Đó là nhận định của Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Giám đốc kiêm Luật sư điều hành của Công ty Luật TNHH Phước và Các Cộng Sự (Phuoc & Partners) về những phản hồi của doanh nghiệp liên quan đến Công văn số 1798/TCT-TTKT (Công văn 1798) ngày 16/5/2023 của Tổng cục Thuế về việc “Rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp”.
Doanh nghiệp vẫn sẽ bị xử phạt nếu thuộc các trường hợp luật định
Phóng viên: Thời gian vừa qua, có rất nhiều phản hồi, đặc biệt là từ phía doanh nghiệp liên quan đến Công văn 1798. Dưới góc độ là luật sư, ông đánh giá như thế nào về Công văn này?
Luật sư Nguyễn Hữu Phước: Đúng là trong thời gian qua, công ty luật chúng tôi có nhận được khá nhiều phản hồi và quan điểm khác nhau của khách hàng liên quan đến thực tế áp dụng Công văn số 1798 của Tổng cục Thuế về việc “Rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp”.
Có thể thấy rằng mục tiêu chính của Công văn 1798 là tăng cường tính minh bạch trong việc phát hành và sử dụng hóa đơn thuế GTGT của doanh nghiệp. Theo quy định tại các Điều 17.8 và 19.2 Luật Quản lý thuế, các cơ quan thuế địa phương có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và người nộp thuế có nghĩa vụ chấp hành yêu cầu của cơ quan thuế.
Trên thực tế, bởi tính chất đặc trưng của các tội phạm về thuế ở Việt Nam, hầu hết các hành vi vi phạm về thuế thường diễn ra có sự thông đồng, giúp sức giữa các cá nhân, tổ chức với nhau. Vì vậy, việc Tổng cục Thuế yêu cầu các doanh nghiệp liên quan phải giải trình, trong một chừng mực nào đó, là có căn cứ pháp lý và cũng nhằm mục đích hạn chế việc bỏ sót tội phạm về thuế.
Tuy nhiên, điều này vô hình trung đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Một vấn đề khiến doanh nghiệp rất băn khoăn là tại sao Tổng cục Thuế lại yêu cầu doanh nghiệp tự giải trình trong khi pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng đã có các quy định rõ ràng về tội trốn thuế và mua bán trái phép hoá đơn.
Thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ (bên mua) không thể tự mình chủ động kiểm tra được tính hợp pháp của hoá đơn thuế GTGT được xuất từ các doanh nghiệp bán hàng hóa hay cung cấp dịch vụ (bên bán) cũng như không thể kiểm soát tình trạng hoạt động của bên bán, ví dụ như trường hợp bên bán bỏ trốn, ngừng hoạt động.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp có thay đổi người quản lý, kế toán thì việc giải trình lại càng khó khăn hơn, nhất là đối với các giao dịch mua bán diễn ra đã lâu vì những người quản lý, kế toán hiện tại không nắm đầy đủ thông tin. Từ đó, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầy đủ các hồ sơ thanh toán, chứng từ liên quan để giải trình chính xác, đúng thời gian theo yêu cầu.
Do đó, có thể Tổng cục Thuế cần cung cấp hướng dẫn cụ thể hơn để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải trình một cách hiệu quả, tránh gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp và trong một số trường hợp mà việc giải trình được cho là bất khả thi.
Phóng viên: Trên diễn đàn thuế, nhiều kế toán chia sẻ các doanh nghiệp đang phải giải trình rất mệt mỏi, thậm chí bị phạt hành chính dù đã cung cấp đầy đủ giấy tờ, hóa đơn. Theo ông, ở góc độ này doanh nghiệp bị phạt là đúng hay sai?
Luật sư Nguyễn Hữu Phước: Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp mua hàng hóa hoặc nhận cung cấp dịch vụ sẽ không bị phạt vi phạm hành chính và vẫn có thể hạch toán hoá đơn thuế GTGT vào chi phí trong trường hợp doanh nghiệp thực tế có mua hàng hóa hay nhận cung cấp dịch vụ và được xuất hoá đơn thuế GTGT hợp pháp trước thời điểm doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ bị cơ quan thuế xác định là doanh nghiệp bỏ trốn hoặc trước ngày các cơ quan chức năng có thẩm quyền kết luận đó là hoá đơn không hợp pháp.
Đơn cử như thời gian gần đây, chúng tôi có tư vấn một trường hợp liên quan đến việc yêu cầu doanh nghiệp giải trình sử dụng hoá đơn thuế GTGT không hợp pháp do có phát sinh giao dịch có liên quan đến doanh nghiệp có rủi ro về thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế, thời điểm phát sinh giao dịch là vào năm 2019. Theo đó, chúng tôi đã hỗ trợ khách hàng giải trình cùng với các tài liệu hỗ trợ có liên quan, bao gồm biên bản giải trình với cơ quan thuế trong đó ghi nhận nội dung thời điểm xác lập giao dịch, mục đích mua hàng và nhận cung cấp dịch vụ, thời điểm thanh toán, mã số hoá đơn; hợp đồng mua bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ được xác lập hợp pháp giữa các bên; biên bản giao nhận hàng hóa, nhận cung cấp dịch vụ; văn bản thanh lý hợp đồng; chứng từ thanh toán. Sau khi đã nộp đầy đủ hồ sơ trên, chúng tôi đã nhận được văn bản phúc đáp của cơ quan thuế mà theo đó khách hàng chúng tôi được phép hạch toán vào chi phí, được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và không bị phạt vi phạm hành chính.
Nếu khi giải trình mà cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp vi phạm theo Điều 142.2 Luật Quản lý thuế (khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu) hoặc Điều 143 Luật Quản lý thuế (hành vi trốn thuế) thì doanh nghiệp mua hàng hóa hay nhận cung cấp dịch vụ sẽ bị phạt vi phạm hành chính.
Trong tình huống này, doanh nghiệp có thể lập luận rằng việc xử phạt như thế là không hợp lý nếu thực chất có tồn tại giao dịch mua bán hay cung cấp dịch vụ như vậy giữa doanh nghiệp bên mua và doanh nghiệp bên bán (một số doanh nghiệp hoàn toàn có đủ các tài liệu, chứng từ cần thiết để chứng minh cho việc này).
Tuy nhiên, tôi cho rằng các cơ quan thuế vốn thường có quan điểm cứng rắn trong việc ngăn chặn, xử lý các tội phạm về thuế và hóa đơn nên doanh nghiệp vẫn còn khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính nếu thuộc các trường hợp pháp luật có quy định.
Cơ quan thuế cần tăng cường phối hợp với ngân hàng thương mại để khoanh vùng các doanh nghiệp có khả năng vi phạm
Phóng viên: Như ông vừa nói ở trên, doanh nghiệp vẫn có thể bị xử phạt nếu thuộc các trường hợp luật định. Vậy theo ông, cơ quan thuế có cách giải quyết nào có thể vừa đảm bảo việc ngăn chặn sai phạm, vừa không bị phản hồi là “làm khó” cho doanh nghiệp?
Luật sư Nguyễn Hữu Phước: Trong thời gian qua, các cơ quan điều tra có thẩm quyền đã phát hiện và tiến hành xử lý nhiều vụ án phức tạp có liên quan đến việc mua, bán hóa đơn thuế GTGT không hợp pháp. Do đó, trong phạm vi, quyền hạn của các cơ quan thuế địa phương, một số phương án mà các cơ quan thuế có thể cân nhắc thực hiện như sau:
Cơ quan thuế cần thường xuyên cập nhật danh sách các doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn để thông báo kịp thời đến các doanh nghiệp qua những kênh liên lạc phổ biến giữa hai bên, tránh trường hợp giao dịch với các doanh nghiệp đã thuộc diện rủi ro về thuế, hóa đơn;
Tại thời điểm yêu cầu doanh nghiệp giải trình, cơ quan thuế cần xác định thời điểm ghi nhận hoá đơn đầu vào của doanh nghiệp. Nếu tại thời điểm mua hàng hóa hay nhận cung cấp dịch vụ, bên bán vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường và bên mua chứng minh được rằng giao dịch giữa hai bên là hợp lệ bằng hóa đơn, chứng từ hợp pháp thì bên mua vẫn được phép hạch toán hóa đơn vào chi phí được trừ;
Các cơ quan thuế cần tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại để khoanh vùng các doanh nghiệp có khả năng vi phạm về hóa đơn. Một số trường hợp thường thấy là các doanh nghiệp mới thành lập, quy mô hay vốn điều lệ nhỏ nhưng lại có nhiều giao dịch giá trị lớn hơn vốn chủ sở hữu thường xuyên thì cơ quan thuế cần đưa vào diện kiểm soát thuế, hóa đơn;
Cơ quan thuế cần triển khai việc thanh kiểm tra thuế định kỳ hằng quý, hằng năm để giám sát kỹ tình hình phát hành và sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.
Phóng viên: Đó là về phía cơ quan thuế, còn các doanh nghiệp chi thật, mua hàng hóa thật thì nên làm thế nào để tránh gặp phải những rủi ro không mong muốn, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Hữu Phước: Các doanh nghiệp chi thật và mua thật có thể thực hiện một số biện pháp sau đây để giảm bớt các trường hợp có liên quan đến việc sử dụng hóa đơn thuế GTGT và chứng từ không hợp pháp:
Doanh nghiệp cần bố trí người cập nhật liên tục và kịp thời danh sách các doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn đã được cơ quan thuế liệt kê và tránh giao dịch với các doanh nghiệp thuộc diện rủi ro về thuế;
Doanh nghiệp cần ứng dụng linh hoạt một số cách thức hợp pháp nhằm xác minh thông tin về doanh nghiệp bán hàng trước khi quyết định giao dịch. Hiện nay, doanh nghiệp có thể nhanh chóng kiểm tra thông tin của các doanh nghiệp khác trên cổng thông tin đăng ký kinh doanh, trang thông tin người nộp thuế, trang web của doanh nghiệp, thực tế kiểm tra địa điểm trụ sở, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp bán hàng;
Doanh nghiệp cần lập hồ sơ lưu trữ các tài liệu có liên quan đến việc xác lập, thực hiện và hoàn tất của giao dịch, ví dụ như hợp đồng mua bán hay cung cấp dịch vụ, biên bản nghiệm thu, chứng từ thanh toán.... Các tài liệu này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình giải trình, làm việc và chứng minh với cơ quan thuế về việc doanh nghiệp thực sự có mua hàng hóa hay nhận cung cấp dịch vụ từ doanh nghiệp bên bán;
Doanh nghiệp có thể ràng buộc nghĩa vụ và yêu cầu cam kết của doanh nghiệp bên bán trong hợp đồng mua bán hàng hóa hay cung cấp dịch vụ về việc doanh nghiệp bên bán đang sử dụng hoá đơn thuế GTGT hợp pháp và cam kết không vi phạm các quy định hiện hành về hóa đơn, thuế. Nếu bị phát hiện vi phạm, ngoài chịu trách nhiệm trước pháp luật, doanh nghiệp bên bán còn phải gánh chịu các chế tài thương mại theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của Luật Thương mại (ví dụ như phạt vi phạm, buộc bồi thường thiệt hại, hủy bỏ hợp đồng....).
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Minh Đức
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|