Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể

(Banker.vn) Ngày 23/4/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”...
Ngày 23/4/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”. Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại trụ sở Ủy ban nhân dân (UBND) 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với hơn 2.400 đại biểu tham dự.

Hội thảo do đồng chí Cao Xuân Thu Vân - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về kinh tế tập thể và đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Ủy viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về kinh tế tập thể đồng chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, HTX, tổ chức tín dụng…

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lí, các chuyên gia đi sâu, tập trung thảo luận, giải quyết ba nhóm vấn đề: (i) Đánh giá một cách toàn diện về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể; (ii) Đi sâu phân tích khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân trong tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể; (iii) Đề xuất các giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng cho phát triển kinh tế tập thể trên cả nước.
 

Toàn cảnh Hội thảo
 
Kinh tế tập thể, HTX ở nước ta phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra

Đánh giá về khu vực kinh tế tập thể, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về kinh tế tập thể cho biết: Trong những năm qua, HTX tuy có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra và còn một số tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết như: Tỉ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia HTX, tổ hợp tác; một bộ phận lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường, năng lực quản trị của HTX còn yếu; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các HTX khó khăn do chủ yếu chưa đáp ứng các yêu cầu tối thiểu, các điều kiện vay vốn vì thế vốn cho sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.
 

Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về kinh tế tập thể phát biểu tại Hội thảo

Những nguyên nhân, khó khăn chủ yếu xuất phát từ điều kiện nội tại của các HTX chưa đáp ứng các điều kiện tín dụng; do đó, cần phải có giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với HTX, bao gồm cả cơ chế, chính sách hỗ trợ, các quy định, hướng dẫn để thực hiện Luật HTX năm 2023, các nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước như Quỹ phát triển HTX, các chính sách về công nghệ, phát triển thị trường trong, ngoài nước. Bên cạnh đó, cần sự nỗ lực của từng HTX, từng thành viên trong HTX để tổ chức hoạt động, quản lí kinh tế tập thể phù hợp, hiệu quả, đúng bản chất.

Đồng tình với quan điểm của bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú trăn trở: Kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước nhưng vì sao phát triển chưa tương xứng với yêu cầu? Phó Thống đốc mong muốn các đại biểu làm rõ những vấn đề về cơ chế, chính sách cho kinh tế HTX, thực trạng HTX hiện nay, mối quan hệ vay vốn của các HTX đối với các tổ chức tín dụng... Từ đó, tìm ra các giải pháp phù hợp để giúp kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác có sự phát triển mạnh mẽ hơn.
 

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo
 
Cần nâng cao nội lực và chữ tín

Thông tin tại Hội thảo, ông Đặng Văn Thanh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 HTX, 137 liên hiệp HTX và 71.500 tổ hợp tác. So với năm 2022, năm 2023 ghi nhận mức tăng 1.261 HTX, 7 liên hiệp HTX, 700 tổ hợp tác. Số HTX thành lập mới năm 2023 là 2.986 HTX, bình quân 250 HTX thành lập mới/tháng.  

Theo ông Đặng Văn Thanh, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, tuy nhiên còn tồn tại những hạn chế và chưa đạt được hiệu quả như kì vọng. Cụ thể: Các chính sách chủ yếu tập trung hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp, chỉ một số ít HTX phi nông nghiệp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước; số lượng các HTX tiếp cận các chính sách của Nhà nước đặc biệt là chính sách về hỗ trợ tín dụng và chính sách giao đất, cho thuê đất rất ít; ngân sách nhà nước chưa cân đối, bố trí được nguồn riêng; nguồn lực còn hạn hẹp, thấp xa so với yêu cầu; tiêu chí HTX thụ hưởng còn chưa phù hợp, thủ tục hành chính phức tạp, chưa phù hợp với thực tiễn từng địa phương, không xuất phát từ nhu cầu, năng lực của các HTX; chưa có cơ chế đặc thù cho các HTX trong việc sử dụng ngân sách, gây khó khăn trong triển khai; nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng tham gia vào thực hiện các chính sách hỗ trợ nên việc thực hiện chính sách còn chồng chéo về nội dung, đối tượng thụ hưởng, làm giảm hiệu quả nguồn lực; năng lực và kinh nghiệm của bộ máy quản lí nhà nước và các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn cho các HTX chưa đáp ứng yêu cầu...

Tại Hội thảo, đại diện Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh thẳng thắn nhìn nhận: Với định hướng phát triển trong tương lai, các HTX cần nguồn lực tài chính tốt để có thể phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô sản xuất của phần lớn các HTX còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do nhiều HTX còn hạn chế trong quản trị điều hành, tính liên kết trong sản xuất của các HTX không cao, chủ yếu quy mô nhỏ, chưa hình thành các chuỗi liên kết từ đầu vào - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tồn tại nhiều rủi ro thị trường dẫn đến phương án sản xuất, kinh doanh khi vay vốn kém khả thi; giá trị tài sản mang đi thế chấp của các HTX thường không cao do phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất còn lạc hậu nên không thể tìm được nguồn tài trợ cho các dự án có giá trị lớn; báo cáo tài chính của hầu hết các HTX không được đơn vị kiểm toán độc lập thẩm định nên chưa đáp ứng về điều kiện phải có báo cáo tài chính được kiểm toán theo yêu cầu của hồ sơ vay... Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn các ngân hàng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm tín dụng phù hợp hoạt động của HTX để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng đặc thù như xem xét cho vay tín chấp hoặc thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai khi HTX có dự án sản xuất, kinh doanh mang tính khả thi, hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Ba, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Miến Việt Cường (tỉnh Thái Nguyên) bày tỏ: HTX và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh huyện Đồng Hỷ có mối quan hệ rất tốt. Ngân hàng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho HTX mỗi khi vay vốn, thậm chí ngân hàng có thể cho vay không cần tài sản đảm bảo. Từ thực tế hoạt động và vay vốn ngân hàng của HTX Miến Việt Cường, ông Ba cho rằng, để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của các tổ chức tín dụng, trước hết các HTX phải nâng cao nội lực và uy tín của mình “uy tín đó là việc tuân thủ trả nợ gốc và lãi đúng hạn”; đồng thời, phải có thị trường đáng tin cậy, có mục tiêu, mục đích rõ ràng và xây dựng được thương hiệu uy tín trên thị trường.

Còn khó khăn trong cấp tín dụng cho kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác

Tham luận tại Hội thảo, ông Hoàng Minh Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết: Thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã ban hành quy chế về tín dụng, trong đó đặc biệt dành nhiều chính sách ưu đãi cho khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn, khách hàng là HTX. Tại Agribank, mức tín dụng không đảm bảo tài sản đối với các HTX được quy định rất rõ: Tối đa 01 tỉ đồng đối với HTX hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tối đa 02 tỉ đồng đối với HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; tối đa 03 tỉ đồng đối với liên hiệp HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ. Đối với loại hình vay theo mô hình liên kết: HTX, liên hiệp HTX kí hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Agribank cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết; HTX, liên hiệp HTX đầu mối kí hợp đồng thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Agribank xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh theo mô hình liên kết...

Tại Agribank, dư nợ cho vay HTX năm 2023 đạt 1.693 tỉ đồng, tăng 165 tỉ đồng, tỉ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2020, trong đó nổi bật là các loại hình như: HTX nông nghiệp 369 tỉ đồng; HTX lâm nghiệp 20,6 tỉ đồng; HTX thủy sản 10,4 tỉ đồng; HTX khai khoáng 44,9 tỉ đồng; HTX công nghiệp chế biến, chế tạo 239,4 tỉ đồng; HTX xây dựng 259,5 tỉ đồng; HTX bán buôn, bán lẻ 422,8 tỉ đồng... Giai đoạn 2020 - 2023, dư nợ cho vay HTX luôn chiếm tỉ lệ từ 0,11 - 0,12% dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank với chất lượng tín dụng khá tốt, tỉ lệ nợ xấu luôn thấp hơn tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống.

Mặc dù vậy, theo ông Hoàng Minh Ngọc, trên thực tế, việc cấp tín dụng cho các HTX, phát triển mô hình kinh tế tập thể còn gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân là: (i) Vốn đối ứng của các HTX chưa đáp ứng yêu cầu, để đảm bảo các điều kiện vay vốn. Bên cạnh đó, hệ thống báo cáo tài chính minh bạch, bài bản, thẩm định cũng chưa hoàn thiện; (ii) Các HTX thường không có tài sản bảo đảm khi vay vốn. Trường hợp vay vốn có tài sản bảo đảm thì tài sản của HTX chủ yếu là tài sản không chia, không được phép thế chấp (quyền sử dụng đất Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm hoặc giao sử dụng, máy móc, thiết bị được hỗ trợ...), hoặc có một số ít HTX thế chấp bằng tài sản của chính xã viên. Tuy nhiên, khi xảy ra rủi ro, việc xử lí tài sản bảo đảm gặp rất nhiều khó khăn do các xã viên không hợp tác trong quá trình xử lí tài sản; (iii) Hiện nay, các xã viên thường sử dụng chính tài sản của mình để đảm bảo cho khoản vay phục vụ hoạt động sản xuất của cá nhân và hộ gia đình. Do đó, việc mở rộng, phát triển cho vay HTX gặp rất nhiều khó khăn.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Tô Hoài Thanh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng HTX cho biết, hiện nay, các HTX khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng do thường không có tài sản bảo đảm; năng lực tài chính của HTX còn yếu, trong khi vay vốn đòi hỏi HTX phải có nguồn vốn tự có từ 20 - 30% vốn đầu tư của dự án; nhiều HTX chưa có đầy đủ hệ thống sổ sách theo quy định, thiếu hệ thống báo cáo chuẩn... Ông khuyến nghị các HTX cần chú trọng công tác kế toán công khai, minh bạch, rõ ràng. Theo ông Thanh, đây chính là yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin trong nội bộ thành viên HTX và với các đối tác.

Sẽ có thêm chính sách ưu đãi cho khu vực kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác

Thông tin tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, đến cuối tháng 02/2024, tín dụng đối với HTX, Liên hiệp HTX đạt 6.024 tỉ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023 cho khoảng 1.200 HTX, liên hiệp HTX, trong đó: Tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 2.000 tỉ đồng (cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt 3,28 triệu tỉ đồng); cho vay không có tài sản bảo đảm đối với HTX, Liên hiệp HTX trong nông nghiệp đạt 153 tỉ đồng (cho vay không có tài sản bảo đảm trong nông nghiệp nói chung đạt 647.000 tỉ đồng). Cho vay liên kết trong nông nghiệp đạt 10.012 tỉ đồng, tăng 3,76% so với cuối năm 2023. Các HTX không phát sinh dư nợ vay theo mô hình liên kết.
 

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu tại Hội thảo
 
Phát triển kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là HTX là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Những năm qua, bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, NHNN xác định khu vực kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng là một trong những đối tượng ngành Ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng đối với khu vực kinh tế này.

Theo đó, NHNN thường xuyên rà soát để không ngừng hoàn thiện quy định về hoạt động cho vay, trong đó loại hình kinh tế hợp tác, HTX được bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng. Đồng thời, NHNN trình Chính phủ ban hành Nghị định riêng về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, quy định nhiều cơ chế tín dụng ưu đãi đối với kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác như:  (i) Chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm: Tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác, 01 tỉ đồng đối với HTX, 02 tỉ đồng đối với HTX nuôi trồng thủy sản, liên hiệp HTX hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, 03 tỉ đồng đối với liên hiệp HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ. Mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với HTX, liên hiệp HTX sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị tối đa từ 70% đến 80% giá trị của dự án vay vốn liên kết. Cá nhân, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là thành viên HTX được vay không tài sản đảm bảo từ 100 đến 500 triệu đồng tùy mục đích sản xuất, kinh doanh; (ii) Chính sách ưu đãi lãi suất: HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác được hưởng trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND thấp hơn lĩnh vực sản xuất thông thường từ 1-1,5% (hiện đang áp dụng 4,0%/năm) khi hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên; được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng khi khách hàng mua bảo hiểm trong nông nghiệp; (iii) Cơ chế xử lí nợ đặc thù trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; khoanh nợ). Ngoài các chính sách ưu đãi thực hiện tại các ngân hàng thương mại, các HTX, thành viên HTX còn được vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua khoảng 28 chương trình tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã khẳng định sự thành công của Hội thảo; trong đó, các đại biểu tham dự đã làm rõ nhiều vấn đề như: Vì sao khó tiếp cận vốn tín dụng, cần cơ chế chính sách gì để tăng cường phát triển kinh tế hợp tác, HTX; đường lối, chính sách, hành lang pháp lí về kinh tế tập thể, HTX và vai trò của ngành Ngân hàng trong việc kết nối, đồng hành cùng kinh tế tập thể, HTX. Hội thảo cũng thảo luận về tư cách pháp lí, vấn đề mở rộng vốn kinh doanh, năng lực vốn còn hạn chế của khu vực kinh tế tập thể, HTX; vấn đề trình độ cán bộ; việc tham gia chuỗi cung ứng... Trong thời gian tới, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ rà soát cơ chế, chính sách ưu đãi; có chính sách hợp lí hơn với khu vực kinh tế tập thể, HTX; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành, địa phương xem xét, quản lí các HTX để có cơ chế cho vay phù hợp.

Đức Thuận
 
 
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục