Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, có đến 95% tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, có 39% tổ chức tín dụng phê duyệt chiến lược chuyển đổi số riêng biệt hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin, 42% các tổ chức tín dụng đang hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số. Dự kiến trong vòng 3-5 năm tới, các ngân hàng số sẽ có mức tăng trưởng doanh thu tối thiểu là 10%, và có 58,1% tổ chức tín dụng đặt kỳ vọng thu hút hơn 60% khách hàng sử dụng kênh giao dịch số, kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt trên 50%. Điều này cho thấy, mức độ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển biến mạnh mẽ.
Mục tiêu của các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có vốn Nhà nước là chuyển đổi số toàn hệ thống mạnh mẽ, mặt khác đối với các ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ hơn thì việc chuyển đổi số có chọn lọc để nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nhiệm khách hàng là mục tiêu tất yếu.
Là một người dày dặn kinh nghiệm trong việc xây dựng ngân hàng số và fintech, ông Phạm Quang Minh - Tổng giám đốc Mambu Việt Nam - nêu quan điểm: Dịch vụ ngân hàng đã thay đổi liên tục trong vài năm trở lại đây, tại châu Á kỳ vọng của khách hàng về dịch vụ ngân hàng di động và trực tuyến tăng cao thay thế các dịch vụ truyền thống là động lực thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ tài chính chuyển đổi số mang lại những trải nghiệm ngân hàng mới. Để hiện thực mô hình lấy khách hàng làm trung tâm, đây là thời điểm phù hợp không chỉ nói về dịch vụ ngân hàng mọi lúc mọi nơi và hướng tới ngân hàng thông minh với những trải nghiệm cá nhân hóa cho người dùng.
Đồng quan điểm này, theo ông Phan Việt Hải - Giám đốc Công nghệ thông tin kiêm Giám đốc Trung tâm ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Bản Việt - Viet Capital Bank, ngân hàng số phải tạo được trải nghiệm khách hàng vượt trội thông qua quá trình xây dựng lại cách thức cung cấp và vận hành dịch vụ trên nền tàng công nghệ hiện đại, điều này cho thấy rằng việc gia tăng trải nghiệm khách hàng giữ một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của các ngân hàng số hiện nay tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng giám đốc phụ trách Quan hệ đối tác chiến lược, Ngân hàng số Timo - cho rằng, ngoài việc đưa ra những sản phẩm dịch vụ tài chính hoàn hảo và cập nhật, chúng ta còn phải thật sự am hiểu thị trường, nhu cầu mong đợi của khách hàng và quan trọng hơn là xác định được những vấn đề, khó khăn mà họ đang gặp phải mỗi ngày trong từng giao dịch.
Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Các khó khăn chính yếu của quá trình chuyển đổi số là quy định pháp lý về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin, quy trình nghiệp vụ với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong ngân hàng. Không chỉ vậy, việc chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật cũng rất quan trọng để tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số.
Trước thực trạng như vậy, IDG Việt Nam cho biết sẽ tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến IDG TekTalk Ep 3 với chủ đề - Phát triển ngân hàng số: Mô hình và giải pháp kỳ vọng sẽ cung cấp được những kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam. Sự kiện kỳ vọng sẽ cung cấp được những kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam. Tại sự kiện các chuyên gia sẽ trao đổi xung quanh các chủ đề mô hình ngân hàng số nào là thích hợp với Việt Nam trong giai đoạn này? Các khó khăn và giải pháp cụ thể để giải quyết khó khăn. Dịch Covid-19 tác động như thế nào đến kế hoạch chuyển đổi số các ngân hàng, giải pháp khắc phục…
Mai Ca
Theo Báo Công Thương
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|