Giảm thiểu rác thải nhựa từ hoạt động du lịch

(Banker.vn) Du lịch đã đóng góp tích cực cho kinh tế, tuy nhiên hoạt động của du khách cũng góp phần làm tăng rác thải nhựa ra môi trường.
Thành phố Phú Quốc xây dựng “Trạm tập kết xanh” nhằm giảm rác thải nhựa Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương:Nước mắt của biển và hành động của chúng ta - Bài 1

Ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề thách thức lớn trên toàn cầu do gây ra những tác động rất nguy hại tới môi trường đặc biệt môi trường biển. Ngày càng có nhiều quốc gia nêu ra các sáng kiến tuyên bố khu vực nhằm kêu gọi hành động toàn cầu về ô nhiễm nhựa, xem xét đến các yếu tố có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Giảm thiểu rác thải nhựa từ hoạt động du lịch

Tại Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề rác thải nhựa, năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Thời gian qua, tăng trưởng của ngành du lịch đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của du khách cũng góp phần làm tăng rác thải nhựa ra môi trường.

Theo Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), năm 2018 Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất thế giới, với khối lượng rác thải nhựa ra biển từ 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển, đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất.

Riêng đối với hoạt động du lịch, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi ni lông/ngày; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần.

Trước thực trạng này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chủ động huy động các nguồn lực, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp thành viên trong vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa. Thông qua đó đề xuất Dự án hướng tới mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch đã được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường Toàn cầu (UNDP/GEF SGP) chấp thuận tài trợ thực hiện trong hai năm 2023 và 2024.

Theo đó, Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam có mục tiêu thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của ngành du lịch, cũng như phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.

Đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; Thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam; Xây dựng Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng (apps) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.

Dự án được thực hiện với sự phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình, Quảng Nam, chính quyền các xã triển khai Dự án (UBND xã Gia Vân, Gia Hòa, Ninh Bình).

Dự án gồm 3 hợp phần: Rác thải, trong đó có rác thải nhựa là mối quan tâm hàng đầu của nhiều cơ quan, nhiều bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch hành động và nhiều địa phương phát triển du lịch đã triển khai một số hoạt động nhằm hạn chế rác thải nhựa.

Tại Hội thảo khởi động Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam, thực hiện từ tháng 1.2023 đến tháng 6.2024 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức ngày 16/2, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - ông Vũ Thế Bình cho hay, với trách nhiệm của ngành du lịch, đối tượng hướng đến của Dự án là đối tượng kinh doanh du lịch, hoạt động lịch, họ làm tốt việc của mình thì mới thu hút được khách du lịch. Bởi vì rác thải là thứ dễ nhìn và dễ bị phản ánh, tác động trực tiếp đến thu nhập của ngành du lịch. Do đó, đây là việc phải làm ngay, làm trước.

Qua việc triển khai dự án, theo ông Vũ Thế Bình, các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi hướng tới giảm trong du lịch được sẽ được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về giảm thiểu rác thải nhựa.

Đồng thời, áp dụng triển khai thí điểm các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số nhà hàng, khách sạn, khu, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam và được phổ biến, nhân rộng trên phạm vi cả nước; Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa được cũng sẽ được xây dựng, áp dụng thí điểm và ban hành…

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục