Giám sát đầu tư dự án sân bay Long Thành, đường Vành đai 4, cao tốc Bắc - Nam

(Banker.vn) Giám sát thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia: Dự án sân bay Long Thành; đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đôn đốc tiến độ dự án sân bay Long Thành Gây ô nhiễm bụi khi thi công Sân bay Long Thành, ACV bị phạt 270 triệu đồng ACV trình phương án giảm bụi tại sân bay Long Thành

Sáng 18/8, tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Cụ thể, dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát

Trình bày dự thảo Kế hoạch giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, mục đích kế hoạch giám sát chi tiết nhằm đánh giá toàn diện, khách quan kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành văn bản, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Đồng thời, kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế; rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong các trường hợp tương tự; các cơ chế, chính sách, giải pháp đặc thù triển khai các dự án quan trọng quốc gia, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án.

Đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong thời gian tới và trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Căn cứ các văn bản hiện hành của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành, ông Lê Quang Mạnh cho hay, nội dung giám sát tập trung vào: Việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách quy định tại Nghị quyết số 43/2023/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia (Dự án Sân bay Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).

Về đối tượng giám sát gồm: Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Về phạm vi giám sát, việc thực hiện Nghị quyết số 43/2023/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: từ khi ban hành Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2023 và các thời kỳ trước, sau có liên quan trên phạm vi cả nước; việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng quốc gia nêu trên: Từ khi ban hành Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2023 và các thời kỳ trước, sau có liên quan theo từng dự án cụ thể.

Đoàn giám sát dự kiến giám sát trực tiếp tại các Bộ, ngành, địa phương: Bộ, ngành (8 đơn vị) gồm: Các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Các cơ quan: Kiểm toán nhà nước, Ngân hàng nhà nước. Đoàn giám sát sẽ mời các cơ quan này làm việc tại Nhà Quốc hội.

Địa phương (10 tỉnh, thành phố) gồm: Thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Cần Thơ, Sóc Trăng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đoàn giám sát giám sát trực tiếp tại địa phương trên thực địa và qua báo cáo giám sát.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương