉnh lịch sử.

Thống kê giao dịch trên HNX

Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2 phiên và bán ròng 3 phiên. Tổng cộng trong tuần, khối này đã bán ròng 2,98 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 33,08 tỷ đồng. Cụ thể, khối này mua vào 11,47 triệu đơn vị, giá trị 329 tỷ đồng (giảm 1,73% về lượng và 11% về giá trị so với tuần trước); trong khi bán ra 14,45 triệu đơn vị, giá trị bán ra đạt 362,08 tỷ đồng (tăng 41,2% về lượng và 8,4% về giá trị so với tuần trước).

Về diễn biến, khối này mua ròng mạnh nhất cổ phiếu MBS với khối lượng đạt 1,13 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 36,38 tỷ đồng. Trong khi đó, IDC lùi về vị trí thứ 2 khi được mua ròng 0,43 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 27,37 tỷ đồng. Mặt khác, cổ phiếu SHS bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng 1,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị mua ròng đạt 24 tỷ đồng.

Về diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HOSE tuần qua
Về diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HNX tuần qua

Thống kê giao dịch trên UPCoM

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại vẫn bán ròng 5 phiên liên tiếp, tổng cộng bán ròng 99,75 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 1.447,99 tỷ đồng, tăng gấp gần 12 lần về lượng và 3,2 lần về giá trị so với tuần trước. Cụ thể, khối này mua vào 6,39 triệu đơn vị, giá trị đạt 380,22 đồng (tăng 54% về lượng và 87,62% về giá trị so với tuần trước); ngược lại bán ra 106,14 triệu đơn vị, giá trị 1.828,21 tỷ đồng (tăng gấp gần 8 lần về lượng và hơn 2,3 lần về giá trị so với tuần trước).

Trên UPCoM, cổ phiếu ABB của ABBank bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 883 tỷ đồng, hầu hết đều là bán thoả thuận trong hai phiên 21-22/5. Ngân hàng ABBank thông tin đây là hoạt động bán ra của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Lộ trình thoái vốn của IFC tại ABBank đã được hoạch định từ trước và được IFC thực hiện trong tháng 5. Trước đó, cổ đông lớn nước ngoài tại ABBank gồm Maybank (ngân hàng lớn nhất Malaysia) và IFC. Sau khi IFC hoàn thành giao dịch này, cổ đông lớn nước ngoài tại ABBank hiện có Maybank với tỷ lệ sở hữu là 16,4%.

Trên góc nhìn kỹ thuật của chứng khoán VCBS, VN-Index kết phiên với nến đỏ giảm điểm do áp lực bán lớn xuất hiện khiến thị trường rung lắc mạnh. Ở khung đồ thị ngày, VN-Index sau khi tiệm cận với đường MA20 đã chững lại và hồi lại khoảng 10 điểm so với mốc thấp nhất ngày, dải Bollinger band có xu hướng bó hẹp, và chỉ báo dòng tiền CMF vẫn neo ở vùng cao cho thấy thị trường vẫn đang nỗ lực duy trì vùng điểm sideway 1.260-1.280 điểm. Thanh khoản trong phiên gia tăng mạnh tuy nhiên dòng tiền vẫn có sự chủ động trong giao dịch nên diễn biến rung lắc tích lũy vẫn đang là chủ đạo và thị trường có thể sẽ có những phiên hồi phục trong tuần tới. Ở khung đồ thị giờ, chỉ báo RSI và MACD đã kéo xuống vùng thấp và VN-Index chạm đường biên dưới dải Bollinger band giúp củng cố cho nhận định trên.

Về chiến lược giao dịch, hiện tại thị trường vẫn duy trì được biên độ sideway và bên cạnh áp lực bán thì dòng tiền bắt đáy vẫn chủ động tham gia giúp VN-Index phần nào cân bằng lại. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư giữ tâm lý bình tĩnh, chốt lời đối với những cổ phiếu cho tín hiệu không vượt được kháng cự và giảm điểm mạnh trong những phiên rung lắc, đồng thời tận dụng những nhịp rung lắc để gia tăng tỉ trọng đối với những cổ phiếu khỏe, thu hút dòng tiền ổn định ở mức chiết khấu tốt thuộc một số nhóm ngành như hóa chất, ngân hàng

Khối ngoại "quay xe" mua ròng trong phiên VN-Index vượt mốc 1.280 điểm

Thị trường giao dịch tích cực trong phiên chiều khi các bluechip hút dòng tiền giúp VN-Index vượt mốc 1.280 điểm. Giao dịch khối ngoại ...

Nhận định chứng khoán phiên 24/5: Xu hướng lạc quan đang quay lại

Phiên tăng điểm hôm nay lấy lại toàn bộ điểm số đã mất trước đó và mốc hỗ trợ 1.258 - 1.260 điểm chưa bị ...

Khối ngoại xả bán FPT trong phiên VN-Index rơi 19 điểm

Thị trường chứng khoán phiên 24/5 khá tiêu cực khi lực bán xuất hiện kéo chỉ số VN-Index đóng cửa dưới mức tham chiếu. Giao ...

Anh Vũ

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán