Gian lận đấu thầu tại Lương Sơn, Hòa Bình: Công ty dưới trướng đại gia Lương Minh Tường dùng hóa đơn giả

(Banker.vn) Công ty Xây dựng và Lắp máy Việt Nam bị phát hiện gian lận đấu thầu với hành vi sử dụng hóa đơn giả trong gói thầu 90 tỷ đồng tại Hòa Bình. Đây là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Phúc Lộc của đại gia Lương Minh Tường.

Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Lương Sơn vừa có Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thi công xây dựng công trình, Dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở Sông Bùi, đoạn từ ngầm nhà máy xi măng đi cầu Đồng Chúi, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn.

Trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng thương mại Mỹ Phong - Công ty CP Xây dựng và Thương mại Sông Đà. Gói thầu có giá 90.085.196.000 đồng, giá trúng thầu của liên danh ở mức 87.877.601.000 đồng; thời gian thực hiện trong 180 ngày.

Điều đáng nói, hồ sơ của Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cho thấy, trong quá trình xét thầu, tổ chuyên gia đã phát hiện hành vi gian dối của nhà thầu Công ty CP Tổng công ty Xây dựng và Lắp máy Việt Nam (Xây dựng và Lắp máy Việt Nam).

Sử dụng hóa đơn giả để đấu thầu

Tại Báo cáo đánh giá E-HSĐXKT, tổ chuyên gia đã loại Xây dựng và Lắp máy Việt Nam vì không đạt về năng lực, kinh nghiệm.

Báo cáo nêu, quá trình làm rõ E-HSDT, nhà thầu này cam kết tất cả tài liệu đính kèm đều trung thực. Tuy nhiên tại mục thiết bị thi công, tổ chuyên gia đã phát hiện Công ty có hành vi gian dối.

Cụ thể, Xây dựng và Lắp máy Việt Nam đề xuất máy nén khí Doosan HP750 thuê của Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc, có hợp đồng nguyên tắc và đính kèm hóa đơn do Công ty TNHH Vĩnh Phát phát hành với 6 danh mục, bao gồm 14 máy thiết bị, tổng giá trị hóa đơn 994,4 triệu đồng.

Nhận thấy hóa đơn có dấu hiệu tẩy xóa, thiếu minh bạch, tổ chuyên gia đã xác minh tại Tổng cục Thuế và xác nhận, hóa đơn này không tồn tại. Tổ chuyên gia kết luận, hóa đơn nhà thầu đính kèm trong E-HSDT là giả.

Công ty Xây dựng và Lắp máy Việt Nam thuộc hệ sinh thái Phúc Lộc bị phát hiện sử dụng hóa đơn giả và gian lận hồ sơ trong đấu thầu tại Hòa Bình
Công ty Xây dựng và Lắp máy Việt Nam thuộc hệ sinh thái Phúc Lộc bị phát hiện sử dụng hóa đơn giả và gian lận hồ sơ trong đấu thầu tại Hòa Bình

Với hành vi này, không chỉ bị loại, Xây dựng và Lắp máy Việt Nam sẽ đối mặt nhiều rắc rối, thậm chí bị xử lý theo quy định hiện hành nếu chủ đầu tư mạnh tay.

Tại khoản 2 Điều 27, Nghị định 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định, trong mọi trường hợp, nếu nhà thầu kê khai nhân sự chủ chốt, thiết bị chủ yếu không trung thực thì không được thay thế nhân sự, thiết bị khác, HSDT bị loại và nhà thầu sẽ bị coi là gian lận theo quy định khoản 4, Điều 16, Luật Đấu thầu.

Ngoài ra, các quy định hiện hành cũng buộc nhà thầu phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin công khai trên webfrom và file tài liệu đính kèm trong quá trình dự thầu; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của thông tin.

Báo cáo đánh giá E-HSĐXKT kết luận, bên mời thầu sẽ xem xét xử lý hành vi gian lận của Xây dựng và Lắp máy Việt Nam theo điểm a, khoản 1, Điều 125, Nghị định 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Chiếu theo quy định tại điểm này, Xây dựng và Lắp máy Việt Nam đối diện án cấm đấu thầu từ 3 đến 5 năm từ phía chủ đầu tư.

Đây là án phạt đích đáng, cũng là tin không vui cho Công ty CP Tổng công ty Xây dựng và Lắp máy Việt Nam. Dù có ‘tuổi đời’ gần 20 năm, doanh nghiệp này có thành tích khá khiêm tốn trong hoạt động đấu thầu các dự án đầu tư công.

Dữ liệu của Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cho thấy, đến nay Xây dựng và Lắp máy Việt Nam mới chỉ trúng 3 gói thầu trong tổng số 10 gói có tham gia. Từ đầu năm 2024 đến nay, doanh nghiệp được công bố trúng duy nhất 1 gói thầu.

Đó là gói thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, Dự án xây dựng khu dân cư tập trung xã Yên Phương, huyện Ý Yên (Nam Định); giá trúng thầu 60.982.729.000 đồng (quyết định phê duyệt vừa ký vào 24/9/2024).

Gói thầu đầu tay của Xây dựng và Lắp máy Việt Nam là liên danh cùng Tập đoàn Cường Thịnh Thi, một 'ông lớn' khác đất Ninh Bình
Gói thầu đầu tay của Xây dựng và Lắp máy Việt Nam là liên danh cùng Tập đoàn Cường Thịnh Thi, một 'ông lớn' khác đất Ninh Bình

Hai gói thầu còn lại từng về tay nhà thầu này đều ở quý 4/2018. Gồm: Gói thầu thi công XDCT Chỉnh trị tổng thể khu vực Ngòi Thia, Dự án chỉnh trị tổng thể khu vực Ngòi Thia, tỉnh Yên Bái. Gói này Xây dựng và Lắp máy Việt Nam liên danh cùng Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Nam Phong, giá trúng thầu 41.640.200.000 (phê duyệt 24/12/2018). Gói thầu thi công xây dựng kè 1, Dự án kè chống sạt lở bờ hữu sông Hồng thành phố Lào Cai, liên danh cùng Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, giá trúng thầu 296.453.524.000 đồng. Quyết định phê duyệt kết quả được ký vào 11/10/2018.

Bóng dáng đại gia tuổi Sửu - Lương Minh Tường

Công ty CP Tổng công ty Xây dựng và Lắp máy Việt Nam thành lập năm 2005, trước đây có tên là Công ty TNHH Phúc Lộc, một thành viên trong hệ sinh thái Phúc Lộc của doanh nhân Lương Minh Tường. Công ty đặt trụ sở tại Lô C, KCN Khánh Phú, xã Ninh Phúc, TP Ninh Bình, cũng là nơi đặt 'đại bản doanh' Tập đoàn Phúc Lộc (Phúc Lộc Group).

Ban đầu, Công ty này có vốn điều lệ 100 tỷ đồng gồm 2 cổ đông sáng lập là Lương Minh Tường (98% vốn điều lệ) và Lương Minh Tuyên (2% vốn điều lệ) giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Năm 2015, cơ cấu cổ đông của Công ty TNHH Phúc Lộc thay đổi, ông Lương Minh Tường không còn là cổ đông sáng lập. Thay vào đó là Tập đoàn Phúc Lộc với tỷ lệ sở hữu 99%, đồng thời vốn điều lệ tăng lên con số 250 tỷ đồng.

Đến tháng 2/2019, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty cổ phần - Tổng Công ty Xây dựng và Lắp máy Việt Nam. Cơ cấu cổ đông gồm Tập đoàn Phúc Lộc chiếm 90%, Chủ tịch Lương Minh Tuyên chiếm 5%, bà Lê Thu Trang chiếm 5%.

Hiện tại, đại diện pháp luật cho Công ty gồm Chủ tịch HĐQT Lương Minh Tuyên và Tổng giám đốc Ngô Doãn Tuân (SN 1984, thường trú huyện Xuân Trường, Nam Định).

Ông Lương Minh Tuyên (SN 1977), em trai đại gia Lương Minh Tường hiện đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng và Lắp máy Việt Nam
Ông Lương Minh Tuyên (SN 1977), em trai đại gia Lương Minh Tường hiện đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng và Lắp máy Việt Nam

Trở lại với hệ sinh thái Phúc Lộc của đại gia nổi danh Ninh Bình - ông Lương Minh Tường (SN 1973), Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc được thành lập tháng 4/2010. Sau nhiều lần thay đổi, đến tháng 9/2019, Tập đoàn Phúc Lộc có vốn điều lệ lên tới 2.689 tỷ đồng.

Bên cạnh Xây dựng và Lắp máy Việt Nam, các thành viên trong hệ sinh thái Phúc Lộc Group có thể kể đến Công ty CP – Tổng công ty Đầu tư phát triển KCN Phúc Lộc (thành lập tháng 3/2014); Công ty CP – Tổng công ty Địa ốc Phúc Lộc (thành lập tháng 6/2015), có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, với 99,8% vốn góp do Tập đoàn Phúc Lộc sở hữu.

Ngoài ra còn có loạt công ty khác, dàn trải ở nhiều địa phương như: Công ty CP Phúc Lộc Hải Phòng, Công ty CP Phúc Lộc Quảng Ngãi, Công ty CP Đầu tư BOT Lào Cai – Sa Pa, Tổng công ty Đầu tư PPP Việt Nam – CTCP...

Về Tập đoàn Phúc Lộc, không thể không nhắc tới màn thâu tóm Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8).

Tháng 10/2015, giới đầu tư đầy bất ngờ khi đại gia Lương Minh Tường được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cienco 8. Trong khoảng thời gian trước đó, doanh nhân này cùng vợ là Đinh Thị Hương Giang đã âm thầm thâu tóm, để sở hữu đến 51,99% cổ phần doanh nghiệp ngành giao thông sau khi các cổ đông lớn khác thoái vốn.

Nhiều dự án liên quan Tập đoàn Phúc Lộc từng bị Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm
Nhiều dự án liên quan Tập đoàn Phúc Lộc từng bị Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm

Quay lại thời điểm đầu năm 2014 theo phương án cổ phần hóa DNNN, vốn điều lệ Cienco 8 là 350 tỷ đồng, tương ứng 35 triệu cổ phần, trong đó Nhà nước nắm 49% vốn điều lệ (17,15 triệu cổ phần). Theo phương án, 21% cổ phần Công ty được bán cho cổ đông chiến lược; 28,6% cổ phần được bán đấu giá công khai; còn 1,4% cổ phần phát hành cho người lao động.

Nhóm cổ đông chiến lược đầu tư vào Cienco 8 gồm CTCP Cầu đường Long Biên góp 35 tỷ đồng (chiếm 10% tỷ lệ vốn điều lệ), Công ty CP Đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC góp 21 tỷ đồng (chiếm 6% tỷ lệ vốn điều lệ) và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam góp 17,5 tỷ đồng (chiếm 5% tỷ lệ vốn điều lệ).

Sau đó không lâu, các cổ đông chiến lược này đã âm thầm thoái vốn, mở đường cho vợ chồng đại gia Lương Minh Tường thâu tóm như đã đề cập. Bên cạnh đó, ông Tường cũng gia tăng lượng sở hữu tại Cienco 8 qua việc mua cổ phần Nhà nước.

Với việc thâu tóm Cienco 8, Phúc Lộc Group đã góp mặt trong những dự án hạ tầng giao thông ‘khủng’, trong đó phải kể đến Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu (Thái Nguyên) theo hình thức đầu tư đối tác công tư PPP - Hợp đồng BT. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 18.211,61 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, nhiều dự án do Tập đoàn Phúc Lộc triển khai đã vướng không ít lùm xùm, sai phạm.

Mới đây vào quý 1/2024, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra về một số nội dung tại tỉnh Ninh Bình, trong đó chỉ rõ hàng loạt sai phạm liên quan Khu công nghiệp Phúc Sơn, dự án do Công ty CP – Tổng công ty Đầu tư phát triển KCN Phúc Lộc làm chủ đầu tư, gồm có các sai phạm về đất đai, nghĩa vụ tài chính.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành thông báo kết luận thanh số 1348 ngày 9/8/2019, trong đó chỉ rõ nhiều sai phạm của Phúc Lộc Group trong quá trình thực hiện Dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và Dự án dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa theo hình thức BT tại Bình Định.

Cao Thái

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục