Gián đoạn chuỗi cung ứng, giá xuất khẩu cà phê tiếp tục đi lên mức cao nhất

(Banker.vn) Gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng ở biển Đỏ leo thang đã đẩy giá xuất khẩu cà phê Robusta tăng 2,94%, giá Arabica tăng mạnh 3,83%, lên mức cao nhất.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh Lo ngại chuỗi cung ứng vận chuyển bị gián đoạn, giá cà phê xuất khẩu tiến tới vùng cao nhất

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 22/1, giá Arabica tăng mạnh 3,83%, lên mức cao nhất trong ba tuần. Giá Robusta cao nhất 16 năm sau khi tăng 2,94% so với tham chiếu. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp vấn đề do căng thẳng Biển Đỏ thì lượng tồn kho cà phê giảm lại làm dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung cục bộ.

Gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cà phê xuất khẩu tiếp tục đi lên mức cao nhất
Giá Arabica tăng mạnh 3,83%, lên mức cao nhất trong ba tuần. Giá Robusta cao nhất 16 năm sau khi tăng 2,94% so với tham chiếu

Trong báo cáo kết phiên 19/1, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US giảm mạnh 10.702 bao loại 60kg, đưa tổng số bao cà phê đã qua chứng nhận còn 253.108 bao. Đây là một bước đi lùi so với quá trình hồi phục hai tháng trở lại đây. Hơn thế, sự đi xuống của tồn kho Arabica đạt chuẩn trong giai đoạn Robusta đang thiếu hụt do căng thẳng Biển Đỏ cũng đưa đến khả năng nhu cầu về Arabica tăng lên nhưng nguồn cung trên thị trường chưa kịp thích ứng.

Trước đó, Hiệp hội Cà phê và Cacao tại Brazil cho biết, quốc gia Nam Mỹ này đã xuất đi 3,78 triệu bao cà phê dạng hạt, tăng 31% so với tháng 12/2022. Dự kiến sản lượng cà phê trong năm 2024 của Brazil đạt 58,08 triệu bao loại 60kg, tăng 5,5% so với năm 2023.

Tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU đang ở mức thấp lịch sử với 30.010 tấn cũng góp phần gây sức ép lên nguồn cung, bên cạnh lo ngại tình trạng hạn chế bán cà phê của nông dân Việt Nam.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (23/1), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng đồng loạt tăng 400 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 72.200 - 72.900 đồng/kg.

Năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ của giá cà phê trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là yếu tố chính giúp cho ngành cà phê tiếp tục gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu dù sản lượng sụt giảm.

Tính bình quân năm 2023, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022. Mặc dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được cơ hội của thị trường. Số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp FDI đã tăng tới 17,3% so với năm 2022 lên 1,7 tỷ USD. Ngược lại, các doanh nghiệp 100% vốn trong nước giảm 2,6% xuống còn hơn 2,5 tỷ USD.

Gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cà phê xuất khẩu tiếp tục đi lên mức cao nhất
Năm 2023, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022.

Thị phần của của doanh nghiệp FDI theo đó đã tăng lên mức 40% trong năm 2023 từ 36% của năm 2022. Trong khi, thị phần của các doanh nghiệp trong nước thu hẹp xuống còn 60% từ mức 64% của năm trước đó.

Theo các chuyên gia dự báo, xuất khẩu cà phê của nước ta có thể sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới trong năm 2024, khi cà phê còn nhiều dư địa để duy trì mức giá cao. Giá Robusta trên thị trường thế giới được dự báo sẽ không giảm cho đến khoảng hết nửa đầu năm 2024 do lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cùng căng thẳng trên Biển Đỏ. Giá Arabica cũng chưa thể giảm do tồn kho đạt chuẩn vẫn đang rất thấp.

Tình hình nguồn cung cà phê thế giới trong năm 2024 được các cơ quan chuyên môn dự báo khá lo ngại khi sản lượng tại các quốc gia xuất khẩu đứng đầu đều giảm mạnh.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu cho biết căng thẳng tại Biển Đỏ có thể khiến 1 container đi qua khu vực châu Âu bị đội chi phí thêm từ 1.000 - 2.000 USD. Giờ đây, châu Âu gần như chỉ có thể trông vào Việt Nam để mua cà phê Robusta. Dẫn đến tình trạng kháng giá tại thị trường trong nước và cả Indonesia.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục