Giải pháp nào tránh bẫy lừa đảo khi xuất khẩu sang Na Uy?

(Banker.vn) Theo ghi nhận của Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu, vừa qua, có tình trạng một số doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo khi xuất khẩu sang Na Uy.
Xuất hiện lừa đảo, hứa hẹn đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc Tiếp tục cảnh báo lừa đảo thương mại quốc tế trong lĩnh vực nông sản

Hơn 40 doanh nghiệp bị lừa khi xuất khẩu sang Na Uy

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Tham tán thương mại tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu chia sẻ, gần đây xuất hiện tình trạng mạo danh các công ty của Na Uy để lừa đảo các đối tác nước ngoài.

Giải pháp nào tránh bẫy lừa đảo khi xuất khẩu sang Na Uy?
Thương mại quốc tế càng phát triển, doanh nghiệp càng dễ gặp phải rủi ro (Ảnh minh hoạ)

Đối tượng lừa đảo lập các website giả danh các công ty xuất khẩu có thật với đầu mối liên hệ là giả mạo. Lợi dụng tâm lý cho rằng Na Uy là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín, một số công ty khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn nên tiến hành gấp sợ bỏ lỡ cơ hội, đồng thời không chịu kiểm tra kỹ thông tin về đối tác… Do đó, các đối tượng xấu đã lừa đảo được nhiều công ty của các nước khác, nhất là từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

“Cảnh sát Na Uy cho biết đã được báo cáo về 40 trường hợp lừa đảo trong thời gian qua và cho rằng con số thực tế còn lớn hơn. Hầu hết các trường hợp này, đối tượng lừa đảo thường không ở tại Na Uy nên cảnh sát cũng không can thiệp được” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý thông tin.

Có trường hợp, đối tượng lừa đảo tinh vi hơn khi lập hẳn website ngân hàng giả mạo, lừa doanh nghiệp Việt Nam gửi bộ chứng từ gốc đến địa chỉ do chúng yêu cầu tại Na Uy và cho người theo dõi tracking chứng từ, đón lõng để nhận bộ chứng từ gốc để nhận hàng và không thực hiện thanh toán.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý lưu ý, một số dấu hiệu cần chú ý có thể là lừa đảo như sau: Đối tác muốn trao đổi qua Whatsapp hoặc Skype; đối tác có tài khoản thanh toán thuộc ngân hàng nằm ngoài Na Uy; Trao đổi qua thư điện tử không phải của các doanh nghiệp mà bằng hộp thư công cộng như gmail; Mã số thuế VAT trên website là không phải 9 ký tự (mã số thuế của các doanh nghiệp Na Uy có 9 ký tự); Website của công ty có tên miền không kết thúc với đuôi .no; Website của công ty không có phiên bản tiếng Na Uy…

“Trên đây mới chỉ là dấu hiệu có thể là lừa đảo. Khi thấy các dấu hiệu này, các doanh nghiệp cần kiểm tra và xác minh đối tác kỹ hơn” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý chia sẻ.

Giải pháp nào hạn chế tối đa rủi ro?

Trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng phát triển, rủi ro với doanh nghiệp xuất khẩu ngày càng nhiều. Đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, khi có được các đơn hàng mới, rất nhiều doanh nghiệp có tâm lý phải tận dụng tối đa mà đôi khi lơ là các yếu tố tiềm ẩn rủi ro.

Do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ bị lừa đảo, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý cho biết, các công ty Việt Nam khi tiến hành hợp tác thương mại với các công ty Na Uy cần xác minh, thẩm định doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp lần đầu giao dịch. Đối với các hợp đồng lớn, cần giao dịch trực tiếp, tránh chỉ giao dịch qua internet.

Đối với việc thanh toán, cần chọn phương án thanh toán đảm bảo an toàn như mở LC không hủy ngang và yêu cầu ngân hàng kiểm tra tính xác thực của LC trước khi giao chứng từ.

Riêng đối với các hợp đồng lớn, các doanh nghiệp nên thuê luật sư để soạn thảo hợp đồng một cách chặt chẽ. Các doanh nghiệp cũng cần tính đến phương án bảo lãnh thanh toán qua ngân hàng, mua bảo hiểm hàng hóa hoặc có thể sử dụng các dịch vụ logistics để giảm thiểu rủi ro.

Ngoài ra, để giảm thiểu khả năng bị lừa đảo, cảnh sát Na Uy khuyến cáo khi trao đổi giao dịch nên đề nghị đối tác dùng video conference và lưu lại. Các công ty có thật không ngại vấn đề này, còn đối tượng lừa đảo thường từ chối tiếp xúc lộ diện.

Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện với nhiều vụ lừa đảo quốc tế mà gần đây nhất là vụ xuất khẩu 5 lô nông sản (hạt tiêu, hoa hồi, gia vị…) sang Dubai – UAE. Năm 2022, doanh nghiệp cũng bị lừa khi xuất khẩu 76 container điều sang Italia.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương