Giao ban xúc tiến thương mại với thương vụ tháng 3/2025: Cơ hội từ thị trường Halal

(Banker.vn) Sáng 4/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025.
Giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống thương vụ tháng 10: Thông tin mới từ nhiều thị trường Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ tháng 9/2023 Thương vụ khuyến nghị hàng Việt khi xuất khẩu vào Mỹ

Halal - Thị trường nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025 được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. Cùng tham dự hội nghị có đại diện các Hiệp hội, ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Giao ban xúc tiến thương mại với thương vụ tháng 3/2025: Cơ hội từ thị trường Halal
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025. Ảnh Minh Trang

Giới thiệu về Halal và tiềm năng cũng như cơ hội phát triển các sản phẩm Halal, ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trung bình từ 6% đến 7% mỗi năm, cho thấy nền kinh tế nội địa vững mạnh với tiềm năng cao.

Việt Nam còn sở hữu nguồn nguyên liệu thô tiềm năng dồi dào cho ngành Halal, bao gồm cà phê, gạo, hải sản, sản phẩm nuôi trồng thủy sản, gia vị, các loại hạt, rau củ và trái cây, cho thấy khả năng lớn trong việc sản xuất các sản phẩm cuối cùng.

Giao ban xúc tiến thương mại với thương vụ tháng 3/2025: Cơ hội từ thị trường Halal
Ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) - Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Minh Trang

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã được công nhận là một trong những điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu vào năm 2018. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú, bao gồm nhà hàng Halal và dịch vụ ăn uống.

Do đó, ông Ramlan Bin Osman đánh giá: “Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, trị giá 3 nghìn tỷ USD nhưng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, với chưa đến 10% nhu cầu được thỏa mãn”.

Cơ hội phát triển thị trường Halal

Nhằm khai thác tiềm năng to lớn và cơ hội phát triển của thị trường sản phẩm Halal, một loạt chương trình và hội nghị đã được tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và các bên liên quan. Hội nghị bao gồm hai phiên chính, tập trung vào việc giới thiệu tiềm năng, cơ hội phát triển sản phẩm Halal tại Việt Nam và trên thế giới.

Phiên đầu tiên của hội nghị tập trung vào việc phác họa bức tranh toàn cảnh về thị trường Halal. Ông Ramlan Bin Osman, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, trình bày chi tiết về khái niệm Halal, những tiềm năng và cơ hội mà thị trường này mang lại. Đồng thời, ông cũng giới thiệu về HALCERT và các tiêu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực chứng nhận Halal, cung cấp nền tảng kiến thức quan trọng cho các doanh nghiệp quan tâm.

Tiếp theo, đại diện Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển Thị trường – Bộ Nông nghiệp và Môi trường chia sẻ về định hướng và các chính sách phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp thực phẩm Halal của Việt Nam. Những thông tin này mang tính định hướng chiến lược, giúp các doanh nghiệp nắm bắt được chủ trương của nhà nước trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp Halal.

Giao ban xúc tiến thương mại với thương vụ tháng 3/2025: Cơ hội từ thị trường Halal
Đại diện các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham dự trực tuyến Hội nghị. Ảnh Minh Trang

Bên cạnh đó, hội nghị sẽ lắng nghe đại diện doanh nghiệp đã và đang thâm nhập thị trường Halal chia sẻ những thuận lợi cũng như những thách thức, rào cản mà doanh nghiệp có thể gặp khi tiến thân vào thị trường Halal.

Bước sang phiên thứ hai, hội nghị tập trung vào phân tích xu hướng tiêu dùng các sản phẩm Halal và những cơ hội xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm. Điểm đặc biệt của phiên này là sự tham gia của các tham tán thương mại Việt Nam tại các quốc gia có thị trường Halal lớn và tiềm năng như Malaysia, Indonesia, UAE, Algeria, Maroc, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út và Nam Phi. Các tham tán đã đưa ra những đánh giá chuyên sâu về xu hướng tiêu dùng tại thị trường sở tại, đồng thời chỉ ra những cơ hội xuất khẩu cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam sang khu vực ASEAN, Trung Đông, Tây Nam Á và châu Phi.

Với những tiềm năng và cơ hội rộng mở, thị trường Halal đang trở thành một hướng đi quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược mở rộng xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức chứng nhận nhằm xây dựng một hệ sinh thái Halal bài bản, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về Hội nghị...

Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại tháng 3/2025 sẽ là bước tiến quan trọng, giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt xu hướng, tháo gỡ rào cản và tìm ra giải pháp hiệu quả để gia nhập sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu.

Phương Cúc - Minh Trang

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục