Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản?

(Banker.vn) Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nêu các giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho xuất khẩu nông sản.
Longform | Chung tay xuất khẩu nông sản miền núi, vùng đồng bào dân tộc Bộ Nông nghiệp có điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023? Xuất khẩu nông sản sang UAE: Giá phải hấp dẫn

Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong các nhóm vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm có vấn đề về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản khi thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng…

Quy trình kiểm tra nông sản xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất-Nhập khẩu trái cây Chánh Thu, tỉnh Bến Tre
Nông sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thông tin, năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt cao kỷ lục 53,53 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2021; trong đó: Nông sản chính đạt trên 22,7 tỷ USD, tăng 5,4 %; lâm sản chính đạt trên 17,09 tỷ USD, tăng 7,1%; thủy sản đạt trên 10,92 tỷ USD, tăng 23%.

Có 12 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,01 tỷ USD; tôm 4,31 tỷ USD; cà phê 4,05 tỷ USD; gạo 3,46 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,36 tỷ USD; hạt điều 3,08 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 8,68 tỷ USD, tăng 32,7% so với năm 2021.

7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022; nhưng các doanh nghiệp cũng đã tận dụng được thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng có lợi thế, trong đó có 04 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu vượt trội so với cùng kỳ là rau quả (3,2 tỷ USD, tăng 68,1%), gạo (2,58 tỷ USD, tăng 29,6%), cà phê (2,76 tỷ USD, tăng 6%), hạt điều (1,95 tỷ USD, tăng 9,8%).

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, với các khó khăn trong xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn hiện hữu, nhu cầu thị trường phục hồi chậm, một số biến động thị trường gần đây đặt ra thêm những thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội như: Ấn Độ và một số quốc gia dừng xuất khẩu gạo; Thái Lan khuyến nghị giảm diện tích trồng lúa để tránh hiện tượng El Nino; rủi ro biến đổi khí hậu nhanh hơn dự kiến ảnh hưởng lên canh tác nông nghiệp; sáng kiến ngũ cốc biển đen không được gia hạn; xung đột địa chính trị tại châu Phi và Ukraina tiếp tục kéo dài…

Để khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội trong bảo đảm an ninh, an toàn nguồn cung thực phẩm trong nước và gia tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như sau: Cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương gia tăng, đổi mới tổ chức truyền thông quảng bá chất lượng đặc thù vượt trội của nông sản Việt tại thị trường trong và ngoài nước; chỉ đạo sản xuất linh hoạt, đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu xuất khẩu;

Về dài hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên chỉ đạo triển khai các nội dung: Hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực; tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững theo mục tiêu, định hướng tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững và các giải pháp cụ thể tại các Đề án đang triển khai: “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025”; “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ”; “Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030”…

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Đề án “Phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050”.

Theo dự kiến, ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày làm việc để tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong đó, đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...).

Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương