Giải pháp tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu

(Banker.vn) Tiếp cận giải pháp tài chính trên nền tảng công nghệ cao làm tăng khả năng quay vòng vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu, giảm rủi ro trong giao dịch tài chính.
Bài 2: Các doanh nghiệp xuất khẩu đề xuất gì? Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Chiều 12/9, tại TP. Đà Nẵng diễn ra Hội thảo giải pháp tài chính cho chuỗi cung ứng doanh nghiệp do Sở Công Thương TP. Đà Nẵng phối hợp với Liên minh Hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (VISA) tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, kinh tế thế giới năm 2023 nhiều biến động, tăng trưởng kinh tế liên tục được điều chỉnh xuống thấp hơn đáng kể so với dự báo ban đầu đưa ra từ đầu năm.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) công bố ngày 26/5 cho thấy, doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn khi thiếu hụt đơn hàng; khó tiếp cận vốn vay; vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật; nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế.

Giải pháp tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu
Một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay là tiếp cận vốn vay

“Tại hội thảo Giải pháp tài chính cho chuỗi cung ứng doanh nghiệp sẽ phân tích tầm quan trọng của tài chính trong chuỗi cung ứng, tư vấn cho doanh nghiệp cách tiếp cận nguồn vốn và việc sử dụng các gói tài trợ sao cho hiệu quả, giải quyết đúng vấn đề doanh nghiệp chúng ta đang gặp phải là có đơn hàng mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đã thông tin đến các doanh nghiệp các nội dung chính về xây dựng mô hình nhà máy hợp chuẩn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; giải pháp tài chính thông qua chương trình hỗ trợ xuất khẩu của Olea.

Theo ông Huỳnh Thanh Trung – Giám đốc Công ty CP Leanwares, Thành viên Liên minh hỗ trợ công nghiệp Việt Nam, việc xây dựng nhà máy đạt chuẩn là xu thế bắt buộc để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Trung cho biết, thực tế nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt khi ra thị trường thế giới chất lượng sản phẩm không cao nhưng giá thành lại cao hơn so với một số quốc gia có sản phẩm cùng loại như Thái Lan. “Chúng tôi có làm việc với các buyer để mong muốn kéo các đơn hàng về Việt Nam nhưng khi báo giá thì sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam lúc nào cũng cao hơn ít nhất 30% so với giá họ mua ở Trung Quốc”, ông Trung nói. Điều đó cho thấy doanh nghiệp cần phải xây dựng (set up) một nhà máy hợp chuẩn để đảm bảo năng lực cạnh tranh với chính doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp quốc tế cùng loại.

Việc set up nhà máy như thế nào phụ thuộc vào thị trường và phân khúc của doanh nghiệp chọn. Xuất khẩu ở thị trường châu Âu, châu Mỹ khác xuất khẩu qua thị trường châu Á… Tiêu chuẩn này được coi là “visa” cho sản phẩm của doanh nghiệp và là cơ sở để quyết định việc bán được hàng hay không.

Giải pháp tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu
Bán khoản phải thu từ doanh nghiệp mua hàng cho Olea sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu tăng khả năng quay vòng vốn

Chia sẻ về giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu, bà Bùi Thị Hồng Lê – Giám đốc thương mại Olea tại Việt Nam cho biết hiện các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khi phải đợi một thời gian khá lâu (khoảng 30 ngày, thậm chí hàng trăm ngày) để nhận được thanh toán từ phía đối tác xuất khẩu. Việc kéo dài thời gian này cũng làm tăng rủi ro trong giao dịch tài chính.

Vì vậy, Olea cung cấp giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất thông qua việc các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bán khoản phải thu của doanh nghiệp mua hàng cho Olea.

Cụ thể, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ thông tin về người mua hàng cho Olea. Olea với lợi thế sẵn có về dữ liệu Data lớn sẽ đánh giá người mua có đủ tốt hay không. Nếu người mua là công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán thì Olea sẽ không đòi hỏi thông tin nào từ người mua hàng, nếu là công ty tư nhân, Olea sẽ xem xét trên data dữ liệu của mình hoặc doanh nghiệp xuất khẩu sẽ cung cấp báo cáo tài chính của người mua trong 2 năm. Trong vòng 2 ngày sau khi nhận báo cáo tài chính, tùy theo mức độ tín nhiệm tín dụng của người mua, Olea sẽ cung cấp một hạn mức cho doanh nghiệp xuất khẩu. Số tiền này coi như là khoản mà doanh nghiệp xuất khẩu bán nợ cho Olea. Và Olea sẽ thu số tiền này từ phía người mua. “Giải pháp này giúp doanh nghiệp có thể quay vòng vốn nhanh hơn, giảm rủi ro trong giao dịch tài chính quốc tế”, bà Lê cho biết.

Ngoài ra, tại hội thảo cũng giới thiệu các giải pháp tài chính cho doanh nghiệp khi muốn thực hiện setup nhà máy hợp chuẩn.

Được biết, Hội thảo là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Đà Nẵng 2023 đang diễn ra tại TP. Đà Nẵng từ 12 – 14/9/2023.

Vũ Lê

Theo: Báo Công Thương