Giảm thuế giá trị gia tăng không đồng nghĩa giảm thu ngân sách

(Banker.vn) Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, sau gần 3 năm thực hiện hỗ trợ miễn giảm thuế phí, tổng thu ngân sách nhà nước vẫn đạt và tăng so với kế hoạch dự toán ngân sách.
Xem xét giảm thuế giá trị gia tăng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giảm thuế giá trị gia tăng

Chiều 20/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đọc tờ trình của Chính phủ “Về việc giảm thuế giá trị gia tăng” cũng như làm rõ một số điều đại biểu Quốc hội nêu.

Đề nghị tiếp tục hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, theo dự báo thời gian tới tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Giảm thuế giá trị gia tăng không đồng nghĩa giảm thu ngân sách
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc (Ảnh: Quochoi.vn)

Qua 4 tháng thực hiện (tháng 7, 8, 9 và tháng 10 năm 2023), chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 15,6 nghìn tỷ đồng, đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ; từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị, tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.

Về đánh giá tác động, Bộ trưởng Tài chính cho hay, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì dự kiến số giảm thu Ngân sách nhà nước khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ; từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.

Giảm thuế không làm giảm thu ngân sách nhà nước

Góp ý về đề xuất giảm thuế GTGT, đại biểu Nguyễn Duy Thanh – đoàn Cà Mau thống nhất với đề xuất của Chính phủ, bởi dự báo thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn do biến động địa chính trị và nguy cơ chi phối kinh tế. Từ đó, tăng trưởng kinh tế năm 2024 phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng trong nước, trong khi đó thuế GTGT tác động trực tiếp đến giảm giá bán sản phẩm, hàng hóa dịch vụ và tăng nhu cầu tiêu dùng. Tổng cầu tiêu dùng trong nước vẫn duy trì mức tăng trên dưới 10% năm 2023 bất chấp tác động tiêu cực từ thu nhập, việc làm và niềm tin tiêu dùng chứng tỏ giảm thuế GTGT đã phát huy giá trị, cần thiết được tiếp nối trong năm 2024.

Giảm thuế giá trị gia tăng không đồng nghĩa giảm thu ngân sách
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - đoàn Cà Mau (Ảnh: Quochoi.vn)

Hơn nữa, đề xuất giảm 2% thuế GTGT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% còn 8% là phù hợp với thực tiễn áp dụng năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị cần cân nhắc áp dụng chung một mức giảm thuế GTGT cho tất cả các hàng hóa dịch vụ có mối quan hệ khăng khít với nhau. Việc phân biệt đối tượng giảm thuế GTGT làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế, tạo ra sức bất bình đẳng trong thị trường.

Qua nghiên cứu hồ sơ Tờ trình của Chính phủ về việc “giảm thuế giá trị gia tăng” và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Dương Khắc Mai- Đoàn tỉnh Đắk Nông bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế GTGT để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần giảm giá hàng hóa dịch vụ, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Giảm thuế giá trị gia tăng không đồng nghĩa giảm thu ngân sách
Đại biểu Dương Khắc Mai- đoàn Đắk Nông (Ảnh:Quochoi.vn)

Theo đại biểu, Nghị quyết số 43 chỉ giảm thuế GTGT cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%. Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội đã thay đổi, nhiều ngành, lĩnh vực không được giảm thuế theo Nghị quyết số 43 cũng đang rất khó khăn như: Kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán…. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có đánh giá lại tình hình thực tế hiện nay để có quy định về phạm vi áp dụng của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp.

Trước đó, phỏng vấn bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân đã bày tỏ quan điểm để kích cầu tiêu dùng nội địa, cần tiếp tục kéo dài thời gian áp dụng giảm thuế GTGT xuống 8% đến hết tháng 6/2024.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, qua 3 năm thực hiện miễn, giảm thuế phí và tiền thuê đất cho thấy tổng thu ngân sách nhà nước vẫn đạt và tăng so với dự toán, góp phần kéo giảm bội chi ngân sách và nợ công. Vì vậy, còn nhiều dư địa để thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí.

Giảm thuế giá trị gia tăng không đồng nghĩa giảm thu ngân sách
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - đoàn TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thu Hường)

Miễn giảm, thuế, phí và tiền thuê đất giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhất định. Quan trọng hơn giúp người dân có điều kiện trang trải chi phí mua hàng hóa với giá thấp hơn do giảm thuế GTGT 2% trên các sản phẩm hàng hóa có thuế 10%, từ đó giúp cho tổng cầu hàng hóa đỡ bị suy giảm, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.”- đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay.

Với quyết tâm cao, sự đồng lòng của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế của Việt Nam đã có sự cải thiện qua từng quý. Đơn cử, quý 1 nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng 3,3%; quý 2 tăng 4,1% và quý 3 là 5,33%.

Cần có đánh giá tác động toàn diện đến nền kinh tế

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – đoàn Hải Dương đề nghị Chính phủ phân tích rõ tác động của chính sách đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Giảm thuế giá trị gia tăng không đồng nghĩa giảm thu ngân sách
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – đoàn Hải Dương (Ảnh:Quochoi.vn)

Đại biểu Việt Nga nhận thấy, Tờ trình chưa phân tích một cách thuyết phục hiệu quả tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tiêu dùng nhờ chính sách này. Chỉ số tăng ở mức bán lẻ trong 4 tháng của năm 2023 nhờ áp dụng chính sách còn chưa rõ. Do đó, đề nghị cần làm rõ hơn tăng mức bán lẻ hàng hóa của năm 2023 còn kém hơn năm 2022 có phải do chính sách giảm thuế mới chỉ áp dụng trong 6 tháng, trong khi năm 2022 áp dụng cho cả 11 tháng hay không?

Như vậy, kết quả kích cầu được nêu trong Tờ trình của Chính phủ chưa rõ. Bên cạnh đó, đại biểu Việt Nga cho rằng, tác dụng của chính sách này với việc tạo công ăn việc làm cho người lao động cũng cần được đánh giá một cách đầy đủ.

Một số đại biểu cho rằng, cần thiết phải đánh giá kỹ lượng tác động của việc giảm thuế GTGT lên phát triển kinh tế trong hơn 2 năm thực hiện vừa qua trước khi quyết định giảm thuế GTGT. Một số khác cho rằng cần thực hiện giảm thuế GTGT đối với các hàng hóa, dịch vụ đang áp thuế 10% đến hết tháng 6/2024. Tuy nhiên cũng có một số đại biểu đề nghị giảm thuế GTGT cho tất cả các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và thời gian thực hiện đến hết tháng 12/2024.

Giảm thuế GTGT chỉ áp dụng trong ngắn hạn

Giải trình ý kiến đại biểu về đề xuất tại sao giảm thuế GTGT đối với một số đối tượng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đề xuất này nhằm giảm áp lực ngân sách nhà nước. Việc giảm thuế GTGT chỉ là một trong nhiều biện pháp và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, không có tác dụng trong dài hạn, do vậy vẫn cần triển khai các giải pháp lâu dài nhằm tăng trưởng GDP.

Việc đề xuất giảm thuế GTGT chỉ áp dụng trong ngắn hạn, bởi thuế tác động đến việc nâng cao năng lực tài chính công, muốn vậy phải tăng thuế suất… Do vậy, trong ngắn hạn, giảm thuế để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sau đó sẽ tăng thuế suất – đây là xu thế tất yếu; song song với đó sẽ áp dụng các biện pháp kích cầu khác để thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Về câu hỏi đại biểu băn khoăn liên quan đến thời gian áp dụng giảm thuế GTGT, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của chính sách này báo cáo Quốc hội.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương